Vì sao nhiều F0 tại TP.HCM không được phát thuốc Molnupiravir?

Bạch Dương Thứ hai, ngày 15/11/2021 18:12 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP chiều ngày 15/11, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã thông tin cụ thể về số lượng F0 cũng như việc cấp phát các túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà.
Bình luận 0
Vì sao nhiều F0 tại TP.HCM không được phát thuốc Molnupiravir? - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng. Ảnh: B.D

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, hiện có hơn 47.000 F0 đang điều trị tại nhà trong tổng số hơn 64.000 F0. "Trong thời gian tới, ngành y tế đang có tính toán về việc tăng cường trạm y tế lưu động tại quận, huyện để chăm sóc F0 tại nhà. Khu cách ly tập trung tại quận, huyện cũng đang được tái lập trở lại", ông Tâm nói.

Giải thích về việc đề xuất mở lại các khu cách ly quận huyện, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tình hình dịch tại TP hiện có xu hướng tăng ở một số địa phương. Tinh thần của TP là chuẩn bị trước một bước, trên một mức để chuẩn bị tất cả tình huống.

TP hiện có 16 bệnh viện dã chiến cấp TP, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ thu hẹp dần, chỉ giữ lại 3 bệnh viện. Để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân F0, Sở Y tế đã đề nghị các quận, huyện thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện; xem như đây là cơ sở điều trị tầng 2.

Hiện 8 quận, huyện đã lập bệnh viện dã chiến với quy mô 300-500 giường, sẵn sàng thu dung, điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và vừa. Ngoài ra, với những F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà phải cách ly tập trung. TP hiện có 62 khu cách ly tập trung ở phường xã, quận huyện.

Trước thông tin nhiều F0 không liên lạc được với trạm y tế, không được cấp phát thuốc, nhất là gói thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir), ông Nguyễn Hữu Hưng thừa nhận có tình trạng này, Sở Y tế đã có văn bản nhắc nhở và đã thành lập 10 đoàn kiểm tra, xử lý các địa phương lơ là trong chăm sóc, theo dõi F0.

Giải thích kỹ hơn về túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà, ông Hưng cho biết: "Không phải tất cả các F0 đều được sử dụng gói thuốc B (thuốc kháng đông) và C (Molnupiravir), nhất là gói thuốc C phải có chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ và sự đồng thuận, ký cam kết sử dụng của bệnh nhân. F0 được cấp gói thuốc C phải đáp ứng đủ các điều kiện như có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, không sử dụng cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh nền (gan, thận)".

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng thừa nhận tại một số địa phương, cán bộ y tế chưa làm tròn trách nhiệm với các F0 trên địa bàn. Sở Y tế sẽ kiểm tra và xử lý.

Về việc thành lập các trạm y tế lưu động, ông Hưng cho biết đây là mô hình mới nhưng rất hiệu quả trong đợt dịch vừa qua với sự hỗ trợ của các lực lượng từ trung ương và các địa phương. Hiện nay, khi số ca F0 gia tăng, Sở Y tế đã tăng cường 70 trạm y tế lưu động cho các địa bàn nhiều F0 bên cạnh các trạm đã có sẵn.

Vì sao nhiều F0 tại TP.HCM không được phát thuốc Molnupiravir? - Ảnh 3.

Túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: B.D

"Nhân sự cho các trạm y tế lưu động luôn là bài toán khó, khi các lực lượng hỗ trợ đã rút khỏi TP. Với tình hình hiện nay, các trạm y tế lưu động không thể có quy mô như trong đợt dịch cao điểm, Sở Y tế đã điều động nhân lực chuyên môn từ các bệnh viện, về cơ bản mỗi trạm y tế lưu động sẽ có 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng và lực lượng tình nguyện viên tại địa bàn", ông Hưng nói và cho biết thêm, Sở Y tế dã có kịch bản điều động nhân sự trước tình huống số ca F0 tăng cao.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã có tờ trình UBND TP về cơ chế thu hút nguồn lực cho y tế cơ sở trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem