Vinh danh “cuộc cách mạng” về truyền máu

Vinh Hải Thứ tư, ngày 31/08/2016 14:30 PM (GMT+7)
Trong số những công trình nghiên cứu được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN lần thứ V, nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư được đánh giá là một trong những công trình đồ sộ nhất. Đó là cụm công trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu, điều trị người bệnh và có đủ máu dự trữ cho an ninh, quốc phòng, dự phòng thảm họa.
Bình luận 0

Gọi là đồ sộ bởi cụm công trình gồm 1 dự án thử nghiệm cấp nhà nước, 4 nhiệm vụ khoa học cấp bộ và 46 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở được thực hiện từ tháng 1.2004 đến tháng 12.2015.

Đến nay, những nghiên cứu của các nhà khoa học đã giúp đảm bảo an toàn truyền máu về mặt miễn dịch, phòng lây nhiễm qua đường truyền máu. Đồng thời, đảm bảo đủ nguồn người hiến máu an toàn, đáp ứng nhu cầu cao về máu và các chế phẩm máu cho điều trị, có đủ máu dự trữ cho an ninh, quốc phòng, dự phòng thảm họa.

Việc đảm bảo an toàn truyền máu về cả chất lượng cũng như số lượng được đánh giá là cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền máu nhằm đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ truyền máu tại Việt Nam, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

img

Kỹ thuật tiên tiến được thực áp dụng trong sàng lọc máu
 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.   ảnh NIHBT

Một trong những kết quả nghiên cứu được GS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư (1 trong 5 tác giả cụm công trình - PV) đánh giá cao là mô hình “Ngân hàng máu sống” ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. GS Nguyễn Anh Trí cho hay: “Việc xây dựng thành công ngân hàng máu sống là một sự sáng tạo rất đặc biệt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng máu, chế phẩm cho cấp cứu, điều trị và triển khai một số kỹ thuật mới ở vùng xa, vùng hải đảo”.

Đây là mô hình dự trữ máu ngay trong cơ thể những người khỏe mạnh trong khu vực. Những người này đã đăng ký hiến máu đã được khám, xét nghiệm định kỳ, khi cần sẽ huy động đến hiến máu để truyền cho người bệnh. Bệnh nhân được sử dụng máu tươi, toàn phần, mô hình này cũng không cần đầu tư nguồn kinh phí lớn để trang bị các thiết bị lạnh rất đắt tiền.

GS Trí phân tích lợi ích kinh tế của mô hình trên: “So với trước đây, một bệnh nhân ở Cát Hải, Hải Phòng phải chi phí từ 4 – 7 triệu đồng riêng cho kinh phí thuê tàu vận chuyển, hay 200 triệu đồng cho một chuyến trực thăng vận chuyển máu từ đất liền ra Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc nhân rộng mô hình này sẽ tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng”.

Ông Đặng Quang Huấn – Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ KHCN đánh giá: “Cụm công trình khoa học kể trên đã thực sự góp phần đưa truyền máu Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới, an toàn và hiệu quả hơn, góp phần tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng, được cộng đồng ủng hộ và bạn bè quốc tế đánh giá rất cao”./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem