Lý do cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam bị xét xử tại Hà Nội

Quang Trung Thứ hai, ngày 15/08/2022 11:48 AM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã lý giải câu hỏi vì sao hành vi phạm tội của cựu Bí thư Trần Văn Nam diễn ra ở tỉnh Bình Dương nhưng vụ án lại do TAND TP Hà Nội xét xử?
Bình luận 0

Hôm nay, cựu Bí thư Trần Văn Nam hầu tòa

Hôm nay (15/8), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trần Văn Liêm - cựu Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Văn Cành - cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, cùng 25 người khác trong vụ án sai phạm tại 43 ha "đất vàng" của tỉnh này.

Lý do cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam bị xét xử tại Hà Nội?  - Ảnh 1.

Các bị cáo đến tòa xử cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam và đồng phạm hầu hết bị còng tay. Ảnh: Bách Thuận

Các bị cáo bị đưa ra xét xử ở 2 nhóm tội, gồm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản.

Bị cáo Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Tòa án triệu tập 24 cơ quan và cá nhân trong tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có Tỉnh ủy, UBND, Cục Thuế, Sở Tài chính và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày, xét xử tại trụ sở TAND TP Hà Nội do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.

61 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, trong đó ông Minh có nhiều luật sư nhất - 8 người. Cựu Bí thư Trần Văn Nam có 5 luật sư thuộc ba văn phòng luật bào chữa.

Vì sao cựu Bí thư Trần Văn Nam bị xét xử tại Hà Nội?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vì sao hành vi phạm tội của cựu Bí thư Trần Văn Nam diễn ra ở tỉnh Bình Dương nhưng vụ án lại do TAND TP Hà Nội xét xử?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của Điều 269 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là tòa án nơi tội phạm được thực hiện.

Như vậy, vụ việc này, tội phạm xảy ra ở tỉnh Bình Dương, các cơ quan tiến hành tố tụng của Trung ương điều tra, truy tố nhưng giao cho Viện KSND TP Hà Nội thực hành công tố vụ án và TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm là khá hiếm.

Tuy nhiên, cơ quan tố tụng của Trung ương có quyền giao việc xét xử cho tòa án cấp dưới thực hiện nên việc truy tố, xét xử vụ án này không vi phạm nguyên tắc theo Bộ luật tố tụng hình sự.

Về thẩm quyền truy tố, Điều 239 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố.

Chậm nhất là 2 tháng trước khi kết thúc điều tra, viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Ngay sau khi quyết định truy tố, viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử nên việc Viện KSND TP Hà Nội thực hiện quyền công tố tại phiên tòa theo phân công của Viện KSND tối cao là tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Trong khi đó, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ cho biết, trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau, hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì tòa án có thẩm quyền xét xử là tòa án nơi kết thúc việc điều tra.

Như vậy, thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ là việc phân định quyền xét xử các vụ án hình sự giữa tòa án các địa phương với nhau, dựa vào các yếu tố như địa điểm thực hiện tội phạm hoặc địa điểm kết thúc điều tra, nơi cư trú của người phạm tội hoặc địa điểm khác do pháp luật quy định.

Thông thường, tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là tòa án nơi tội phạm được thực hiện, vì tại nơi đó có lưu lại những dấu vết, vật chứng, chứng cứ về hình vi phạm tội, có người làm chứng...nên việc xét xử sẽ diễn ra thuận lợi, có tác dụng răn đe, phòng ngừa ở chính địa phương đó.

Tuy nhiên, có nhiều vụ án do CQĐT - Bộ Công an tiến hành điều tra, Viện KSND tối cao kiểm sát và ra cáo trạng, nơi xảy ra hành vi phạm tội tại một địa phương nhưng có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, bị cáo là lãnh đạo chủ chốt ở địa phương đó.

Khi đó, Viện KSND tối cao có thể ủy quyền cho Viện KSND một địa phương cụ thể thực hành quyền công tố. Khi đó TAND địa phương cùng cấp với Viện KSND được ủy quyền sẽ thụ lý và xét xử sơ thẩm đối với vụ án.

Từ phân tích trên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi phạm tội của cựu Bí thư Trần Văn Nam diễn ra ở Bình Dương nhưng bị xét xử tại Hà Nội là có căn cứ và đúng pháp luật.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem