Ứng dụng khoa học công nghệ, đánh thức tiềm năng vùng Đồng bằng sông Hồng

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 09/04/2023 19:43 PM (GMT+7)
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện luôn mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, các thành phần kinh tế để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bình luận 0

Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng muốn liên kết với Học viện Nông nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Là vùng trọng điểm sản xuất lúa của Đồng bằng sông Hồng, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng gạo, cũng như đưa các giống lúa mới vào sản xuất. Hiện, diện tích gieo cấy lúa của Thái Bình khoảng 155.000ha/năm, năng suất lúa rất cao, tổng sản lượng đạt gần 1 triệu tấn/năm nhờ tỉnh luôn đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Tại Hội nghị "Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn" do UBND tỉnh Thái Bình và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức với sự tham dự của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng như: Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam,... ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình cho biết, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới là đẩy nhanh cơ giới hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mạnh sang sản xuất hàng hóa lớn, tạo giá trị mới, thị trường mới; quan tâm, tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn sức khỏe con người, nông nghiệp sinh học, nông nghiệp tuần hoàn để phát triển bền vững. 

Ứng dụng khoa học công nghệ, đánh thức tiềm năng vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1.

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký kết với đại diện các sở, ngành các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng để thực hiện các nội dung chuyển giao khoa học công nghệ. Ảnh: P.V

Để hiện thực hóa những chủ trương đó, Thái Bình mong muốn sẽ tạo nhận thức mới, chỉ ra những nút thắt, khó khăn trong phát triển tam nông, bàn giải pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nông dân giàu lên từ nông nghiệp, doanh nghiệp đầu tư và phát triển cùng nông nghiệp.

"Để phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững thì nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất đóng vai trò rất quan trọng và tỉnh sẵn sàng hợp tác cùng với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển hiệu quả...", ông Hải nhấn mạnh.

Là một doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lúa ở Thái Bình, từ một trại giống đến nay ThaiBinh Seed đã trở thành một tập đoàn đa ngành, mở rộng hoạt động trên 3 lĩnh vực: giống cây trồng, kinh doanh lương thực và thương mại dịch vụ với 12 chi nhánh, đơn vị thành viên trên toàn quốc. Công ty sở hữu bản quyền 21 giống cây trồng, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ cấu cây trồng của Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung. Hiện 20% diện tích sản xuất lúa của cả nước sử dụng giống lúa của ThaiBinh Seed. 

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed nhấn mạnh, đó là kết quả của việc ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ.

Ứng dụng khoa học công nghệ, đánh thức tiềm năng vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 2.

Ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình cho biết, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới là đẩy nhanh cơ giới hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mạnh sang sản xuất hàng hóa lớn. Ảnh: P.V

Cũng "đặt hàng" Học viện Nông nghiệp Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên mong muốn Học viện phối hợp với các ngành, đơn vị của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, đa dạng hóa, đổi mới nội dung đào tạo; cải thiện, nâng cao năng lực các hợp tác xã,...

Được biết, trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên cũng đã ưu tiên phê duyệt khoảng 30 đề án, dự án, kế hoạch để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó có các đề án, dự án ứng dụng khoa học công nghệ, như: Dự án chọn lọc, duy trì giống nếp thơm Hưng Yên; dự án bảo tồn giống nhãn và nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn Hưng Yên; thực hiện mô hình nuôi cá trên ao bán nổi, sông trong ao...

"Khoa học công nghệ là đòn bẩy vững chắc để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp bền vững", ông Nam nói.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hải Dương cũng có những đề nghị cụ thể với Học viện Nông nghiệp Việt Nam dựa trên tiềm năng, thế mạnh địa phương. 

Ứng dụng khoa học công nghệ, đánh thức tiềm năng vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 3.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện luôn mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, các thành phần kinh tế để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: P.V

Thúc đẩy nền nông nghiệp xanh ở vùng Đồng bằng sông Hồng

Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 7 vùng kinh tế xã hội của cả nước. Các tỉnh trong vùng đi đầu cả nước trong việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và hình thành cánh đồng lớn, các vùng sản xuất tập trung, như: vùng trồng cà rốt ở Gia Bình (Bắc Ninh), Cẩm Giàng (Hải Dương), vùng trồng khoai tây ở Quế Võ; vùng trồng hành, tỏi tại Kinh Môn (Hải Dương); vùng trồng hoa, cây cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên),…

Hình thành nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, nhất là chăn nuôi gà và lợn (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam); bò sữa (Hà Nam, Hà Nội); vùng nuôi cá vược, tôm công nghệ cao ở Hải Phòng; vùng nuôi ngao giống và thương phẩm chất lượng cao ở Thái Bình, Nam Định; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới ở Kim Sơn, Ninh Bình,…

Nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đã tạo được thương hiệu, uy tín đối với thị trường trong nước và quốc tế, như: nhãn lồng Hưng Yên, cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai (Hà Nội), dứa (Ninh Bình), hành, tỏi (Hải Dương, Hà Nam)...

Đây cũng là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Toàn vùng có trên 500 tổ chức khoa học công nghệ, 291 tổ chức nghiên cứu phát triển (R&D), có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; tốc độ đổi mới công nghệ (giai đoạn 2016-2020) đạt 51,7%...

Tuy vậy, theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn có nhiều điểm thiếu bền vững: do mật độ dân số cao, kinh tế phát triển nóng, chịu sức ép lớn của ô nhiễm môi trường. 

Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn thay đổi theo chiều hướng bê tông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị truyền thống, đặc trưng của vùng thôn quê đồng bằng Bắc Bộ. Liên kết vùng còn yếu và số sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu chưa nhiều.

Ứng dụng khoa học công nghệ, đánh thức tiềm năng vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 4.

Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, CEO ThaiBinh Seed chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của bản thân. Ảnh: P.V

"Đây là những điểm yếu cho sự phát triển bền vững, là yêu cầu cấp bách đòi hỏi việc đồng bộ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cũng như các giải pháp về cơ chế, chính sách cho vùng. Có nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề này, song, nổi lên hai vấn đề lớn cần tập trung tháo gỡ: Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hai là, ứng dựng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển. Từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây chính là Nội dung mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, các thành phần kinh tế để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả", GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, hiện nay chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung phát triển theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang “đa giá trị", phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

Do vậy, vấn đề chuyển giao công nghệ - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - khởi nghiệp nông nghiệp cần quan tâm một số nội dung sau: Phát triển sản phẩm quốc gia, tiếp tục triển khai, nghiên cứu làm chủ công nghệ về giống, quy trình canh tác theo chuỗi giá trị; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất quy mô hàng hóa.

Cùng đó, phải hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; phát triển công nghệ sinh học, triển khai nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học thế hệ mới; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy mô hàng hóa; nghiên cứu và áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần cụ thể hóa những nội dung hôm nay sẽ ký kết với địa phương, xác định rõ lộ trình thực hiện cụ thể trong thời gian tới. Các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đề bài cụ thể với Học viện trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, cơ chế gì để hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đối với học sinh trung học phổ thông, thế hệ tương lai của đất nước.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem