Vác cuốc, thuổng, lên núi đào măng lay, đặc sản của người miền núi

Quốc Định Thứ bảy, ngày 09/09/2017 06:22 AM (GMT+7)
Măng lay là một họ thuộc măng tre, thường mọc từ tháng 6 kéo dài đến hết tháng 10 dương lịch, và từ lâu măng lay đã trở thành món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình của người Thái ở Sơn La.
Bình luận 0

Món ăn quen thuộc của người Thái

Măng lay có đặc điểm thân nhỏ, lá nhọn, mọc thành từng bụi lớn bạt ngàn trên những sườn đồi, khe suối... của núi rừng. Không biết từ bao giờ măng lay trở thành món ăn quen thuộc, nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Thái Sơn La, chỉ với món măng luộc chấm chéo (tiếng Thái gọi là chẳm chéo, món chấm đặc trưng của người Thái) cũng đã níu lòng bao du khách qua vùng đất này.

img

Măng lay của người Thái ở Sơn La

Trong chế biến măng lay được làm rất đơn giản, đem luộc cả vỏ, khi ăn mới bóc, nên giữ được hương vị đặc trưng tinh khiết của núi rừng. Măng thường được chấm với chéo, một loại nước chấm được hòa trộn với muối, lá mùi tàu, lá tranh, tỏi, ớt tươi nướng giã nhỏ khi ăn tạo nên hương vị hấp dẫn, khó quên.

img

Món măng lay luộc để chấm với chéo

Ngoài ra, măng lay còn làm món măng trộn ớt, măng nộm. Khi măng luộc chín bóc vỏ, chẻ thành từng nhánh nhỏ đem trộn với ớt tạo thành món măng trộn ớt hoặc trộn với rau thơm, lá mùi tàu, lá gừng thái nhỏ, một ít ớt và mắc khén tạo thành món măng lay nộm, món ăn đặc trưng của người Thái.

Mùa lên núi tìm măng

Mùa măng lay thường bắt đầu vào tháng 6 và kéo dài cho hết tháng 10 dương lịch. Sau những trận mưa đầu mùa măng bắt đầu mọc, lúc này bà con người Thái bắt đầu lên núi tìm măng, do tập quán sinh sống họ nắm bắt được quy luật sinh trưởng và phát triển của măng lay. Vào mùa măng lay thường mọc nhiều và mọc liên tục, chỗ măng bị lấy hôm trước hôm sau những nhánh măng mới lại nhô lên. Dụng cụ lấy măng thường là dao, cuốc, thuổng… Măng thường mọc sâu trong bụi nên phải dùng thuổng đào bới vất vả mới được.

img

Măng lay bán tại chợ rất đắt khách

Việc lấy măng lay không những không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, mà góp phần làm cho cây phát triển tốt hơn. Những người có kinh nghiệm lấy măng lay, nói răng: Việc lấy măng lay sẽ giúp bụi măng thưa cây, nhờ đó cây sẽ to và phát triển nhanh hơn.

Măng lay mọc tự nhiên bạt ngàn trên những sườn đồi hay bên bờ suối... và để lấy được măng không hề dễ dàng. Người lấy măng phải khăn gói lên rừng hàng cây số. Mục đích của bà con lấy măng thường khác nhau, người lấy măng về ăn; người thì lấy măng về để bán, tranh thủ kiếm chút tiền, khi đem ra chợ măng được rửa sạch đem luộc chín cả vỏ, bó thành từng bó nhỏ đem ra chợ bán. Mỗi bó măng có giá trung bình từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/1 bó.

img

Khách hàng mua măng lay ít khi mặc cả vì măng ngon

Cứ thế, mỗi mùa măng lay về bà con dân tộc Thái ở các bản, làng ở Sơn La lại tất bật lên núi tìm măng. Qua những đôi bàn tay khéo léo măng lay trở thành món ăn đặc sản, níu lòng nhiều du khách khi đến với vùng đất Sơn La.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem