Vụ nữ sinh chửi thầy giáo: Giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu kỹ năng sư phạm?

Tào Nga Thứ hai, ngày 17/10/2022 10:25 AM (GMT+7)
Vụ nữ sinh chửi thầy giáo vẫn đang là chủ đề gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, ở góc độ giáo viên, người thầy trong tình huống này được cho là thiếu kỹ năng sư phạm.
Bình luận 0

Nữ sinh chửi thầy giáo ở Khánh Hòa

Vụ nữ sinh ở Khánh Hòa chửi tục và cãi tay đôi với thầy giáo khiến dư luận bất bình 2 ngày qua. Theo nội dung ghi lại, thầy giáo bước vào lớp và đã có lời qua tiếng lại với một nữ sinh ngồi ở bàn đầu. Thậm chí có lúc nữ sinh này xưng mày-tao với thầy giáo và buông lời chửi tục khiến cả lớp phải giật mình. Thầy giáo trong đoạn clip đứng trước mặt học sinh sau đó lên ghế ngồi. Có lúc thầy "đứng hình" trên bục giảng trước những câu chửi tục của học sinh.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Hà Văn Thọ, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Khánh Hòa đã mong cộng đồng mạng đừng "ném đá" nữ sinh và tin tưởng vào nhà trường. Hội đồng nhà trường cùng gia đình học sinh đang tìm hiểu sự việc, cùng nhau tìm cách giáo dục, uốn nắn để các em nhận thấy cái sai, cái thiếu chuẩn mực của người học sinh mà sửa đổi. Còn với thầy giáo, thầy Thọ cũng cho biết, thầy giáo đã thiếu kỹ năng sư phạm khi xử lý tình huống.

Vụ nữ sinh chửi thầy giáo: Giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu kỹ năng sư phạm? - Ảnh 1.

Nữ sinh chửi tục và cãi nhau tay đôi với thầy giáo trong lớp. Ảnh cắt từ clip

Ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó giám đốc Sở GDĐT Khánh Hòa cho hay, thông tin ban đầu cho thấy học sinh này có viết bậy và bị thầy giáo nhéo tai. Sau đó, học sinh mới văng tục chửi thề và đôi co với giáo viên. Ông Quỳnh cũng nêu quan điểm mặc dù thầy giáo vẫn giữ bình tĩnh trong vụ việc nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong quá trình ứng xử tình huống khi đã đôi co, nói chuyện qua lại với học sinh khiến em này càng mất kiểm soát, có những lời lẽ thô tục, thiếu chuẩn mực hơn. 

Cách ứng xử của người thầy

Là người theo dõi vụ việc và cũng có nhiều năm kinh nghiệm đứng bục giảng, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Lịch sử, Trường Liên cấp Đông Bắc Ga, TP.Thanh Hóa phân tích: "Vấn đề thầy giáo và học sinh ở trên là kiểu một tình huống sư phạm, nhưng chắc chắn tình huống này thầy giáo chưa bao giờ gặp và chưa được xử lý nên gây khó cho thầy.

Theo nội dung chia sẻ từ clip, thầy giáo có "nhéo tai em nữ sinh". Thực tế hành động nhéo tai của thầy giáo là một kiểu khá nhẹ nhàng, không gây ra đau đớn, tổn thương cho học sinh mà chỉ giống như một sự cảnh cáo, đồng thời là sự thông báo về sự có mặt của mình. Tuy nhiên bất ngờ trước một cái nhéo tai không đau đó vẫn làm cho học sinh cảm thấy tự ái.

Nữ sinh này liên tục văng tục, xúc phạm đến thầy giáo vừa nhéo tai mình: "Đừng có đụng đến tôi. Tôi làm gì ông. Ông có quyền gì cấm tôi. Ông làm như tôi sợ ông hả. Ông là giáo viên gì mà dám la tôi, giựt lỗ tai tôi. Ông nuôi tôi ngày nào".

Thầy giáo ban đầu có đôi chút bất ngờ nhưng cũng ngay lập tức có những lời răn đe với em học sinh này. Nói là răn đe nhưng nó lại nhẹ nhàng xen lẫn bất lực và có phần e ngại và trở nên thất thế trước cô học trò "hổ báo": "Năm ngoái tôi đã bỏ qua rồi. Tôi đã cảnh báo rồi. Bố láo bố toét vừa thôi. Tôi đã nhắc nhiều lần rồi...". Sau đó, thầy yêu cầu nữ sinh ra ngoài, nhưng học sinh đó vẫn tiếp tục văng tục, lấn át một thầy giáo tương đối hiền này.

Vụ nữ sinh chửi thầy giáo: Giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu kỹ năng sư phạm? - Ảnh 2.

Trong tình huống này, thầy giáo phải ngưng tiết học và báo lên ban giám hiệu nhà trường để có hướng xử lý phù hợp. Ảnh cắt từ clip

Ở đây là một tình huống, nhưng thực tế lại là hai vấn đề cần phải giải quyết: 

- Vấn đề thứ nhất là chuyện học sinh cá biệt (như thầy giáo đã nói: năm ngoái đã bỏ qua rồi), thái độ, lời nói và hành động không chuẩn mực... 

- Vấn đề thứ hai phát sinh một cách bất ngờ vì bản thân giáo viên cũng không thể nghĩ một cái nhéo tai cảnh cáo của mình lại đụng phải đúng "học sinh quá bất hảo". Bình thường nếu phải trường hợp những em học sinh khác có lẽ sẽ không xảy ra tình huống bất ngờ này. Những cách thức xử lý các tình huống sư phạm như: "học sinh yêu nhau"; "học sinh chửi thầy"... không phải là không có những: "công thức", những "tài liệu tham khảo" lấy ra từ kinh nghiệm. 

Tuy vậy vốn dĩ vấn đề tình huống này không phải lúc nào cũng áp công thức vào là đem lại kết quả như mong muốn được. Nó phụ thuộc nhiều vào chính cảm xúc, thái độ của đối tượng học sinh cần áp dụng vào. Nếu gặp phải thành phần "bất cần, bất hảo", thì có đến chuyên gia tâm lý cũng phải bó tay tạm thời. Các giáo viên dù có trải qua sự đào tạo trong nghề về tâm lý trẻ, về giải quyết các tình huống cũng khó có thể lúc nào cũng chuẩn chỉnh khi xử lý. Bởi lẽ nhiều khi bản thân tình huống xảy ra là bất ngờ và bị chi phối bởi tâm lý, cảm xúc nên không lúc nào cũng đưa ra một giải pháp tối ưu ngay lập tức. Những hiện tượng "sai số" xảy ra là thường xuyên. 

Trong trường hợp này giáo viên thường sẽ tìm cách xử lý làm sao để sớm chấm dứt hành vi vô lễ của học sinh đó. 

Cách làm phổ biến thường là: 

- Đuổi học sinh đó ra khỏi lớp, đưa lên phòng hiệu trưởng ngồi để viết tường trình. 

- Bỏ ra khỏi lớp và đi thẳng lên ban giám hiệu báo cáo về sự việc. 

Thầy giáo trong clip trên mạng đã chọn giải pháp đầu tiên là mắng học sinh này vài câu, sau đó yêu cầu học sinh ra khỏi lớp để tiếp tục dạy học. Tuy nhiên giải pháp này không phát huy được hiệu quả. Vì nữ sinh này lại có hành vi bật lại, từ đó đã tạo nên một màn "đôi co giữa thầy và trò" mà trong đó bản thân người thầy có chút mất đi sự chủ động, bị học sinh lấn lướt. 

Giải pháp thứ hai là "bỏ lớp", ngay lập tức thì người thầy giáo này sẽ không bị phát sinh "tình huống thứ ba" là đôi co với học sinh. 

Tuy nhiên với theo quy định của Luật viên chức giáo dục thì người giáo viên bỏ lớp không khác gì là tự ý bỏ vị trí việc làm một cách bất ngờ. Hệ luỵ về sau còn kinh khủng hơn việc giải quyết theo tình huống ở trên. Dường như vấn đề là giáo viên đang bị mắc kẹt trong xử lý tình huống, dù đi theo hướng nào thì cũng phát sinh ra những sai số. 

Điều chúng ta nhận ra trong clip là: Người thầy đã mất đi cái uy trước học trò, thậm chí là bị áp chế ngược trở lại", trong khi không có một công cụ bám víu nào để trợ lực. 

Theo thông tư mới "giáo viên không được đánh học sinh (tất nhiên là hợp lý, vì đánh học sinh là hành vi bạo lực), tuy nhiên ngay cả đến việc phê bình học sinh trước lớp cũng còn bị "cắt" mất thì việc "chửi học sinh hư" đã là vượt qua khuôn khổ của phạm trù phê bình. 

Như vậy cứ căn cứ vào quy định "không phê bình học sinh", thì việc giáo viên mắng học sinh một vài câu, trên thực tế đang vi phạm quy định trong luật giáo dục".

Xôn xao clip nữ sinh văng tục, xưng “mày” – “tao” với thầy giáo| Báo Dân Việt

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem