Về "tâm thư" gửi Thủ tướng: Bộ thừa nhận Vinacafe đang rất bết bát

Đình Thắng Thứ sáu, ngày 31/03/2017 10:35 AM (GMT+7)
Liên quan đến việc cổ phần hóa tại Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe Việt Nam) chậm trễ, ngày 30.3, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Phạm Quang Hiển – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NNPTNT) thừa nhận: Thời gian qua tình hình sản xuất kinh doanh của Vinacafe Việt Nam gặp nhiều khó khăn, Bộ NNPTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đốc thúc đơn vị này đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nhưng vẫn còn chậm.
Bình luận 0

Vẫn muốn “ôm” hơn 24.000ha đất

Đánh giá quá trình đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Bộ NNPTNT, ông Phạm Quang Hiển cho biết: “Quá trình này được Bộ NNPTNT tiến hành quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng, về cơ bản vốn đầu tư nhà nước tiếp tục được bảo toàn và phát triển. Một số DN sau cổ phần hóa đã bước đầu đi vào hoạt động ổn định, doanh thu tăng. Tuy nhiên tại một số DN, tiến độ tái cơ cấu diễn ra còn chậm, một số DN đã cổ phần hóa không bán hết được cổ phần theo kế hoạch được phê duyệt, chưa tạo ra được những biến đổi lớn về hiệu quả sản xuất kinh doanh,  cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản trị DN còn bất cập, quản lý tài chính, chất lượng lao động, năng suất lao động. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN vẫn đang là một thách thức, đặc biệt là các DN mà nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối”.

img

Tiến độ tái cơ cấu của Vinacafe Việt Nam vẫn còn chậm do gặp nhiều khó khăn (ảnh minh họa).  Ảnh: Lê Phước 

Yêu cầu Vinacafe cổ phần hóa
toàn diện

Trong một văn bản mới ban hành, Bộ NNPTNT đã yêu cầu, trong năm 2017, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cần tập trung triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2252/TTg-ĐMDN ngày 10.12.2015 về phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp và tái cơ cấu Tổng công ty này theo hướng cổ phần hóa đồng thời công ty mẹ và các công ty con cùng các đơn vị hạch toán phụ thuộc.

Về trường hợp của Vinacafe Việt Nam, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, Tổng công ty này có 7 chi nhánh và 26 công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp tại Văn bản số 2252/TTg-ĐMDN ngày 10.12.2015. Hiện nay đang triển khai thực hiện cổ phần hóa một số công ty con: 734, Ia B’lan, 706, Đăk Nông, 715B và giải thể Công ty Cà phê Ea Bá. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc, Vinacafe Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT xem xét cho phép điều chỉnh phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp. Dự kiến diện tích đất mà Vinacafe Việt Nam muốn giữ lại sử dụng là 24.079ha, giao về địa phương 7.424ha.

Mặc dù được các bộ, ban ngành tạo điều kiện hết sức, tuy nhiên nhiều DN thuộc Vinacafe vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư. Trong một hội nghị mới đây của Bộ NNPTNT về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải – Tổng Giám đốc Vinacafe Việt Nam bộc bạch: “Trong giai đoạn 2012-2015, chúng tôi đã cổ phần hóa ¾ đơn vị, triển khai phá sản 1 đơn vị. Thoái vốn được 2 đơn vị, còn 4 đơn vị chưa thoái được vì vốn để thoái rất nhỏ (trên 3 tỷ đồng). Các đơn vị này kinh doanh lỗ và âm vốn chủ sở hữu nên thoái không được, không thể bán cổ phần của công ty tại các đơn vị này”.

Để chấm dứt tình trạng tái cơ cấu diễn ra chậm như Vinacafe và một số DNNN khác, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn khẳng định: “Tới đây chắc chắn sẽ siết chặt thời gian cổ phần hóa, nếu không thực hiện được thì chắc chắn không chỉ xử lý hành chính mà sẽ xử lý nặng hơn, ngoài hành chính. Bộ quyết tâm xử lý nặng, quyết liệt đối với người đứng đầu đơn vị, DN thiếu trách nhiệm để khéo dài quá trình cổ phần hóa”.

“Chuyển đổi tốt trên nền tảng lịch sử”

Sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu nâng cao hiệu quả hoạt động của DN trọng tâm là cổ phần hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của DN nông nghiệp do Bộ làm đại diện chủ sở hữu là nhiệm vụ quan trọng. Chính vì vậy, theo ông Phạm Quang Hiển: “Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cùng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện đồng thời việc sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp cùng với thực hiện cổ phần hóa DNNN, đồng thời thực hiện các hình thức sắp xếp khác (chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, giải thể...) theo đúng phương án tổng thể được Thủ tướng phê duyệt”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Ba tổng công ty lớn về cà phê, cao su, lúa gạo, cả một thời kỳ dài chúng ta làm nên thành tích sự nghiệp lịch sử như thế, không lý gì khi chuyển đổi lại không làm tốt vai trò”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mặc dù nhiệm vụ tái cơ cấu DN ngành nông nghiệp còn khó khăn, phức tạp và gian nan nhưng các đơn vị liên quan, nhất là các DN cần quyết tâm thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nội dung về tái cơ cấu DN nông nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Quyết định số 58 cũng như Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem