Vì sao nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, ĐBQH Nguyễn Bắc Việt đề xuất xây dựng Luật tự phê bình và phê bình?

PVCT Thứ hai, ngày 29/03/2021 19:27 PM (GMT+7)
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đề nghị cần phải xây dựng Luật tự phê bình và phê bình.
Bình luận 0

Chiều nay (29/3), Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Đề xuất xây dựng 2 luật

Trong phát biểu góp ý, ĐBQH Nguyễn Bắc Việt đánh giá, công tác xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ qua với sự điều hành có trách nhiệm, sự thực thi của Chính phủ, của các bộ, ngành, Quốc hội đã quyết định ban hành thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và các nghị quyết. Ông mong rằng nhiệm kỳ tới Chính phủ tiếp tục phát huy và thực sự quan tâm nâng chất lượng xây dựng sửa đổi các dự án luật.

Vì sao nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, ĐBQH đề xuất xây dựng Luật Tự phê bình và phê bình? - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Bắc Việt đề xuất xây dựng Luật tự phê bình và phê bình (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Theo ĐBQH Nguyễn Bắc Việt, để Chính phủ thực sự kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả thì trong nhiệm kỳ tới Chính phủ cần quan tâm xây dựng hai dự án luật, đó là dự án Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở, các ĐBQH đã phát biểu nhiều lần tại các kỳ họp; dự án luật thứ hai là Luật tự phê bình và phê bình.

"Về thực hành dân chủ ở cơ sở ta đã có pháp lệnh và các nghị định. Còn tự phê bình và phê bình chúng ta đã có tác phẩm Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, có bài báo của Bác Hồ khi viết về tự phê bình và phê bình. Theo tôi đó là những cơ sở để xây dựng các dự án luật này. Chỉ có thực thi và có luật thực hiện dân chủ ở cơ sở thì chính quyền mới thực sự của dân, do dân, vì dân. Chúng ta phải xử lý được câu chuyện dân đến khiếu nại, tố cáo, vấn đề này thực tế có một nguyên nhân đó là chúng ta thực hiện chưa tốt dân chủ ở cơ sở. Còn tự phê bình và phê bình để cho cán bộ, công chức, viên chức tự soi lại mình, làm sao để cho dân tin", ĐBQH Nguyễn Bắc Việt nói.

Việc yếu kém không nên đổ lỗi cho chính sách pháp luật bất cập

Cũng liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật, ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho hay: Chúng ta quản lý nhà nước bằng pháp luật, nhà nước pháp quyền thì hơn ai hết các bộ, các cơ quan tham mưu cho Chính phủ phải sử dụng pháp luật để thực hiện chức năng quản lý ở ngành, lĩnh vực mình phụ trách; các cơ quan nêu tham mưu cũng hiểu rõ nhất pháp luật không thống nhất ở chỗ nào, bất cập ở đâu và cần phải sửa những gì?

Vì sao nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, ĐBQH đề xuất xây dựng Luật Tự phê bình và phê bình? - Ảnh 2.

ĐBQH Bùi Văn Phương (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

"Quốc hội 1 năm họp 2 kỳ, có thể sửa 1 điều, sửa một số điều luật và thậm chí dùng một luật sửa nhiều luật. Thế nhưng, pháp luật chúng ta vẫn không được sửa đổi một cách kịp thời. Điều đó đã gây cản trở rất lớn, gây khó cho doanh nghiệp, gây khó cho người dân và cản trở sự phát triển của đất nước. Tôi cho đây là trách nhiệm trước hết thuộc về Chính phủ và các bộ, mà chủ yếu là các bộ, cơ quan thực hiện tham mưu giúp Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực mình phụ trách", ĐB Phương nói.

Vẫn theo ĐB Phương, người dân nghi ngờ và có đặt nhiều câu hỏi vì sao ai cũng biết là chính sách pháp luật bất cập, mà chúng ta chậm không sửa đổi? Phải chăng ở đây có điều gì đằng sau đó.

"Nói thật với Quốc hội, là người dân nghi ngờ có lợi ích từ phía sau. Việc chậm sửa đổi chính sách pháp luật, để chính sách pháp luật còn kẽ hở để làm lợi cho một số người và nếu chúng ta khi có khuyết điểm, yếu kém thì đổ lỗi cho chính sách pháp luật bất cập. Pháp luật không thống nhất thì không bao giờ chúng ta sửa được những mặt yếu kém, hạn chế. Tôi kiến nghị với Chính phủ khóa mới, từ nay có lẽ mọi việc hạn chế, yếu kém không nên đổ lỗi cho pháp luật, bởi vì chúng ta là người quản lý, chúng ta là người đề xuất việc sửa đổi chính sách pháp luật phù hợp cho công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.

Không đổ lỗi cho pháp luật nữa thì phải tìm lỗi chủ quan của chính chúng ta để khắc phục. Còn nếu cứ đổ lỗi cho pháp luật mãi thì không bao giờ chúng ta sửa được mặt hạn chế, yếu kém", ĐB Phương thẳng thắn.

Theo ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, điểm nổi bật về công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ là tinh thần bám sát thực tiễn, gần với cơ sở. Nhiệm kỳ 2016-2021, lãnh đạo Chính phủ thực hiện đến 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển", kịp thời tháo gỡ những vấn đề khó khăn, cấp bách đặt ra ở cơ sở.

"Tôi đánh giá cao tinh thần và chủ trương của Chính phủ về vấn đề này, tuy nhiên cũng cần đặt ra xem nguyên nhân tại sao cơ sở vẫn còn vướng mắc như vậy? Có phải chăng là do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, luật pháp chưa rõ ràng, còn khó hiểu, chồng chéo hay là đội ngũ cán bộ ở cơ sở năng lực còn hạn chế, cán bộ, công chức, kinh nghiệm nghiệp vụ chuyên môn chưa đáp ứng được với yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra", ĐB Hạ băn khoăn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem