Vạn người chứng kiến tái hiện lễ cưới lại của "Mẫu với Đức Ông” trong lễ hội đền Đông Cuông

Hoàng Hữu Thứ tư, ngày 21/02/2024 15:52 PM (GMT+7)
Nghi lễ rước Mẫu sang sông trong lễ hội đền Đông Cuông, tái hiện lễ cưới lại của "Mẫu với Đức Ông” để lại những ấn tượng đặc biệt đối với người dân và du khách tham dự.
Bình luận 0

Theo thông lệ, cứ vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng hằng năm, Đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) lại khai hội. Năm nay, lễ hội đầu năm được tổ chức trong hai ngày 20 và 21/02 (tức ngày 11 và 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Đông Cuông với hàng chục hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương.

Vạn người chứng kiến tái hiện lễ cưới lại của "Mẫu với Đức Ông” trong lễ hội đền Đông Cuông- Ảnh 1.

Lễ hội đền Đông Cuông năm 2024 được tổ chức vào ngày 20 và 21/02 (tức ngày 11 và 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Ảnh: Hoàng Hữu

Sau lễ mổ trâu tế Mẫu và chư vị thần linh diễn ra vào nửa đêm bước sang ngày mới (đêm 20/1 sang ngày 21/2), là lễ rước Mẫu qua sông. Kiệu Mẫu được trai đinh chuẩn bị và được các tín nữ trang trí từ hôm trước. Đúng 8 giờ sáng, lễ rước Mẫu qua sông được tiến hành tuần tự theo đúng nghi thức trang trọng và linh thiêng nhất của nhà đền.

Vạn người chứng kiến tái hiện lễ cưới lại của "Mẫu với Đức Ông” trong lễ hội đền Đông Cuông- Ảnh 2.

Các giai chay (những chàng trai chưa vợ) rước bát hương lớn từ cung cấm ra cung Công Đồng. Ảnh: PV

Thầy Mo và những người giúp việc trong trang phục truyền thống của người Tày Khao làm thủ tục sửa soạn những vận dụng cần thiết cho Mẫu. Các giai chay (những chàng trai chưa vợ) đưa kiệu đã được lau rửa sạch sẽ ra giữa gian chính điện (cung Công Đồng) để lắp kiệu.

Sau khi lắp kiệu trang trí xong, tượng Mẫu (Vua Mẹ) và tượng Vua Báo (con trai) được di chuyển từ cung cấm ra kiệu. Tượng Mẫu và Vua Báo được cuốn xung quanh bằng vải nhiễu đỏ; các giai chay rước bát hương lớn, hộp sắc, cơi trầu và bát đựng 2 quả trứng vịt nhuộm màu đỏ hồng và một mâm lễ từ cung cấm ra cung Công Đồng.

Vạn người chứng kiến tái hiện lễ cưới lại của "Mẫu với Đức Ông” trong lễ hội đền Đông Cuông- Ảnh 3.

Dân bản bắt đầu rước kiệu Mẫu từ đền Đông Cuông sang miếu Ghềnh thăm Đức Ông. Ảnh: PV

Tiếp đó, dân bản rước kiệu Mẫu từ đền Đông Cuông sang miếu Ghềnh thăm Đức Ông. Thứ tự đội hình rước kiệu được bố trí lần lượt: Cờ ngũ hành, cờ hội, chiêng, trống, đội múa dân tộc, lễ vật, đôi vật, chủ lễ, thầy mo (bê hòm sắc phong), kiệu Mẫu, nhạc bát âm, kiệu Vua Báo, quan viên và đông đảo thôn bản, du khách, thiện tín thập phương…

Vạn người chứng kiến tái hiện lễ cưới lại của "Mẫu với Đức Ông” trong lễ hội đền Đông Cuông- Ảnh 4.

Người dân làm lễ rước kiệu Mẫu và kiệu Vua con trên bến sông trước khi kiệu Mẫu được đưa sang sông thăm Đức ông. Ảnh: PV

Một thuyền lớn hoặc một bè/mảng lớn túc trực dưới sông đón kiệu. Đến mép nước, kiệu Vua Báo ở lại trên bờ, chỉ có kiệu Mẫu xuống thuyền cùng 11 người sang miếu Ghềnh Ngai. Khi mọi thủ tục cúng tế xong đúng 10 giờ, kiệu Mẫu và kiệu Vua con lại tiếp tục được rước quay về đền và an vị trong cung cấm.

Vạn người chứng kiến tái hiện lễ cưới lại của "Mẫu với Đức Ông” trong lễ hội đền Đông Cuông- Ảnh 5.

Đến mép nước bên bờ sông Hồng phía đền Đông Cuông, kiệu Vua Báo ở lại, chỉ có kiệu Mẫu cùng 11 người xuống bè sang Ghềnh ngai. Ảnh: PV

Khi tượng Mẫu và Vua Báo an vị, nhà đền tiến hành lễ dâng hương tế Mẫu. Lễ dâng hương cúng tiệc chính gồm 36 mâm với các lễ vật có rượu, thịt trâu luộc chín, xôi, trầu cau, dấm bỗng, tiền dương, tiền vàng giấy, 6 bát, 6 đôi đũa, 6 chén rượu. Đặc biệt, trầu cau phải đặt đầu lá trầu vào trong hướng cung cấm. Thầy Mo dâng hương, dâng rượu 3 lần.

Vạn người chứng kiến tái hiện lễ cưới lại của "Mẫu với Đức Ông” trong lễ hội đền Đông Cuông- Ảnh 6.

Làm thủ tục cúng tế tại Ghềnh ngai. Ảnh: PV

Chị Ngô Kim Thoa (du khách đến từ Phú Thọ cho biết): "Dịp du xuân đầu năm 2024 này, gia đình chúng tôi chọn điểm đến là đền Đông Cuông ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, may mắn thấy được những nét văn hóa rất đặc sắc của vùng miền, đặc biệt là văn hóa thờ Mẫu Thượng Ngàn. Thông qua lễ hội, chúng tôi cảm nhận được nét đẹp không chỉ hiện hữu trong lễ hội mà con trong tâm thức của tất cả người dân nơi đây cũng như là du khách thập phương đến với lễ hội".

Chị Thoa cho biết thêm, được tham dự và chứng kiến nhiều lễ rước trong các lễ hội nhưng chị thấy lễ rước Mẫu ở đền Đông Cuông có nét rất độc đáo, riêng có so với các lễ hội khác độc đáo.

Vạn người chứng kiến tái hiện lễ cưới lại của "Mẫu với Đức Ông” trong lễ hội đền Đông Cuông- Ảnh 7.

Hàng ngàn du khách thập phương đứng bên bờ sông Hồng chứng kiến lễ rước Mẫu sang thăm Đức ông bên kia sông. Ảnh: PV.

Sau khi lễ dâng hương kết thúc, hàng ngàn người dân cùng du khách thập phương cùng nhau thụ lộc của Mẫu với mong ước những điều may mắn sẽ đến với gia đình, người thân, bạn bè trong cả năm...

Khi tất cả các nghi lễ kết thúc, thầy Mo thực hiện nghi lễ cuối cùng là đóng cửa cung cấm và cửa chính của đền, kết thúc lễ hội đầu Xuân của đền Đông Cuông.

Vạn người chứng kiến tái hiện lễ cưới lại của "Mẫu với Đức Ông” trong lễ hội đền Đông Cuông- Ảnh 8.

Đúng 10 giờ, kiệu Mẫu và kiệu Vua Báo lại tiếp tục được rước quay về đền và an vị trong cung cấm. Ảnh: PV.

Theo quan niệm của đồng bào Tày xã Đông Cuông và các vùng lân cận, nghi lễ rước Mẫu là hình thức tái hiện lễ cưới lại của "Mẫu với Đức Ông" mà hậu duệ họ Hà phải tổ chức. Nghi lễ rước Mẫu sang sông đã để lại những ấn tượng đặc biệt đối với người dân và du khách tham dự.

Ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, thông qua lễ hội, huyện cũng mong muốn tiếp tục mở rộng quảng bá hình ảnh di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Đông Cuông đến với du khách thập phương trong và ngoài nước, từng bước tạo sự đột phá về phát triển du lịch tâm linh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đền Đông Cuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 2009. Tại đây mỗi năm diễn ra 2 lễ hội lớn, ngày Mão tháng Giêng với nghi lễ mổ trâu trắng và rước Mẫu sang sông; ngày Mão tháng 9 với nghi lễ mổ trâu đen.

Ngày 16/01/2023,Lễ hội Đền Đông Cuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem