Vụ bé trai 5 tuổi bị "chồng hờ" của mẹ đánh đập dã man: "Thật kinh khủng khi nói dạy con tự lập"

Tào Nga Thứ bảy, ngày 07/08/2021 12:59 PM (GMT+7)
Parent Coach Tú Anh Nguyễn sau khi xem clip bé trai 5 tuổi bị "chồng hờ" của mẹ đánh đã thốt lên: "Thật kinh khủng và tàn nhẫn khi "nhân danh” nóng giận để dạy con".
Bình luận 0

Đoạn clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh người đàn ông đánh đập dã man bé trai ở trong khu nhà trọ thuộc KP. Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An, Bình Dương, được đăng tải trên mạng xã hội khiến cộng đồng hết sức phẫn nộ. 

Cậu bé 5 tuổi đã bị "chồng hờ" của mẹ liên tục chửi mắng, quăng quật, giẫm đạp không thương tiếc. Phẫn nộ hơn người mẹ có chứng kiến hành động ấy nhưng là không bận tâm. Sau khi con trai bị no đòn cầu xin thì người mẹ mới vào bảo vệ. Tuy nhiên, người mẹ lại biện minh cho hành động của "chồng hờ" là dạy con tự lập. 

img
img
img
img

Bé 5 tuổi trai bị "chồng hờ" của mẹ đánh đập. Ảnh: Chụp màn hình clip

Parent Coach Tú Anh Nguyễn sau khi xem clip bé trai 5 tuổi chồng hờ của mẹ đánh đã thốt lên: "Thật kinh khủng và tàn nhẫn khi "nhân danh" nóng giận để dạy con" (Parent Coach là người huấn luyện, tư vấn cho cha mẹ các kỹ năng phương pháp phù hợp để con có thể phát triển tự nhiên tối ưu nhất).

Trao đổi với PV báo Dân Việt, chị Tú Anh cho biết: "Điều đầu tiên, tôi xin khẳng định ý kiến của mình: Đánh trẻ và làm trẻ đau đớn thể chất, hoặc tổn thương tinh thần… chắc chắn không phải là cách dạy con hiệu quả để con trở nên tốt hơn, chứ đừng nói đến mong đợi con sẽ học được những đức tính tốt hay phát triển phẩm chất tốt".

Đánh đập trẻ dã man để dạy trẻ thành người biết tự lập – có phải là cách?

Theo chị Tú Anh, cha mẹ cần phải phân định rõ hai điều khác biệt sau:

Khi con có hành vi và cách cư xử chưa tốt, đó là lúc con cần phải được hướng dẫn để sửa đổi. Con cần được khuyến khích và tạo động lực tích cực để thực hiện những hành vi và cách cư xử tốt. Khi cha mẹ hành hạ làm tổn thương trẻ hoặc mắng nhiếc, chì chiết bằng những ngôn từ sỉ nhục nhân phẩm của trẻ… đó là khi người lớn đang dùng sự hung hãn và phản ứng tiêu cực để giải tỏa cho cảm xúc tức giận bên trong. Những lúc đó, họ có thể "nhân danh" rằng tôi đang dạy con, nhưng thực ra, là do chính họ mất bình tĩnh, mất kiểm soát để cho cơn nóng giận khống chế. Họ lợi dụng lý do là vì hành vi chưa tốt của con, và dùng con làm đối tượng để xả cơn giận của bản thân.

Trẻ con không nên và không phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc giận dữ bùng nổ của người lớn.

Vụ bé trai 5 tuổi bị "chồng hờ" của mẹ đánh đập dã man: "Thật kinh khủng khi nói dạy con tự lập" - Ảnh 2.

Parent Coach Tú Anh Nguyễn. Ảnh: NVCC

Khi cha mẹ hành hạ, làm tổn thương, sỉ nhục con trẻ, có 4 hệ quả nặng nề có thể xảy ra:

Đau khổ về tinh thần: Nhiều cha mẹ thường cảm thấy việc kỷ luật và xử lý khi con "hư" rất mệt mỏi và khó chịu. Nếu thường xuyên để cơn nóng giận bùng nổ mất kiểm soát, sau đó cha mẹ dễ cảm thấy hối hận, tội lỗi khi mọi chuyện đã lắng dịu xuống. Nhưng trớ trêu và khó xử thay nếu sau đó khi hành vi chưa tốt của con lặp lại, cha mẹ không biết cách xử lý nào khác và lại để cho nóng giận bùng nổ và leo thang. 

Hành vi sai trái ngày càng gia tăng: Khi hình phạt càng nặng nề và hà khắc, vấn đề ở con càng nghiêm trọng hơn, con càng phản kháng mạnh hơn những lần sau. Vì con đã tự quan sát cha mẹ và học được rằng: "Khi mình cảm thấy nóng giận và bực tức, mình có thể sử dụng hành vi bạo lực, chống đối, giống như cách cha mẹ mình thường làm".

Bị báo cáo ra chính quyền: Hành hung và làm tổn hại trẻ em là vi phạm pháp luật. 

Việc quản lý nóng giận và kiểm soát hành vi của bản thân là trách nhiệm của cha mẹ, là điều người lớn cần phải học và thực hành, thay vì trút giận lên con.

Parent Coach Tú Anh Nguyễn

Ảnh hưởng lâu dài trong tương lai: Tình cảm rạn rứt và quan hệ cha mẹ con cái có thể trở nên oán giận nhau. Con lớn lên với tổn thương tâm lý và tinh thần, hình thành nhận định khắc nghiệt về cuộc sống, phát triển cách tương tác tiêu cực trong các mối quan hệ xã hội, và cũng áp dụng cách nuôi dạy tương tự như vậy với chính con cái của mình trong tương lai. 

Mong đợi không thực tế: Cha mẹ phần lớn đều mong con phải biết nghe lời, biết cách cư xử tốt trong mọi tình huống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nếu có mong đợi quá cao vượt quá khả năng và lứa tuổi của con, hoặc mong đợi quá nhiều như con phải luôn luôn ngoan ngoãn, không bao giờ được phản kháng… thì sẽ dễ dẫn đến cảm giác thất vọng với con, làm gia tăng mâu thuẫn và căng thẳng. 

Cách cha mẹ được dạy dỗ và kỷ luật ngày nhỏ: Trong suốt quá trình khôn lớn và trưởng thành, việc cha mẹ được đối xử, tương tác, kỷ luật (hoặc trừng phạt) như thế nào đã được "ăn sâu" vào tiềm thức và trở thành phản xạ và cách phản ứng tự nhiên của họ. Sau này, khi có tình huống tương tự như vậy diễn ra với con, họ sẽ tự động hành xử như cách ông bà đã làm ngày xưa. Vì đó là cách cư xử duy nhất mà họ biết đến. 

Cách cha mẹ nhận định và lý giải về hành vi của con: Cha mẹ có thể mắc những "bẫy nóng giận", nếu nghĩ rằng: "Con nó cố tình làm vậy để trêu tức tôi" "Nó chẳng ra gì, không bao giờ thay đổi, giống y như cha/mẹ nó", "Nó hư là do nó, không phải do tôi".

Lý giải thế nào về sự nóng giận mất kiểm soát ở người lớn?

Nếu chúng ta bình tâm và suy nghĩ lại, hành vi và cách cư xử chưa tốt ở trẻ nhỏ như không vâng lời, phản kháng, ương bướng và lì lợm… là việc xảy ra ở mọi gia đình và mọi đứa trẻ. Vậy tại sao lại có phụ huynh đánh con, và có phụ huynh chọn cách giải quyết khác tích cực hơn và nhẹ nhàng hơn?

Nguyên nhân gây ra sự nóng giận ở người lớn, thực chất, không phải do con, mà chính là do nhận định và suy nghĩ của mỗi người về tình huống đó. Cách suy nghĩ và lý giải không phù hợp chính là nguyên nhân gây nên cảm xúc tiêu cực và bùng nổ.

Việc quản lý nóng giận và kiểm soát hành vi của bản thân là trách nhiệm của cha mẹ, là điều người lớn cần phải học và thực hành, thay vì trút giận lên con.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem