Vĩnh Phúc: Một mùa xuân không tiếng trống hội chọi trâu, lên chùa đi lễ ai cũng tự giác làm điều này

Thứ hai, ngày 01/03/2021 13:09 PM (GMT+7)
Hàng loạt lễ hội lớn đầu Xuân như lễ hội Chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô), hội cướp phết (xã Bàn Giản,huyện Lập Thạch), Đúc Bụt (Đồng Tĩnh, Tam Dương), Kéo Song (Hương Canh, Bình Xuyên)…ở tỉnh Vĩnh Phúc đều lần lượt dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bình luận 0

Mùa Xuân đã về, nhưng không còn những âm thanh hối hả của tiếng trống thúc giục nhân dân trong xóm ngoài làng tới dự hội. 

Nhưng không vì thế mà người dân Vĩnh Phúc cảm thấy trống vắng, bởi đây là thời điểm toàn tỉnh đang căng mình, nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế góp phần đẩy lùi dịch Covid-19.

Vĩnh Phúc: Một mùa xuân không tiếng trống hội chọi trâu, lên chùa đi lễ ai cũng tự giác làm điều này - Ảnh 1.

Tuy là dịp đầu Xuân năm mới, nhưng rất ít du khách đến Khu danh thắng Tây Thiên bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đã 2 mùa Xuân, gia đình ông Hán Văn Quyết, thôn Dân Chủ, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) luôn thấp thỏm, ngóng chờ đến ngày Lễ hội Chọi trâu truyền thống được khai mạc. 

Xuân Tân Sửu 2021 đã gõ cửa muôn nhà, nhưng những hy vọng, mong chờ của gia đình ông Quyết cùng người dân xã Hải Lựu vẫn chưa thành hiện thực bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Vĩnh Phúc: Một mùa xuân không tiếng trống hội chọi trâu, lên chùa đi lễ ai cũng tự giác làm điều này - Ảnh 2.

Ở nhiều lễ hội, di tích, chùa chiền… nhân dân và du khách được phát khẩu trang để phòng, chống dịch.

Ông Quyết chia sẻ: “Chỉ tính riêng chi phí nuôi trâu hằng năm, mỗi gia đình chúng tôi tốn kém 40-50 triệu đồng. Đã qua 2 năm không tổ chức Lễ hội Chọi trâu, số tiền bỏ ra để chăm sóc đã ngang ngửa số tiền tậu trâu. Tuy phải chịu thiệt hại từ việc dừng lễ hội, nhưng chúng tôi đều hiểu rằng việc tạm dừng trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết để phòng, chống dịch bệnh".

Không chỉ riêng Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu, tại các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã chấp hành nghiêm quy định của cơ quan quản lý y tế và văn hóa. 

Nhiều nghi thức đã được các cơ sở thờ tự cắt giảm. Cảnh chen lấn, tranh lễ, cướp lộc cũng không còn xảy ra như trước.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Thực, thanh tra viên Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Qua công tác kiểm tra, giám sát các lễ hội diễn ra đầu năm, chúng tôi nhận thấy, Ban Quản lý các di tích đền, chùa đều thực hiện nghiêm Công văn 614/UBND-VX1 của UBND tỉnh về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Thay vì tổ chức linh đình, rộn rã như mọi năm, phần lễ của những lễ hội năm nay được rút gọn. Riêng phần hội, đều không tổ chức”.

Vĩnh Phúc: Một mùa xuân không tiếng trống hội chọi trâu, lên chùa đi lễ ai cũng tự giác làm điều này - Ảnh 4.

Tăng cường các chốt kiểm soát, khai báo y tế, đo thân nhiệt được thực hiện nghiêm túc tại nhiều di tích đền, chùa.

Theo ước tính, trung bình mỗi ngày, Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch đã và đang được Ban Quản lý khu danh thắng cùng các đơn vị đang khai thác kinh doanh du lịch tại đây đặc biệt chú trọng.

Trưởng Phòng VH&TT huyện Tam Đảo, Trưởng Ban Quản lý Khu danh thắng Tây Thiên Đỗ Quốc Trọng cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện Tam Đảo về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, Lễ hội Tây Thiên Xuân Tân Sửu sẽ không tổ chức phần hội.

Để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch Covid-19, Ban Quản lý Khu danh thắng Tây Thiên và các đơn vị kinh doanh trên địa bàn đã chủ động xây dựng các phương án, sẵn sàng ứng phó với những tình huống phức tạp nhất do dịch Covid-19 có thể gây ra.

Bên cạnh việc tăng cường các chốt kiểm soát, khai báo y tế, đo thân nhiệt; xây dựng các nội quy với nội dung nhắc nhở người dân, du khách tuân thủ tuyệt đối những biện pháp phòng, chống dịch, phương án đóng cửa khu danh thắng, tạm dừng lễ hội nếu tình hình có những diễn biến phức tạp cũng đã được Ban Quản lý xây dựng, sẵn sàng thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh trong điều kiện cần thiết”.

Hơn 10 năm nay, Xuân nào chị Nguyễn Thu Hằng, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cũng giữ thói quen tới các lễ hội trong và ngoài tỉnh để du Xuân, cầu may mắn cho gia đình. Nhưng năm nay, chị Hằng không tham dự lễ hội nào vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chị Hằng chia sẻ: "Dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp nên tôi không đi đâu để hạn chế nguy cơ lây lan. Các con cũng được nghỉ học, khiến tôi cũng bận rộn hơn khi ở nhà. Vì thế, bản thân cũng không cảm thấy buồn khi không được tham gia các lễ hội như những năm trước".

Hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên Báo Vĩnh Phúc Điện tử, tại hầu hết các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, nơi tập trung đông người trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã chủ động sử dụng hệ thống tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Ở nhiều lễ hội, di tích, đền chùa…, nhân dân và du khách được phát khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn để phòng, chống dịch.

Một mùa Xuân không tiếng trống hội, không có những dòng người tấp nập tham gia vào các hoạt động lễ hội...Hình ảnh khác biệt ấy đang đem đến cho chúng ta những hy vọng trong việc khống chế sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Sự nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của người dân trong tỉnh là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ một lần nữa ngăn chặn, đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19.

Thiệu Vũ (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem