Vụ án hủy hoại 10ha rừng tự nhiên ở Lục Nam, Bắc Giang: Sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng bị chặt phá

Nguyễn Chương - Khương Lực Thứ hai, ngày 08/04/2024 09:37 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về vụ án hơn 10ha rừng tự nhiên bị phá, ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho biết: Khi vụ án được khởi tố, kiểm lâm sẽ tham mưu cho Sở NNPTNT và UBND tỉnh Bắc Giang thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng tự nhiên bị chặt phá.
Bình luận 0

Liên quan tới vụ án hủy hoại hơn 10ha rừng tự nhiên ở thôn Văn Non, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang nhận định: Vụ phá rừng này diễn ra trong thời gian ngắn, vì cuối tháng 2, đầu tháng 3 đơn vị đã xử lý một vụ phá rừng tại gần đó. Ngoài việc chặt phá rừng tự nhiên, tại lô đất này đã diễn ra tình trạng mua bán, sang tên. Tuy nhiên, theo quy định, toàn bộ số đất rừng tự nhiên khi được giao sẽ không được mua bán, chuyển nhượng.

"Sau khi vụ án được khởi tố, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng tự nhiên bị chặt phá", ông Huy khẳng định và cho biết khi rừng tự nhiên bị phá thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm khi để ra tình trạng phá rừng.

Vụ án hủy hoại 10ha rừng tự nhiên ở Lục Nam, Bắc Giang: Sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng bị chặt phá- Ảnh 1.

Nhiều cây có đường kính 40-70cm bị chặt hạ chỉ còn lại phần gốc. Ảnh: Nguyễn Chương

Theo ông Huy, hiện nay mỗi ha rừng tự nhiên giao cho người dân bảo vệ rừng nhà nước phải chi trả 300.000 đồng/năm tiền giao khoán. Cùng với đó, người được giao đất rừng tự nhiên sẽ được hưởng phần tăng thêm của số lượng khối gỗ trên diện tích được giao. 

"Nhiều người được nhà nước giao rừng tự nhiên để bảo vệ, tuy nhiên do chạy theo lợi ích kinh tế, nên chính những người này đã phá rừng tự nhiên để chuyển sang trồng các loại cây khác"Với 1ha rừng trồng keo, sau 5-6 năm người dân có thể thu hoạch với giá trị từ 80-100 triệu đồng"- ông Huy cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang thông tin: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xảy ra 5 vụ phá rừng, giảm 50% so với cùng kỳ, nhưng tính chất quy mô nghiêm trọng hơn với hơn 12,25ha rừng tự nhiên bị chặt phá, đốt trụi tan hoang.

Theo ông Thành, trong 5 vụ phá rừng tự nhiên này có 1 vụ ở huyện Sơn Động và 4 vụ ở huyện Lục Nam. "Có điều lạ là, do hiệu quả từ rừng trồng cao, nên bà con phá rừng để trồng rừng mới, chứ không phải phá rừng để lấy gỗ. Những diện tích rừng bị phá là rừng nghèo kiệt, không có gỗ, không có trữ lượng hoặc có trữ lượng thấp"- ông Thành cho biết.

Vụ án hủy hoại 10ha rừng tự nhiên ở Lục Nam, Bắc Giang: Sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng bị chặt phá- Ảnh 2.

Hiện trường vụ phá rừng ở Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Nguyễn Chương

Liên quan đến sự việc trên, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bắc Giang cho biết, sẽ xử lý nghiêm vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với các đối tượng phá rừng tự nhiên.

"Quan điểm của tỉnh sẽ không bao che, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng tự nhiên. Tới đây chúng tôi sẽ cho lắp camera để theo dõi các diện tích rừng tự nhiên, tránh việc người dân phá rừng", ông Sơn nói.

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, 10ha rừng tự nhiên ở khu Ao Cả, thôn Văn Non (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam) bị chặt phá. Nhiều cây gỗ lớn có đường kính từ 40-70cm đã được mang ra khỏi hiện trường. Theo ghi nhận, một khoảng rừng rộng lớn đã bị thiêu trụi. Màu xanh của rừng đã bị 'xóa sổ', thay vào đó là khung cảnh tan hoang phủ kín màu than đen. Hàng loạt cây to, cây nhỏ và dây leo… đều bị đốn hạ.

Điều 22 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về thu hồi rừng như sau:

Thu hồi rừng

1. Nhà nước thu hồi rừng trong các trường hợp sau đây:

a) Chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

b) Chủ rừng không tiến hành hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng, trừ trường hợp bất khả kháng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;

c) Chủ rừng tự nguyện trả lại rừng;

d) Rừng được Nhà nước giao, cho thuê khi hết hạn mà không được gia hạn;

đ) Rừng được giao, được thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng;

e) Chủ rừng là cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật;

g) Các trường hợp thu hồi đất có rừng khác theo quy định của Luật Đất đai.

2. Chủ rừng được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi rừng vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giao rừng, cho thuê rừng không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem