Tuyển sinh 2022: Nhiều trường hạ chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, học sinh lo lắng

Tào Nga Thứ sáu, ngày 07/01/2022 11:08 AM (GMT+7)
Học sinh bất ngờ khi nhiều trường hạ chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và bắt đầu vừa ôn thi tốt nghiệp vừa ôn thi Đánh giá năng lực.
Bình luận 0

Học sinh lo lắng nhiều trường hạ chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Đúng như khuyến cáo của Bộ GDĐT, những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn. Vì vậy, năm 2022 đánh dấu bước dịch chuyển chỉ tiêu giữa các phương thức khá lớn.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo phương án tuyển sinh dự kiến năm 2022. Theo đó, phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là 10-15%. Các năm trước đó, Đại học Kinh tế Quốc dân thường dành khoảng 50-70% chỉ tiêu từ kỳ thi tốt nghiệp.

Hạ chỉ tiêu xét tuyển phương thức thi tốt nghiệp THPT, giáo viên và học sinh xoay xở ôn thi - Ảnh 1.

Học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Gia Khiêm

Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo dự kiến phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2022. Trường có 3 phương thức xét tuyển với tổng chỉ tiêu dự kiến 7.500. Phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy chiếm 60 - 70% tổng chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 với 10 - 20%. Hàng loạt các trường cũng đăng ký xét tuyển theo điểm thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển thay đổi khiến học sinh lớp 12 hoang mang. Em Phạm Gia Khánh, học sinh lớp 12 ở một trường quận Ba Đình, Hà Nội bày tỏ: "Ngay sau khi biết trường yêu thích của em chỉ xét tuyển 10-15% chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, em đã lập tức ôn tập thêm các bài thi Đánh giá năng lực. Tuy nhiên, hiện tại kỳ thi này còn khá mới mẻ và lượng kiến thức rộng, giáo viên chỉ tập trung ôn thi tốt nghiệp nên em rất lo lắng".

Giáo viên tiếp cận đề thi Đánh giá năng lực

Cô Lê Trần Diệu Thu, giáo viên dạy Văn ở Hà Nội nhận xét: "Nhiều phương thức tuyển sinh và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đánh giá năng lực giúp thí sinh có nhiều sự lựa chọn nhưng cũng khiến học sinh gặp khó khăn vì mới mẻ. Vì vậy, giáo viên nên ra các dạng đề theo định hướng giống với cấu trúc thi của 2 kỳ thi để học sinh làm quen, ôn luyện để không bị bỡ ngỡ khi làm bài thi thật".

Theo cô Thu, thi song song 2 kỳ thi Đánh giá năng lực và tốt nghiệp THPT khiến nhiều giáo viên, học sinh băn khoăn. Tuy nhiên bản chất 2 kỳ thi này không có nhiều sự khác biệt. Dù cấu trúc thi, hình thức ra đề khác nhau nhưng học sinh hoàn toàn có thể yên tâm bởi chỉ cần trang bị đủ kỹ năng, kiến thức cốt lõi, nền tảng, đồng thời học sinh phát huy được kỹ năng đã học để áp dụng vào từng dạng đề thì dù kiểm tra, đánh giá bằng hình thức nào đi chăng nữa, học sinh cũng sẽ dễ dàng làm được.

Việc làm bây giờ của học sinh là xóa bỏ hoàn toàn tâm lý căng thẳng, cần ôn luyện kiến để nắm vững các kiến thức nền tảng trong sách giáo khoa, vận dụng làm thử các đề thi minh họa của cả 2 kỳ thi để giải quyết các câu hỏi theo từng mức độ thì chắn chắn sẽ không khó để làm bài thi Đánh giá năng lực cũng như bài thi tốt nghiệp THPT".

Hạ chỉ tiêu xét tuyển phương thức thi tốt nghiệp THPT, giáo viên và học sinh xoay xở ôn thi - Ảnh 2.

Năm 2022 sẽ có nhiều thay đổi chỉ tiêu xét tuyển đại học. Ảnh minh họa: Gia Khiêm

Thầy Nguyễn Chiến, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội cho hay: "Về kiến thức học sinh vừa ôn thi tốt nghiệp vừa ôn thi Đánh giá năng lực có những phần kiến thức cơ bản khá giống nhau nên sẽ bổ trợ cho nhau. Phần Đánh giá năng lực liên hệ thực tế nhiều hơn và cần tư duy trong các câu hỏi, đa số câu hỏi nằm ở mức thông hiểu và vận dụng nhiều hơn so với thi tốt nghiệp. Thi Đánh giá năng lực học sinh sẽ phải học dàn trải đều kiến thức liên môn, phải cấp tốc học làm sao để phù hợp với phương án tuyển sinh của trường. Nhiều học sinh trước đó chỉ học 3 môn thi để xét tuyển vào đại học giờ phải học thêm cả các môn mà trước đó không tập trung hoặc không phải thế mạnh.

Cấu trúc đề thi mới, tài liệu tham khảo ít, thầy cô đa số chưa có nhiều kinh nghiệm luyện thi Đánh giá năng lực nên cũng là 1 khó khăn cho đa số học sinh hiện nay. Với tình hình dịch bệnh nhiều học sinh phải học online sẽ tiếp thu kiến thức khó khăn hơn nhiều so với học trực tiếp, do vậy đòi hỏi tinh thần tự học rất cao".

Th.S Nguyễn Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Giáo viên bắt đầu ôn tập cho học sinh từ tháng 2. Các em đăng ký học theo khối và giáo viên sẽ có lớp ôn tập chuyên sâu. Vì kiến thức học rất rộng nên hiện tại trên lớp thầy cô luôn đảm bảo nội dung dạy học cho các em. Ngoài ra, trường cho học sinh tham gia các buổi tư vấn để tìm hiểu, xem xét và lĩnh hội phương thức xét tuyển đại học năm 2022".

Thầy Khánh cho hay, vì kỳ thi Đánh giá năng lực còn mới mẻ nên nhà trường chỉ đạo giáo viên tiếp cận các đề thi để bám sát ôn tập cho học sinh. "Dù 2 phương thức xét tuyển khác nhau nhưng đề thi vẫn dựa theo kiến thức chung", thầy Khánh bày tỏ.

Th.S Khánh mong muốn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là đề thi phân hóa được học sinh tốt hơn để các trường căn cứ vào điểm thi chọn được sinh viên, tránh tình trạng điểm cao chót vót vẫn trượt đại học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem