Vì sao nhiều khu vực quận Cầu Giấy trở thành "đảo" sau mưa lớn?

Bình Nguyên - Quang Trung Thứ ba, ngày 14/06/2022 18:25 PM (GMT+7)
Sau hai trận mưa đầu mùa năm 2022, nhiều khu vực ở quận Cầu Giấy chìm trong biển nước, thậm chí một ngày sau trận mưa nhiều hầm xe của các tòa nhà vẫn ngập nước, gây nhiều thiệt hại cho người dân.
Bình luận 0

Quận Cầu Giấy ngập do mưa quá lớn?

Sau hơn một giờ mưa lớn tối 13/6, hàng loạt các tuyến phố ở quận Cầu Giấy ngập sâu như:  Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết, Dương Đình Nghệ, Nam Trung Yên, Hoa Bằng, Nguyễn Phong Sắc, Duy Tân, Trần Quốc Hoàn, Tô Hiệu, Nguyễn Khánh Toàn...

Đặc biệt, đường Xuân Thủy, Phan Văn Trường ngập sâu tới gần 1m. Tình trạng tương tự cũng xảy ra sau trận mưa lớn hôm 29/5. 

Vì sao quận Cầu Giấy trở thành "đảo" sau mưa lớn?  - Ảnh 1.

Chợ Xanh ở phố Phan Văn Trường, quận Cầu Giấy tối 13/6. Ảnh: Phạm Hưng.

Ông Bùi Ngọc Uyên - Phó trưởng Phòng Truyền thông, đối ngoại, Cty Thoát nước Hà Nội cho hay, quận Cầu Giấy vốn không phải là "điểm đen ngập úng" của thành phố. Khi lượng mưa từ 50 đến 100mm trong 2 giờ, hệ thống thoát nước ở quận vẫn đảm bảo. 

"Do ba trận mưa hồi cuối tháng 5 và trận mưa tối 13/6 trên địa bàn quận Cầu Giấy đều quá lớn, hệ thống thoát nước quá tải gây nên ngập úng diện rộng", ông Uyên lý giải và dẫn chứng trận mưa hôm 29/5, hệ thống quan trắc của đơn vị ghi nhận lượng mưa 182mm/2 giờ ở khu vực.

Trận mưa tối 13/6 ghi nhận lượng mưa 155mm trong 80 phút. Trong khi đó, các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm ghi nhận lượng mưa dao động 30 - 50 mm.

Nhưng điều này cũng cho thấy, hệ thống thoát nước tại một số khu vực ở quận Cầu Giấy có dấu hiệu "quá tải" khi lượng mưa đạt từ 100mm trở lên trong vòng hai giờ. 

Về trận mưa tối qua, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, tại thời điểm xảy ra mưa, Công ty đã thực hiện vận hành hết công suất các cửa phai của các hồ điều hòa như hồ Bảy Mẫu, Đầm Chuối, Hố Mẻ... và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế để hạ mức nước trên hệ thống.

"Để bảo đảm công tác phòng, chống úng ngập, ngay khi có mưa, Công ty đã triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý và vận hành các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, DPS… để hạ mức nước trên hệ thống, bảo đảm khả năng tiêu thoát nước và sẵn sàng đón các trận mưa tiếp theo", đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết.

Vì sao nhiều khu vực quận Cầu Giấy trở thành "đảo" sau mưa lớn?  - Ảnh 3.

Khu vực đường Dương Đình Nghệ thường xuyên bị ngập nặng sau mưa lớn. Ảnh Thanh Xuân

Chưa nâng cấp hệ thống thoát nước đồng bộ

Trong khi đó GS Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho rằng nguyên nhân khiến khu vực Cầu Giấy ngập sâu do những năm vừa qua tốc độ đô thị hóa, xây dựng ở khu vực tăng nhanh trong khi hạ tầng thoát nước chưa được nâng cấp đồng bộ.

Vì sao quận Cầu Giấy trở thành "đảo" sau mưa lớn?  - Ảnh 2.

Trước cổng Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề quận Cầu Giấy, ngõ 181 đường Xuân Thủy tối 13/6. Ảnh: Phạm Hưng.

Quận Cầu Giấy gần ba trạm bơm chống ngập cho phía Tây Nam Hà Nội gồm Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2 tuy nhiên các trạm này hoạt động chưa hiệu qua do không có hồ điều hòa.

"Giải pháp trước mắt để chống ngập cho khu vực là cần đầu tư các máy bơm công suất lớn để ứng phó với các trận mưa lớn. Lâu dài, khu vực cần bố trí xây dựng các hồ điều hòa, đồng bộ với cống thu gom, dẫn nước ra các trạm bơm tiêu úng", GS Nhuệ nói.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Đình Cường - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, UBND quận đang rất trăn trở về việc này và đang cố gắng sớm tìm ra giải pháp. 

Ông Cường cho biết, theo lịch ngay hôm nay có cuộc họp lãnh đạo 8 phường, Ban quản lý dự án và bên thoát nước nhưng chưa diễn ra được. 

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, quận sẽ đánh giá tổng thể và đưa ra giải pháp, vì vấn đề thoát nước không đơn giản, liên quan đến tổng thể toàn bộ khu vực. Sau đó, quận sẽ có kiến nghị với Thành phố. 

“Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào chiều mai (16/6). Tất cả các điểm ngập quận đã tổng hợp và sẽ kiểm tra từng điểm một. Sau cuộc họp những gì thuộc thẩm quyền của thành phố chúng tôi sẽ báo cáo, thuộc thẩm quyền của quận thì chúng tôi sẽ xử lý” - ông Cường cho hay.

Những năm qua, Hà Nội dành nhiều nguồn lực để đầu tư các dự án thoát nước song chưa đạt được hiệu quả. 

Trả lời báo chí, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công thừa nhận hệ thống thoát nước của thành phố mới được đầu tư xây dựng đồng bộ ở nội thành, nằm trong lưu vực các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Các quận Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cơ bản chưa được đầu tư xây dựng nên hay bị ngập khi mưa lớn.

Thành phố đã có kế hoạch triển khai đồng bộ các trạm bơm cũng như hệ thống tiêu thoát, nhưng theo ông Công việc đầu tư xây dựng đòi hỏi kinh phí rất lớn, sẽ phải thực hiện dần trong các kế hoạch 5 năm, 10 năm tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem