Vụ xô sát ở Thủy điện Mây Hồ: "Người đánh chúng tôi không phải công nhân”

Văn Hoàng Chủ nhật, ngày 20/03/2022 10:46 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, đại diện 2/3 trại nuôi cá hồi liên quan đến vụ xô xát ở Thủy điện Mây Hồ khẳng định: 100% người đánh chúng tôi không phải công nhân mà là dân nơi khác đến.
Bình luận 0

Đại diện 2/3 trại nuôi cá hồi: Người đánh chúng tôi không phải công nhân...!

Sau nhiều ngày diễn ra vụ xô xát giữa người dân địa phương và những người cầm hung khí tại thủy điện Mây Hồ, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lý Quẩy Vảng và ông Lý Quẩy Vạn, thôn Lủ Khấu, đại diện cho 6 hộ dân của hai trại nuôi cá hồi vẫn còn bàng hoàng khi nói về vụ việc. Hiện con trai ông Vạn chưa thể đứng dậy được do bị thương.

Ông Vảng chia sẻ rằng: "Trại cá hồi của chúng tôi được đầu tư xây dựng từ 2014 - 2015 hết khoảng 800 triệu đồng, ban đầu chúng tôi mong muốn được hỗ trợ 2,5 tỷ đồng, khi thỏa thuận với Công ty TNHH năng lượng Mây Hồ (Công ty Mây Hồ) ở UBND xã chúng tôi đã giảm xuống 2 tỷ nhưng phía Công ty không đồng ý mà nói hỗ trợ theo giá nhà nước được 600 triệu đồng".

Gia đình ông Vảng cùng 3 hộ dân khác ở thôn Lủ Khấu đã góp vốn để xây dựng 5 ao để nuôi cá hồi, những ao cá hồi này mỗi năm mang lại nguồn thu cho cả 3 gia đình khoảng 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 400 triệu đồng. 

Còn nhóm hộ của ông Lý Quẩy Vạn, ao cá to hơn nên ban đầu mong muốn hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, sau khi xảy ra xô xát, ông nói: "Phải hỗ trợ 4 tỷ đồng mới được".

Vụ xô sát ở thủy điện Mây Hồ: “100% người đánh chúng tôi không phải công nhân...” - Ảnh 1.

Ao nuôi cá hồi của người dân đã không chăn nuôi được từ khi thủy điện Mây Hồ đi vào xây dựng. Ảnh: Người dân cung cấp

Hiện, ông Vảng cũng như các hộ dân khác đang rất lo lắng không biết cuộc sống sau này của gần 20 nhân khẩu trong 3 gia đình sẽ trông cậy vào đâu. 

Từ khi thủy điện Mây Hồ thi công ao cá của nhóm hộ ông Vảng và ông Vạn đã không nuôi được gì, không có nguồn thu.

Ông Vảng nói thêm: "Cuối năm 2021, Công ty Mây Hồ mời mấy gia đình nuôi cá lên trụ sở UBND xã Ngũ Chỉ Sơn trao đổi về mức đền bù với Phó Giám đốc công ty, nhưng hôm đó không thấy hỏi gì đến hai trại cá phía dưới, mà chỉ giải quyết chỗ hộ ở thôn Can Hồ B, phía công ty đưa giá hỗ trợ 2 tỷ đồng nhưng hộ dân ấy không đồng ý, sau đó Phó Giám đốc về nên không giải quyết được".

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt về vụ xô xát xảy ra chiều 14/3 ông Vảng nhớ lại: "Hôm đó tôi đến thấy toàn người cầm thanh sắt đứng xung quanh cho máy xúc thi công, tôi đi vào đó thì họ hỏi đi đâu, vào đây làm gì, tôi bảo vào đây có chỗ nguồn nước chưa giải quyết cho gia đình thì không được thi công nhưng họ cứ lấy gậy cản không cho đi vào".

Vụ xô sát ở thủy điện Mây Hồ: “100% người đánh chúng tôi không phải công nhân...” - Ảnh 2.

Theo một người dân địa phương Lủ Khấu thì những người xô xát với dân không phải người địa phương. Ảnh: Cắt từ clip

"Một lúc sau một xe màu đen tới có hai người to cao, béo, mỗi người cầm tuýp nhựa chịu nhiệt màu xanh to bằng chuôi dao, cứ tưởng đến gần tôi để thảo luận với gia đình nhưng ra không nói năng gì vụt mấy anh em ở đó, đánh đập chúng tôi luôn, lúc đó có mấy hộ gia đình có trại không biết làm gì nên vô tình nhặt đá để bảo vệ thân. 

Họ có gậy sắt làm hung khí hết, chúng tôi không có gì nên phải nhặt đá ném họ nhưng cũng chẳng trúng, họ chạy loăng quăng khắp suối, chạy đi đâu không biết, có một số chạy về công trường, có đội họ vượt suối sang bên Can Hồ" - ông Vảng nói thêm.

Ông Vảng khẳng định: "Những người xảy ra xô xát với chúng tôi hôm đó không phải công nhân mà 100% là "xã hội đen". Ở đó chỉ có hai máy xúc với ô tô mà đưa vào lắm công nhân thế làm gì, đó là những người từ nơi khác đến". 

Ông Lý Quẩy Vạn cũng khẳng định "100% những người có mặt đánh chúng tôi không phải công nhân, nhiều thanh niên còn rất trẻ".

Còn ông Lý Láo Sỳ, Trưởng thôn Lủ Khấu, xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết: "Chỗ 49 người bị đưa đến Công an thị xã Sapa tiếp tục điều tra không có người dân của thôn, tôi cũng không biết người ở đâu, khi xảy ra xô xát dân hỏi họ bảo ở thành phố Lào Cai. 

Hôm đó thi công thấy toàn cầm gậy tuýp sắt, đấy không phải công nhân, họ rào rồi có người đứng xung quanh, chỉ có mỗi máy múc và ô tô làm móng đập".

Vụ xô sát ở thủy điện Mây Hồ: “100% người đánh chúng tôi không phải công nhân...” - Ảnh 3.

Khu vực xảy ra xô xát khi đơn vị thi công đang xây dựng đập đầu mối thủy điện Mây Hồ. Ảnh: Cắt từ clip

Trước đó, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đinh Huy Cường, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn cũng khẳng định 49 người bị đưa về Công an thị xã Sapa tiếp tục điều tra làm rõ là người từ nơi khác đến chứ không phải người dân địa phương.

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Dân Việt, đại diện Công ty TNHH xây dựng An Phú (Công ty An Phú) - đơn vị thi công đập đầu mối nơi xảy ra xô xát - lại cho rằng: "Công nhân chúng tôi bị đánh khiến 8 người bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu, khi xe cấp cứu đến đón người dân không cho xe vào đưa đi và dọa công nhân chúng tôi. Trong tình thế đó buộc chúng tôi phải hỗ trợ, bồi thường 520 triệu đồng".

Vụ việc vẫn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.

"Người dân thấy đánh nhau lại đi cứu, đi giúp nên mới đông như vậy"

Khi được hỏi vì sao chỉ có 9 hộ dân bị bị ảnh hưởng nhưng khi xảy ra xô xát có nhiều người dân tham gia như vậy? 

Ông Lý Láo Sỳ, Trưởng thôn Lủ Khấu, xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết: "Người dân ra đông vì mùa này làm nương rẫy, rủ nhau đi xem, thấy đánh nhau lại đi cứu, đi giúp nhau nên mới đông như vậy. Cuối cùng ra lại lộn xộn chả biết ai đánh ai".

Vụ xô sát ở thủy điện Mây Hồ: “100% người đánh chúng tôi không phải công nhân...” - Ảnh 4.

Hàng chục người có mặt ở hiện trường khi vụ xô xát xảy ra. Ảnh: Cắt từ clip.

"Vụ việc xô xát xảy ra khiến 5 người ở thôn Lủ Khấu phải nhập viện cấp cứu, có người bị nặng nhất phải khâu 10 mũi, 7 người bị thương nhẹ được điều trị tại nhà" - Trưởng thôn Lủ Khấu nói.

Được biết, thôn Lủ Khấu hiện có 60 hộ dân, gần 300 nhân khẩu, khi thủy điện hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến 45 hộ dân. Khi thủy điện thi công có một số người dân của thôn đến làm công nhân xây dựng.

Đại diện của thôn Lủ Khấu thông tin thêm: "Bà con muốn giải quyết dứt điểm thì không nói gì. Còn vụ việc vừa rồi do chưa đạt được thỏa thuận, đền bù được với mấy hộ nuôi cá nên khi công ty thi công người dân không cho làm, nếu đền bù xong thì 9 hộ thả cá cũng không nói gì. 

Mong mọi việc sớm đạt được thỏa thuận để bà con yên tâm phát triển kinh tế, ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương".

Vụ xô sát ở thủy điện Mây Hồ: “100% người đánh chúng tôi không phải công nhân...” - Ảnh 5.

Hình ảnh những người từ nơi khác theo một số người dân địa phương khẳng định không phải là công nhân đang cầm tuýp sắt xếp thành hàng ngăn không cho người dân tiếp cận hiện trường thi công. Ảnh: Cắt từ clip.

Theo giấy phép xây dựng số 1663/GPXD ngày 19/5/2021 của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai cấp, dự án thủy điện Mây Hồ được xây dựng tại thôn Lủ Khấu, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai gồm 2 tổ máy với tổng công suất 6,5 MW, công suất đảm bảo 0,8MW. Công trình được UBND tỉnh Lào Cai cho thuê 61.766,0m2 đất.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem