Vụ đánh chết con ruột vì nghiện rượu: Người mẹ có thể được đổi tội danh khi nào?

Quang Trung Thứ hai, ngày 27/03/2023 06:19 AM (GMT+7)
Bực tức vì con trai nghiện rượu, thường xuyên say xỉn và nhiều lần xin tiền, đánh người thân, người mẹ đã dùng búa đánh chết con trai khi đang ngủ. Chuyên gia pháp lý cho rằng, trong vụ việc này, người mẹ có thể được đổi tội danh.
Bình luận 0

Bi kịch trong gia đình mẹ đánh chết con vì nghiện rượu

Công an tỉnh Đắk Lắk vừa dẫn giải bà H'Mĩm Niê (sinh năm 1969) về nhà để thực nghiệm hiện trường quá trình dùng búa đánh chết con trai.

Theo điều tra, sáng 5/3, Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận tin báo về việc anh Y Khai Niê (27 tuổi, ngụ xã Ea Tul) tử vong tại phòng ngủ, không rõ nguyên nhân. Công an sau đó xác định nghi phạm là bà H'Mĩm Niê (mẹ ruột nạn nhân).

Vụ đánh chết con ruột vì nghiện rượu: Người mẹ có thể được đổi tội danh khi nào? - Ảnh 1.

Bà H Mĩm Niê đang diễn lại cảnh sát hại con trai. Ảnh: CACC

2 ngày sau khi vụ việc xảy ra, bà H'Mĩm Niê đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi giết con ruột.

Theo lời khai của bà H Mĩm Niê, những năm qua, Y Khai Niê lười lao động, ham chơi, nhiều lần xin tiền mẹ và các thành viên trong gia đình để đi nhậu với bạn bè. Nếu không xin được tiền, Y Khai Niê tìm cách đập phá đồ đạc trong nhà, đánh đập và đe dọa giết các thành viên trong gia đình.

Như những lần trước, khoảng 2h ngày 5/3, sau khi nhậu về, anh Y Khai Niê xin mẹ 5 triệu đồng để đi ăn chơi nhưng bà H'Mĩm Niê trả lời không có và bị con trai chửi bới rồi đe dọa sẽ giết chết.

Không thấy mẹ nói gì, anh Y Khai Niê về phòng nằm ngủ. Do nhiều lần con trai xin tiền, bán xe máy của gia đình để tiêu xài, thường xuyên đe dọa giết nên bà H'Mĩm Niê nảy sinh ý định giết con.

Sau đó, bà H'Mĩm Niê lấy búa đinh đi sang phòng con trai. Đứng nhìn con ngủ một lúc rồi bật khóc, bà H'Mĩm Niê đã dùng búa đánh khiến anh Y Khai Niê tử vong tại chỗ.

Nạn nhân trong vụ án nghiện rượu gần 10 năm nay, thường xuyên xin tiền, đánh đập cha mẹ và người thân. Y Khai Niê từng đánh chị gái đang mang thai khi không được cho tiền.

Người mẹ có thể được đổi tội danh?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là một vụ án mạng đau lòng mà hung thủ gây án chính là mẹ của nạn nhân.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý, theo thông tin ban đầu, lý do gây án là xuất phát từ những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, kéo dài của nạn nhân đối với người mẹ và những người thân trong gia đình.

Đây là nguyên nhân động cơ phạm tội của người mẹ, đồng thời cũng là yếu tố tác động lên tinh thần của người mẹ. Bởi vậy trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ mặt chủ quan của tội phạm, trong đó có yếu tố lỗi, động cơ, mục đích.

Theo ông Cường, trong vụ việc này, với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, với những dấu vết để lại trên hiện trường, lời khai của người làm chứng và lời khai của người mẹ thì đã rõ "mặt khách quan" của tội phạm.

Đó là hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm  trái pháp luật đến tính mạng của người khác.

Tuy nhiên, để xác định hành vi này cấu thành tội phạm của tội danh nào, cần làm rõ mặt chủ quan của tội phạm (là lỗi, động cơ và mục đích) để xác định chính xác tội danh là tội giết người hay tội giết người trong trạng thái tinh thần để bị kích động mạnh.

Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ diễn biến một chuỗi hành vi của bị hại và của bị can để xác định hành vi của người bị hại có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hay không, hành vi trái pháp luật của người bị hại đã tác động đến tinh thần của bị can và những người khác như thế nào.

Nếu hành vi trái pháp luật nghiêm trọng diễn ra nhiều lần, kéo dài, khiến cho bị can bị áp lực, tinh thần bị dồn nén, từ đó ảnh hưởng đến việc nhận thức và điều khiển hành vi, có thể chuyển tội danh sang Điều 125 - tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh để xử lý cho đúng tội, thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật.

"Trường hợp chuyển tội danh từ tội giết người sang tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, người mẹ có thể phải chịu mức hình phạt từ 3 đến 7 năm tù.

Còn trường hợp kết quả điều tra không đủ căn cứ để xác định tinh thần của người mẹ bị kích động mạnh, cơ quan điều tra sẽ xử lý về tội giết người theo Điều 123. Lúc này, người mẹ có thể được áp dụng tình tiết bị hại có lỗi một phần nên khung hình phạt có thể áp dụng là phạt tù từ 7 đến 15 năm" – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem