Từ các vụ cướp ngân hàng tại Hà Nội: Trong nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" có gì?

Việt Sáng Thứ năm, ngày 10/03/2022 14:25 PM (GMT+7)
Ngay sau vụ cướp tại Bắc Từ Liêm, nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" được đổi tên thành "hội những người vỡ nợ muốn làm Lều". Nội dung trong nhóm này được đăng tải liên quan đến việc rủ nhau đi cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng hay chỉ cách cướp sao cho không bị bắt.
Bình luận 0

Tham gia "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" rồi rủ nhau đi cướp

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 8/3, thông tin từ Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã phối hợp với công an các quận, huyện như Đông Anh, Tây Hồ, Cầu Giấy và Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội bắt giữ 2 đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm).

Các đối tượng gồm Trần Văn Hiếu (SN 1991, ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981, ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).

Hiếu và Tùng được xác định đã vào một chi nhánh ngân hàng ở phường Xuân Tảo để cướp tiền. Trong vụ cướp ngân hàng này, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Văn Hiếu là đối tượng cầm đầu.

Từ 2 cướp ngân hàng tại Hà Nội: Trong nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" có gì? - Ảnh 1.

Các đối tượng Nguyễn Thanh Tùng (trái) và Trần Văn Hiếu (phải) bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Bước đầu xác định, khoảng giữa tháng 2 vừa qua, Hiếu và Tùng quen biết nhau qua nhóm “hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội Facebook.

Cả 2 đều không có nghề nghiệp, đều nợ tiền của nhiều người, vì thế các đối tượng có ý định cướp tài sản để trả nợ.

Trước đó, công an TP Hà Nội đã bắt gọn nhóm trói chủ nhà, cướp điện thoại ở chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Nhóm cướp này gồm: Nguyễn Tùng Lâm (SN 1987, quê Hưng Yên), Tô Văn Tình (SN 1993, quê Quảng Ninh) và Lê Duy Dự (SN 1994, quê Thanh Hoá), được hình thành qua kết bạn trên mạng xã hội Facebook.

Từ 2 cướp ngân hàng tại Hà Nội: Trong nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" có gì? - Ảnh 2.

Các đối tượng quen nhau trên nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" đã táo tợn trói, cướp điện thoại của nạn nhân ở chung cư HH gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Dân Việt

Qua đấu tranh, nhóm cướp khai nhận, Tình, Lâm, Dự kết bạn với nhau thông qua nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" trên mạng xã hội Facebook.

Cả ba nhắn tin riêng, rủ nhau đi cướp tài sản của Thế giới Di động nhưng thấy cửa hàng này có nhiều camera nên từ bỏ ý định.

Chúng quyết định chuyển hướng sang cướp tài sản tại nhà anh N.T.A (nạn nhân ở chung cư HH Linh Đàm, người bị trói, cướp điện thoại), sau khi nắm được các thông tin qua việc anh này đăng bán điện thoại cũ trên mạng Internet.

Trong nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" có gì?

Từ những thông tin trên, phóng viên đã đăng kí tham gia nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" để xem nhóm này hoạt động thế nào?

Từ 2 cướp ngân hàng tại Hà Nội: Trong nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" có gì? - Ảnh 3.

Chỉ ít ngày sau vụ cướp nhóm này tăng từ 10.000 thành viên lên 13.500 thành viên và có hoạt động sôi nổi. Ảnh chụp màn hình.

Ngay sau vụ cướp tại Bắc Từ Liêm, nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" được đổi tên thành "hội những người vỡ nợ muốn làm Lều".

Chỉ ít ngày, nhóm này tăng từ 10.000 thành viên lên 13.500 thành viên, hoạt động rất sôi nổi.

Các thành viên trong nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm lều" thường xuyên đăng tải các bài viết với nội dung tiêu cực. Nội dung liên quan tới các hành vi trái pháp luật như đi cướp, thực hiện các phi vụ nếu thiếu tiền, nhảy xe ở nhà trọ, mua tiền giả, bán dâm, đánh bạc…

Chưa hết, một số thành viên trong nhóm còn chỉ cách cướp sao cho nhanh và không bị công an bắt.

Tài khoản có tên "Hoang Phong" ngày 8/3 đăng tải: "Mình có một khẩu AK và K54 cần 2 người ae thật liều 1 chiến, được ăn cả, ngã về ko".

Từ 2 cướp ngân hàng tại Hà Nội: Trong nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" có gì? - Ảnh 4.

Những bài viết này nhận được trăm lượt thích, lượt bình luận và lượt chia sẻ.

Một tài khoản khác có tên "Phú Nguyễn" đăng dòng trạng thái: "Có ý định nhưng chưa dám thực hiện. Cần đồng đội khu vực miền Bắc" kèm hình ảnh phòng giao dịch ngân hàng VietinBank.

Khi có người khuyên can, Facebook này táo tợn trả lời rằng: "Chuẩn bị đủ hết thiếu mỗi người nữa thôi. Ngân hàng này có 1 bảo vệ già rồi".

Những bài viết này nhận được trăm lượt thích, lượt bình luận và lượt chia sẻ.

Từ 2 cướp ngân hàng tại Hà Nội: Trong nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" có gì? - Ảnh 5.

Những dòng trạng thái mang tính kích động được đăng tải trong nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm lều". Ảnh chụp màn hình.

Là một thành viên trong nhóm, anh N.N.H (quê Thái Bình) cho biết, các thành viên thường xuyên đăng tải các bài viết có tính chất kích động. Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng đó là những dòng trạng thái đùa cợt nên vô tình hùa theo.

"Sau 1 - 2 vụ cướp vừa qua tôi cũng hùa theo mọi người vào nhóm. Mình vào cho vui nhưng tôi thấy với tâm lý 1 số người nếu thiếu nợ thật, việc họ nhắn tin riêng, rủ nhau đi trộm, đi cướp là điều hoàn toàn có thể xảy ra", anh H cho biết.

Một thành viên khác có tên T.V.P (quê Thanh Hóa) cho rằng, cơ quan chức năng cần có biện pháp can thiệp và xử lý sớm đối với những nhóm tương tự như nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm lều".

"Không chỉ riêng nhóm này mà còn nhiều nhóm khác trên mạng xã hội có nội dung xấu gây ảnh hưởng tới người xem, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, xóa bỏ những nhóm có nội dung không tốt trên mạng xã hội", anh P nói.

Từ 2 cướp ngân hàng tại Hà Nội: Trong nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" có gì? - Ảnh 6.

Bài đăng chỉ cách cướp ngân hàng trong nhóm. Ảnh chụp màn hình.

Ở góc độ tội phạm học, Tiến sĩ, Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu khẳng định, đây có thể là một nhóm sử dụng mạng xã hội để liên kết với nhau với mục tiêu là đi cướp tài sản, chính vì vậy nhóm này cần phải được ngăn chặn.

"Vụ án vừa xảy ra tại quận Hoàng Mai là một ví dụ điển hình. Khi một đối tượng gây án đứng trước rất nhiều nỗi sợ, nhưng khi từ 2 đối tượng trở lên thì tên này có thể làm chỗ dựa tinh thần cho tên kia khi chúng tương tác với nhau qua mạng xã hội.

Với đối tượng đã tham gia, rủ nhau đi cướp qua mạng xã hội như thế này thì khi tập hợp một số lượng đủ lớn có thể trở thành một băng nhóm cướp chuyên nghiệp. Đây là một diễn đàn vô cùng nguy hiểm chúng ta cần phải khẩn chương triệt phá, đánh sập và làm rõ các thành viên", ông Hiếu nêu ý kiến.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc lập ra nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều", từ đó có nhiều vụ cướp xảy ra là một điều đáng lên án.

"Nếu những người thành lập nhóm này chỉ với mục đích như một trò đùa, không nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào từ các thành viên đã thực hiện hành vi phạm tội, thì không có cơ sở để xử phạt họ.

Trường hợp những người lập nên hội nhóm này với mục đích kết nối tội phạm, khuyến khích cổ xúy thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cướp, thì trước hết có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng với hành vi cung cấp thông tin, kích động bạo lực trên mạng xã hội được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

Theo tôi, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, loại bỏ những nhóm như thế này để là trong lành môi trường mạng", ông Lực phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem