Từ "Taxi Driver 2": Việt Nam có trở thành địa điểm quay phim quốc tế lý tưởng?

Thủy Vũ Thứ năm, ngày 23/02/2023 07:30 AM (GMT+7)
Hình ảnh Việt Nam xuất hiện trong bom tấn Hàn Quốc "Taxi Driver 2" khiến nhiều người nuôi hy vọng Việt Nam sẽ trở thành địa điểm quay phim lý tưởng của nhiều đoàn làm phim nước ngoài.
Bình luận 0

Clip những cảnh quay tại Việt Nam trong "Taxi Driver 2". Nguồn: NSX

Gần đây, khán giả Việt thích thú khi hình ảnh Việt Nam xuất hiện trong bom tấn Taxi Driver 2 của Hàn Quốc. Trước đó, Taxi Driver phần 1 ra mắt năm 2022 với nội dung xoay quanh Rainbown Taxi – hãng Taxi đặc biệt chuyên săn lùng và trừng phạt những kẻ ác thay cho các nạn nhân, có sự tham gia đóng chính của tài tử Lee Je Hoon. 

Được biết, phần 1 của phim phát sóng năm 2021, từng đem về kỷ lục tập cuối có lượt xem cao nhất lịch sử trong các phim truyền hình của SBS.

Hồi hè năm 2022, những hình ảnh về Việt Nam trong phần 2 của Taxi Driver 2 đã được hé lộ khiến khán giả không khỏi tò mò và đến khi phim ra mắt, còn đem lại nhiều sự bất ngờ hơn nữa. Các nhân vật không chỉ mặc trang phục truyền thống, nói tiếng Việt mà còn diễn xuất trong bối cảnh đẹp lung linh của Việt Nam. Mặc dù với người nước ngoài, việc nói tiếng Việt không hề dễ nhưng các diễn viên trong phim cũng đã cố gắng thể hiện bằng giọng thật và không lạm dụng việc lồng tiếng.

Từ "Taxi driver": Việt Nam có trở thành địa điểm quay phim quốc tế lý tưởng? - Ảnh 2.

Các địa danh nổi tiếng của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Hạ Long, Đà Nẵng đã trở thành bối cảnh phim. Ảnh: NSX

Từ câu chuyện của Taxi Driver 2, phải chăng chúng ta nên nghĩ nhiều hơn nữa việc đơn giản hoá các thủ tục pháp lý, thay đổi chính sách để các đoàn phim quốc tế tới Việt Nam quay phim. Bởi, việc này không chỉ góp phần quảng bá du lịch mà còn tạo ra nhiều cơ hội về hợp tác quốc tế.

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc - người đứng sau các dự án phim đình đám như Người bất tử hay mới đây là Tro tàn rực rỡ từng trao đổi với Dân Việt rằng: "Trong thời gian gần đây, có nhiều dự án phim nước ngoài đã tìm đến Việt Nam lấy bối cảnh, sản xuất và hợp tác. Đây là cơ hội rất tốt để quảng bá văn hoá, du lịch, hình ảnh Việt Nam ra thế giới, đồng thời, chỉ khi có cơ hội làm việc trong các đoàn phim chuyên nghiệp quốc tế, có tính kỷ luật cao, theo một chuẩn mực mới giúp đội ngũ trong nước nâng cao được chuyên môn một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Tuy vậy, những năm gần đây, phim Kong Skull Island cũng tìm đến quay ở Việt Nam và từ đó đến nay gần như chưa có thêm một dự án nào đủ lớn nữa".

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cũng cho biết thêm: "Tại Thái Lan, ghi nhận 150 triệu USD tổng doanh thu năm 2019 trước Covid-19 cho các phim dịch vụ quốc tế. Tại Hungary, quốc gia được coi là trung tâm phim trường của châu Âu và Mỹ, giờ đây là Netflix, ghi nhận doanh số 323 triệu USD năm 2018 trong đó 94% thuộc về hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, chưa có sự phát triển nào như vậy tại Việt Nam, dù chúng ta bước đầu có nhiều nguồn lực. Vấn đề khiến các đoàn làm phim quốc tế "khiếp sợ" là chính sách và cơ chế".

Nhà sản xuất phim này đưa ra quan điểm rằng, đơn giản hoá thủ tục thẩm định cấp phép, cân nhắc loại bỏ việc thẩm định kịnh bản sẽ là bước tháo gỡ nút thắt đầu tiên quan trọng giúp điện ảnh Việt chủ động hơn trong việc hội nhập và hấp dẫn các đoàn phim quốc tế.

Từ "Taxi driver": Việt Nam có trở thành địa điểm quay phim quốc tế lý tưởng? - Ảnh 4.

Nhiều hình ảnh Việt Nam trong phim Taxi Driver 2. Ảnh: NSX

Tuy nhiên, xét trên thực tế, bỏ bước thẩm định kịch bản như nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nói là điều khó có thể thay đổi. Như bộ phim Ngoài vòng pháp luật 2 (tên gốc The Roundup) của biên kịch Kim Min Sung và đạo diễn Lee Sang Young, có độ dài 105 phút từng bị cấm phổ biến trên toàn hệ thống rạp chiếu trong cả nước, mặc dù có những hình ảnh về Việt Nam. 

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhấn mạnh: "Phim The Roundup có nhiều hình ảnh thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man vi phạm điều cấm của Luật Điện ảnh Việt Nam nên bị cấm chiếu". Cũng theo trang tin Yonhap, một số nhà phân tích cho rằng việc phim khắc họa tiêu cực về TP. HCM có thể là tác động khiến tác phẩm bị cấm.

Tuy vậy, TS. Ngô Phương Lan – Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng từng đưa ra nhiều góp ý khác để mời gọi đoàn phim quốc tế thực hiện dự án phim tại Việt Nam: "Theo tôi biết các nước xung quanh chúng ta hoàn thuế rất lớn, lên đến 20-25%... Thậm chí, có những bang của nước Mỹ họ còn hoàn thuế lên đến 35% cho các đoàn phim đến quay tại đó, tức là hoàn tiền luôn cho các đoàn tại sân bay ngay khi họ rời đi. Khi hoàn tiền như vậy tưởng là thiệt thòi nhưng mà lợi ích khi bộ phim ra đời và phát hành toàn cầu lại lớn vô cùng, gấp hàng trăm lần số tiền hoàn lại thuế cho đoàn phim đó để họ đến địa bàn đó và thực hiện việc quay phim".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem