“Vệ sinh 0 đồng” trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, hay nghịch lý cung - cầu

Cao Nguyễn Hoàng Hưng Thứ sáu, ngày 16/02/2024 14:59 PM (GMT+7)
Việc đi lại trong những ngày Tết Giáp Thìn 2024 đã nảy sinh câu chuyện “vệ sinh 0 đồng”, trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Vấn đề giải quyết nhu cầu vệ sinh của con người tưởng nhỏ, nhưng không hề nhỏ, khi nhìn nó dưới góc độ cung - cầu.
Bình luận 0

"Tự phát" nhưng "phúc đẳng hà sa"

Không phải lúc này, mà vài tháng qua, từ khi cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới đưa vào hoạt động, thì hiện tượng thiếu trạm dừng, thiếu nhà vệ sinh trên cao tốc đã được công luận phản ánh. Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nối liền cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, với chiều dài gần 200km. Thế nhưng, nghịch lý ở đây, toàn tuyến cao tốc từ Vĩnh Hảo tới Dầu Giây không hề có một trạm dừng để giải quyết nhu cầu vệ sinh, nghỉ ngơi… cho người đi trên cao tốc.

Nghịch lý thiếu trạm dừng trên tuyến cao tốc này ai cũng biết, nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục từ các cơ quan chức năng. Những ngày Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, nghịch lý trên càng lên cao điểm, khi dòng xe cộ, người dân từ miền Nam đổ ra miền Trung và miền Bắc ngày một đông.

“Vệ sinh 0 đồng” trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, hay nghịch lý cung - cầu- Ảnh 1.

Hình ảnh cầu thang được người dân dựng tự phát cho khách đi cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có nhu cầu đi vệ sinh. Ảnh: Duy Phạm

Trước nhu cầu đi vệ sinh của dòng người đi cao tốc, một số hộ dân ven đường đã dựng ra những "trạm dừng", "nhà vệ sinh 0 đồng" bất đắc dĩ trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).

Một người dân ở huyện Hàm Thuận Bắc nói: "Hàng ngày, tôi thấy có những khách đi đường mặt mày xanh mét, khổ sở vì không có chỗ tiểu tiện; nên mới dựng nhà "vệ sinh 0 đồng" để giúp họ".

Nơi "vệ sinh 0 đồng" do người dân này dựng lên không thuộc dự án cao tốc, nằm phía sau một bãi đất trống không có rào ngăn cách với đường cao tốc. Tuy nhiên, điểm "vệ sinh 0 đồng", lại nằm sau một hàng rào kẽm gai phân định phạm vi dự án cao tốc với khu vực dân sinh. Vì vậy, người dân đã làm hẳn một cầu thang sắt cho khách… vượt rào đi vệ sinh.

Ngày 15/2 (nhằm ngày mồng 7 Tết Giáp Thìn), chính quyền huyện Hàm Thuận Bắc đã yêu cầu các hộ dân hạ thang, đóng cửa "vệ sinh 0 đồng". Theo ông Trần Ngọc Hiền - phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho rằng: Việc làm tự phát này là không đúng quy định pháp luật, có nguy cơ mất an toàn giao thông. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có trách nhiệm tuyên truyền để bà con chấm dứt việc làm nhà vệ sinh, dựng cầu thang và trạm dừng nghỉ tự phát để tránh chuyện không hay về sau…

“Vệ sinh 0 đồng” trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, hay nghịch lý cung - cầu- Ảnh 2.

Ngày 15/2, chính quyền huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu người dân hạ thang, đóng cửa "vệ sinh 0 đồng", vì vi phạm quy định của nhà nước. Ảnh: B.P

Việc dựng nhà "vệ sinh 0 đồng" của những người dân chân chất dọc theo cao tốc là "tự phát", không đúng quy định… Nhưng ít ra, họ cũng giúp được bao người giải quyết được bức bách, nhu cầu vệ sinh tối thiểu. Âu đó cũng là việc làm "phúc đẳng hà sa" - có người y kiến như thế.

Và, chính hành động "tự phát" ấy, như một sự "đánh thức" các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về đầu tư, quản lý, vận hành đường cao tốc. Câu hỏi đặt ra: Đầu tư xây dựng cả tuyến đường cao tốc dài hàng trăm cây số thì làm được. Nhưng, xây dựng cái trạm dừng (hay nói cách khác là cái nhà vệ sinh) cỏn con, tại sao chưa làm được ?

“Vệ sinh 0 đồng” trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, hay nghịch lý cung - cầu- Ảnh 3.

Chiếc cầu thang sắt được người dân thiết kế cho khách đi "vệ sinh 0 đồng" trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Duy Phạm

Nghịch lý cung - cầu

Trong khi đó, cao tốc đã đưa vào hoạt động, nhu cầu đi lại, nhu cầu vệ sinh, việc nghỉ ngơi trên đường của hàng chục ngàn người tham gia lưu thông trên đường mỗi ngày, là có thật và vô cùng bức thiết. Tính riêng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt xe qua lại trên tuyến chính (các ngày cuối tuần trên 20.000 lượt xe).

Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Thông tư số 01/2023 nhằm "hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ" - trong đó có công trình trạm dừng nghỉ.

“Vệ sinh 0 đồng” trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, hay nghịch lý cung - cầu- Ảnh 4.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết ở giai đoạn đang thi công, mở ra tương lai phát triển mạnh mẻ cho miền đất ven biển Nam Trung bộ là 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Ảnh: B.T

Đối chiếu theo những quy định từ Thông tư số 01/2023, thì việc đầu tư xây dựng một trạm dừng nghỉ, phải lập một dự án mới, xây dựng phương án đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư…Hiện nay, các cục nghiệp vụ của Bộ Giao thông - Vận tải vẫn đang trong giai đoạn xây dựng phương án; sau đó, mới đấu thầu và xây dựng trạm dừng nghỉ. Do đó, việc xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc mới đưa vào hoạt động như cao tốc Vĩnh Hảo - Phan thiết, chưa thể ấn định được thời gian nào thì xong.

Theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, trung bình khoảng 50 - 60km, cần bố trí một trạm dừng nghỉ cung cấp các dịch vụ thiết yếu như: xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn...

Ngoài chức năng phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông, trạm dừng nghỉ là nơi có thể kinh doanh dịch vụ. Chính vì vậy, trạm dừng nghỉ phải được cơ quan có thẩm quyền định hướng đầu tư theo hình thức xã hội hóa để tiết kiệm ngân sách nhà nước.

“Vệ sinh 0 đồng” trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, hay nghịch lý cung - cầu- Ảnh 5.

Sư phát triển đường cao tốc đang tồn tại nghịch lý với việc chưa đầu tư, xây dựng trạm dừng nghỉ, nên phát sinh những nhà "vệ sinh 0 đồng" trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Duy Phạm

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, do các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng. Nên việc triển khai đầu tư theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang yều cầu các cục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa.

Theo đó, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được bố trí 36 trạm (khoảng cách bình quân giữa các trạm khoảng 59km). Trong đó gồm 7 trạm đã đưa vào khai thác và 2 trạm đang đầu tư, 27 trạm còn lại sẽ lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện.

Toàn bộ các trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu minh bạch, rõ ràng. Công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư từ 3 - 5 tháng. Thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ từ 9-12 tháng.

Riêng tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang gây sốt dư luận về vụ "cầu thang" và "vệ sinh 0 đồng", theo Bộ Giao thông - Vận tải, dự kiến sẽ khởi công xây dựng 2 trạm dừng nghỉ trong quý 1/2024 và hoàn thành đưa vào khai thác trong quý 1/2025.

“Vệ sinh 0 đồng” trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, hay nghịch lý cung - cầu- Ảnh 6.

Người dân ở huyện Hàm Thuận Bắc đã thu dọn cầu thang và nhà "vệ sinh 0 đồng" vào ngày 15/2/2024. Ảnh: B.P

Qua sự việc trên cho thấy, trong xu thế hiện nay, bất kỳ dự án giao thông đường bộ (đặc biệt là dự án cao tốc), thì việc đầu tư xây dựng hạ tầng chính của con đường, luôn đi đôi với đầu tư, xây dựng trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh…

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) - có ý kiến: "Với doanh nghiệp gia công sản phẩm giày cho các tập đoàn nổi tiếng thế giới. Việc đầu tiên để chọn đối tác gia công, họ vào tận nhà máy, xưởng sản xuất xem doanh nghiệp Việt Nam có làm nhà vệ sinh sạch sẽ cho công nhân hay không. Vì vậy, đừng lơ là chuyện vệ sinh, nơi giải quyết nhu cầu tối thiểu của con người".

Phải thừa nhận, việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hàng loạt tuyến đường cao tốc trong thời gian gần đây, đã thay đổi diện mạo của đất nước. Những cung đường cao tốc đã góp phần đưa nền kinh tế của Việt Nam ngày càng phát triển, văn minh và hiện đại. 

Song, việc đầu tư các tuyến đường cao tốc, với đầu tư các trạm dừng nghĩ, nhà vệ sinh "ăn theo" cao tốc vẫn còn những bất cập và nghịch lý (cao tốc thì tăng, trạm dừng nghỉ thì hiếm).

Đơn cử, hàng trăm cây số đường cao tốc phía Nam đã đi vào vận hành, nhưng Bộ Giao thông - Vận Tải vẫn đang trong giai đoạn "tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa" (?). 

Và, 2 trạm dừng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới "dự kiến" khởi công vào quý 1/2024, phải chờ một năm nữa, đến quý 1/2025, 2 trạm dừng nghỉ mới… "hoàn thành" (?).

Một năm nữa, mỗi ngày, hàng chục ngàn hành khách lưu thông trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ "giải quyết" nhu cầu vệ sinh như thế nào đây ? Quả là nghịch lý chồng nghịch lý !

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem