Vấn đề pháp lý trong vụ ôtô tông liên hoàn tại Hà Nội

Thứ bảy, ngày 30/07/2022 21:46 PM (GMT+7)
Do nạn nhân là quân nhân, cơ quan tố tụng thuộc quân đội sẽ thụ lý vụ việc. Đối với tài xế, người này có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Bình luận 0


Do nạn nhân là quân nhân, cơ quan tố tụng thuộc quân đội sẽ thụ lý vụ việc. Đối với tài xế, người này có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Khoảng 20h45 ngày 8/7, vụ đâm xe liên hoàn xảy ra tại nút giao Quang Trung - Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội. Chiếc xe Santa Fe do Hà Thanh Hưng (45 tuổi, trú phường La Khê, quận Hà Đông) tông liên hoàn vào một xe biển đỏ, một taxi 5 chỗ, một ôtô bán tải. Các phương tiện này sau đó va vào 5 xe máy.

Vụ tai nạn khiến một người tử vong, một người bị gãy chân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, 4 người khác bị thương nhẹ. Bốn nạn nhân bị thương nhẹ đều ra viện vào khoảng 22h cùng ngày.

Cảnh sát bước đầu nhận định Hưng không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn. Công an quận Hà Đông đã tạm giữ Hà Thanh Hưng đồng thời làm các xét nghiệm liên quan đến nồng độ cồn và ma túy đối với nam tài xế. Theo báo cáo ban đầu, tài xế trên âm tính với ma túy và không ghi nhận có nồng độ cồn trong cơ thể.

Vấn đề pháp lý trong vụ ôtô tông liên hoàn tại Hà Nội - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn tại Hà Đông. Ảnh: Q.H.

Với hậu quả gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tài xế Hưng có thể chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật?

Tài xế có thể chịu trách nhiệm hình sự

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) đánh giá đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ các yếu tố liên quan tới vụ tai nạn, xác định nguyên nhân do khách quan (lỗi kỹ thuật, xe trục trặc...) hay do lỗi của người điều khiển, từ đó xác định căn cứ để ra quyết định có hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp đủ căn cứ chứng minh tài xế Hưng đã mất kiểm soát tốc độ, chủ quan, không tuân thủ các quy tắc điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ, cơ quan điều tra có thể ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo quy định.

Nếu tài xế bị khởi tố về tội danh này, khung hình phạt áp dụng sẽ là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm. Trường hợp gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ ở mức 122-200%, khung hình phạt là 3-10 năm tù.

Trường hợp thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc tổng tỷ lệ thương tật của nạn nhân trên 200%, khung hình phạt áp dụng sẽ là 7-15 năm tù.

Vấn đề pháp lý trong vụ ôtô tông liên hoàn tại Hà Nội - Ảnh 2.

Vụ tai nạn khiến nhiều phương tiện hư hỏng nặng. Ảnh: D.A.

Về trách nhiệm dân sự, người gây tai nạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng và sức khỏe bị xâm phạm cho các nạn nhân và gia đình, căn cứ các Điều 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Nói thêm về việc tài xế có tiền sử bị động kinh, ông Cường cho rằng cơ quan điều tra sẽ yêu cầu gia đình cung cấp hồ sơ bệnh án, đơn thuốc và làm rõ quá trình điều trị tâm thần của tài xế này. Nếu cần thiết, cơ quan có thẩm quyền sẽ trưng cầu giám định tâm thần để xác định tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra, người này có mắc bệnh đến mức làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi hay không.

"Trong trường hợp có căn cứ cho thấy tại thời điểm lái xe gây tai nạn, tài xế Hưng mắc bệnh tâm thần đến mức không kiểm soát được hành vi của mình, thì người này sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự. Còn nếu kết quả giám định cho thấy tại thời điểm gây tai nạn, người này đủ khả năng nhận thức, điều khiển được hành vi của mình, thì việc có tiền sử mắc bệnh động kinh không được xem xét là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự", ông Cường nêu quan điểm.

Vì sao chuyển hồ sơ sang Bộ Quốc phòng?

Theo thông tin hiện có, vụ việc khiến một nạn nhân tử vong là đại úy M.T.T.T. (48 tuổi, quân nhân chuyên nghiệp tại nhà máy A40, Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân). Ngoài ra, trong số phương tiện gặp nạn có một ôtô biển đỏ do thượng úy H.V.H. (41 tuổi, cán bộ tại Văn phòng Bộ Quốc phòng) cầm lái.

Nói về vụ việc dưới góc độ tố tụng hình sự, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) nhìn nhận do vụ việc có dấu hiệu hình sự, nạn nhân tử vong là quân nhân và phương tiện bị hư hỏng thuộc quản lý của quân đội, việc Công an quận Hà Đông chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng thụ lý là đúng quy định.

Trích dẫn Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, luật sư Hùng cho biết tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong quân đội.

Ngoài ra, tòa án được quyền xét xử các vụ án mà bị cáo không thuộc quản lý của quân đội, nhưng liên quan tới bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của những cá nhân, tổ chức thuộc quản lý của quân đội nêu trên.

Đối chiếu với trường hợp này, do hành vi của tài xế Hưng đã xâm phạm tới tính mạng của quân nhân tại ngũ và gây thiệt hại cho tài sản thuộc quản lý của quân đội, thẩm quyền xét xử vụ án sẽ thuộc về tòa án quân sự.

Vấn đề pháp lý trong vụ ôtô tông liên hoàn tại Hà Nội - Ảnh 3.

Phía ngoài ngôi nhà đại úy T., quân nhân chuyên nghiệp tử vong trong vụ tai nạn. Ảnh: H.Q.

Bình luận thêm về việc chuyển hồ sơ vụ việc, thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho biết theo quy định hiện hành, việc xử lý vi phạm được chia làm 3 lĩnh vực cơ bản như sau:

Nếu vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự, công an, VKSND và TAND sẽ là những đơn vị có thẩm quyền xử lý. Đối với vụ việc có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, đơn vị giải quyết là cơ quan điều tra thuộc VKSND tối cao và TAND tối cao.

Hệ thống cơ quan điều tra thuộc quân đội, VKS quân sự và tòa án quân sự sẽ tiếp nhận, xử lý những vụ việc liên quan tới quân đội. Cơ quan điều tra thuộc quân đội có trách nhiệm điều tra, còn VKS quân sự cùng cấp thực hành quyền công tố. Các cơ quan tố tụng của quân đội sẽ được phân thành 3 cấp là cấp trung ương, cấp quân khu và cấp khu vực.

Về lực lượng kiểm soát quân sự, theo Thông tư số 104/2010 của Bộ Quốc phòng, lực lượng này có những chức năng như kiểm tra, nhắc nhở, giúp đỡ quân nhân và phương tiện giao thông quân sự chấp hành đúng quy định ở ngoài doanh trại; phát hiện, ngăn chặn những người xâm phạm tính mạng quân nhân, tài sản quân đội hay phát hiện, tạm giữ quân nhân đào ngũ, quân nhân có hành vi phạm pháp quả tang và những người giả danh quân nhân. Lực lượng này không nằm trong hệ thống cơ quan tố tụng của quân đội.

Trong vụ việc này, việc cơ quan công an chuyển giao cho cơ quan điều tra thuộc quân đội thụ lý vụ việc là đúng quy định do đại úy T. là quân nhân thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng. Nếu vụ việc được đưa ra xét xử, Cơ quan điều tra thuộc Bộ Quốc phòng sẽ là đơn vị điều tra, VKS Quân sự Trung ương truy tố, còn thẩm quyền xét xử thuộc về Toà án Quân sự Trung ương.


Hoàng Linh/Zing.vn (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem