Vì sao nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục ngại lên tiếng?

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 15/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
“Tôi từng nghĩ rằng sẽ không thể nói ra việc mình bị quấy rối tình dục bởi sẽ chẳng có ai đồng cảm được với tôi. Và tôi đã im lặng suốt một thời gian dài...".
Bình luận 0

Đó là những chia sẻ của nhà văn N.T.T.L. - nạn nhân từng bị quấy rối tình dục trong buổi tọa đàm "Lên tiếng không bao giờ là quá muộn" vào sáng nay (14/4). Tọa đàm do Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam (GBVNET) tổ chức.

Tôi đã không thể nói ra việc bị quấy rối tình dục vì sợ bị đổ lỗi

Cuộc tọa đàm mở đầu bằng một câu chuyện buồn của nhà văn N.T.T.L. - nạn nhân từng bị quấy rối tình dục. Dù câu chuyện qua đã lâu năm nhưng nỗi đau vẫn còn đó.

Chị L. nhớ lại: "Ngày đó, tôi là nhân viên trẻ muốn khẳng định bản thân. Tôi được đối tác hẹn ngồi cafe giải quyết công việc ngoài giờ. Vì nghĩ mình chưa có gia đình, không vướng bận gì nên tôi vui vẻ đồng ý. Không ngờ đó là một kế hoạch để tên đối tác kia giở trò đồi bại.

Lúc đó, tôi bị bất ngờ, cảm thấy sốc và lao ra khỏi quán cafe. Suốt thời gian dài, tôi sống trong im lặng không thể chia sẻ với ai".

Theo chị L., lý do chị không thể chia sẻ với ai, bởi vì chị biết quan điểm của người Việt lúc đó rất khác.

"Điều đầu tiên khi đối diện với nạn nhân, bất kể người đó là ai: Vợ; con, bạn, hay là một người xa lạ… điều đầu tiên là bạn không nên hỏi "tại sao". Chúng ta không phải là công an, không phải quan tòa, chúng ta không phải là người kết tội. Khi nạn nhân tìm tới chúng ta có nghĩa là họ cần chúng ta lắng nghe, bảo vệ. Những vấn đề kết nối, hay hỗ trợ... sẽ được xử lý sau đó".

Nhà báo Trương Anh Ngọc

"Tôi sợ phải nói lên sự thật bởi vì tôi biết mình sẽ bị đổ lỗi, sợ mọi người dè biểu. Mẹ luôn dạy tôi 'Tự làm là tự chịu'. Tôi biết nếu tôi chia sẻ với mẹ thì mẹ tôi sẽ nói 'lỗi đầu tiên của con'", chị L. kể.

Chị sợ cảm giác bị chất vấn với một mớ các câu hỏi: "tại sao cô đi hẹn làm việc vào buổi tối; tại sao không đi cùng với người khác; hay tại vì cô ăn mặc hở hang chứ gì...?”

May mắn lúc đó, bạn trai chị là một người Mỹ. Nhờ nói ra được với anh mà chị mới vượt qua được nỗi đau. Dù đã lấy chồng, được chồng rất mực thương yêu tôn trọng, nhưng nỗi đau đó vẫn bám theo chị mãi.

"Sau đó, tôi tình cờ gặp lại kẻ khốn nạn kia. Tôi cảm thấy căm phẫn, hận hắn. Lúc này, tôi mong muốn được nói lên sự thật. Tôi cũng là nạn nhân cũng từng sợ lên tiếng. Vì thế, tôi hiểu vì sao nạn nhân không dám nói và phải rất lâu sau mọi người có thể nói về điều này", chị L. chia sẻ thêm.

"Bình thường hóa quấy rối, xâm hại tình dục là một tội ác"

Thực tế, có nhiều nạn nhân bị xâm hại, quấy rối tình dục chấp nhận im lặng bởi vì họ không muốn khi nói ra lại bị mạng xã hội, cộng đồng "ném đá" xâm hại thêm một lần nữa.

Nhiều năm sau khi đã mạnh mẽ hơn, chị L. có kể lại câu chuyện chị bị quấy rối với một nhóm bạn thân là phụ nữ. Có người còn thản nhiên nói "Đàn ông ai chẳng thế". Thậm chí có người còn đùa cợt chị rằng: “Hay do Lưu hay mặc sexy, rồi đăng ảnh bikini... nên mới bị tấn công tình dục”.

"Tôi cảm thấy đó là một quan niệm rất ấu trĩ, không hiểu vì sao có người lại xem chuyện quấy rối tình dục là chuyện bình thường, đàn ông nào cũng thế", chị L. nói.

Lắng nghe và chia sẻ với câu chuyện của nạn nhân, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng chúng ta cần phải cảm ơn những người đủ dũng cảm lên tiếng.

xâm hại tình dục

Các chuyên gia chia sẻ câu chuyện về giải pháp ngăn ngừa xâm hại tình dục, bảo vệ nạn nhân, giúp nạn nhân dám lên tiếng. Ảnh: N.T

Theo nhà báo Trương Anh Ngọc, rất nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với nạn xâm hại, quấy rối tình dục. Ông dẫn lại số liệu phụ nữ bị quấy rối, xâm hại tình dục ở Ý. Thống kê cho thấy từ năm 2010 -2014, mỗi ngày có tới 15 phụ nữ bị xâm hại. Trung bình 1 năm có khoảng 300 người chết do nạn xâm hại, quấy rối tình dục.

"Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các nạn nhân không lên tiếng không phải bởi vì họ ngại gia đình hay bạn bè mà họ sợ bị đổ lỗi", ông Ngọc nói.

Năm 2021, Ý đã ban hành bộ luật kết tội những kẻ gây bạo lực, xâm hại tình dục khi đủ bằng chứng kể cả khi nạn nhân không tố cáo. Đây là cách để quốc gia này bảo vệ nạn nhân và mong muốn các nạn nhân có đủ sức mạnh để nói lên tiếng nói của mình.

Chia sẻ về việc có những người cho rằng bản chất của đàn ông là phái mạnh, họ thích chinh phục và việc họ có hành vi quấy rối tình dục cũng là bình thường, ông Ngọc cho rằng: "Bình thường hóa quấy rối, xâm hại tình dục là một tội ác".

Đề cập tới giải pháp hỗ trợ nạn nhân cũng như xử lý câu chuyện, bà Hoàng Tú Anh - Chủ tịch Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam cho rằng không phải chỉ nạn nhân bị xâm hại tình dục ngại lên tiếng, mà ngay cả nạn nhân bị bạo lực trong gia đình cũng im lặng. Số liệu cho thấy, chỉ có 50% nạn nhân bạo lực gia đình ở Việt Nam dám lên tiếng và chỉ có 10% nạn nhân dám tố cáo.

"Nạn nhân không dám lên tiếng có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính vẫn là họ sợ bị đổ lỗi. Nguồn cơn của câu chuyện đổ lỗi lại liên quan rất nhiều tới vấn đề ứng xử trong xã hội Việt Nam. Ứng xử xã hội của Việt Nam đang thiếu rất nhiều, việc nhận diện giá trị đúng trong xã hội đang có vấn đề. Nhiều người không hiểu đâu là giá trị đúng", bà Hoàng Tú Anh nói.

Theo bà Tú Anh, ngay từ nhỏ, mỗi công dân cần được giáo dục về sự dân chủ. Cần phải giúp họ hiểu được mọi người có quyền được lên tiếng, nhưng phải lên tiếng dựa trên các giá trị đúng. Điều này cũng sẽ giúp cho nạn nhân có thể nói lên tiếng nói của mình không sợ hãi, đồng thời cũng giúp một bộ phận khác bỏ tư tưởng đổ lỗi.

"Đặc biệt, cần có những giáo dục toàn diện, cụ thể hơn về giới tính, về luật pháp về cả giá trị xã hội... để mỗi công dân có hành trang, có cách ứng xử đúng trong xã hội nói chung và trước vấn đề xâm hại tình dục nói riêng", bà Tú Anh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem