Trưởng ban bóng đá phong trào VFF Phạm Ngọc Tuấn: "Tôi muốn biến bóng đá 7 người thành "đặc sản" của Việt Nam"

Minh Đức (thực hiện) Chủ nhật, ngày 30/10/2022 13:10 PM (GMT+7)
Trước thềm Đại hội VFF khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2026), ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng ban bóng đá phong trào VFF, Tổng Giám đốc VietFootball đã bày tỏ quyết tâm phát triển bóng đá 7 người, giới thiệu ra quốc tế như một "đặc sản" của Việt Nam.
Bình luận 0

Hơn 1 tuần nữa, Đại hội VFF khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2026) sẽ diễn ra vào ngày 6/11 tại Hà Nội. Trong nhiệm kỳ VFF khóa VIII giai đoạn 2018-2022, bên cạnh sự thăng tiến, gặt hái thành công vang dội của bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá phong trào Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng ghi nhận.

Trong nhiệm kỳ tới, ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng ban bóng đá phong trào VFF, Tổng Giám đốc VietFootball - đơn vị sáng lập ra hệ thống Giải bóng đá phong trào Ngoại hạng Hà Nội (HPL) và phát triển lên quy mô toàn quốc như hiện nay; sẽ tiếp tục ứng cử vị trí Ủy viên Ban chấp hành VFF khóa IX.

Trả lời phỏng vấn Dân Việt, ông Phạm Ngọc Tuấn thẳng thắn nhìn nhận những gì đã làm được trong nhiệm kỳ 2018-2022 chỉ bằng một phần so với những ý tưởng, tâm huyết mà ông cùng các cộng sự vẫn đang ấp ủ, quyết tâm triển khai cho bóng đá phong trào Việt Nam.

Trưởng ban bóng đá phong trào VFF Phạm Ngọc Tuấn: "Tôi muốn biến bóng đá 7 người thành "đặc sản" của Việt Nam" - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng ban bóng đá phong trào VFF, Tổng Giám đốc VietFootball, Trưởng Ban tổ chức giải phát biểu tại Lễ ra mắt Giải bóng đá 7 người vô địch toàn quốc - Bia Saigon Cup 2022

Nhìn lại nhiệm kỳ 2018-2022, ông nhận thấy điều gì còn trăn trở nhất?

- Nhiệm kỳ VFF khóa VIII là một nhiệm kỳ đặc biệt khi giai đoạn 2020 - 2021 chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, hoạt động bóng đá phong trào trên cả nước gần như đóng băng. Trong tổng thể 4 năm của nhiệm kỳ, có nhiều việc làm được và cũng có những việc cần thêm thời gian và nguồn lực để hoàn thiện và làm tốt hơn nữa.

Tôi may mắn lần đầu được tham gia VFF khóa VIII trên cương vị Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban bóng đá phong trào cũng đã hết sức nỗ lực để phát huy vai trò của mình. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã cùng với các thành viên trong ban đã bắt tay vào xây dựng Chiến lược phát triển bóng đá phong trào Việt Namvà đưa ra kế hoạch hành động theo từng năm.

Chiến lược này sau đó được chuyển thành Đề án phát triển bóng đá phong trào với sự tham gia của chú Phạm Ngọc Viễn (PGS.TS Phạm Ngọc Viễn - nguyên Phó Chủ tịch VFF, Trưởng Ban Cấp phép VFF khóa VIII - PV) làm chủ biên. Đề án đã được soạn thảo và hiện tại đang dừng ở khâu phân tích số liệu thu thập được từ hơn 20 đơn vị, tỉnh thành, ngành trên toàn quốc.

Đề án này khi được hoàn thiện, sẽ là căn cứ quan trọng về định hướng, cơ chế, chính sách để bóng đá phong trào Việt Nam phát triển bài bản và mạnh mẽ hơn nữa.

Từ đề án, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những gì đã làm được và những gì có thể làm tốt hơn...?

- Về ý tưởng khi xây dựng Đề án, chúng tôi đã đưa ra các giải pháp để phát triển bóng đá phong trào Việt Nam đồng bộ ở nhiều hạng mục, từ bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng, phát triển các hệ thống giải bóng đá phong trào, hỗ trợ phát triển các liên đoàn bóng đá địa phương, hợp tác quốc tế, phát triển hệ thống sự kiện, truyền thông, công nghệ, nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất cho bóng đá phong trào. Ởmỗi mảng, đều có những việc đã làm được và có những việc cần hoàn thiện, đẩy mạnh hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.

Với bóng đá học đường, VFF nhiệm kỳ vừa qua đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhận được bằng khen của Bộ liên quan tới việc hợp tác, phát triển bóng đá học đường. Một số nơi như Liên đoàn bóng đá TP.HCM là điểm sáng, huy động được nguồn quỹ để triển khai sâu rộng. Nhưng về tổng thể, chúng ta cần có một chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động rõ ràng, cụ thể và dài hơi để phát triển bóng đá học đường mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn nữa.

Trưởng ban bóng đá phong trào VFF Phạm Ngọc Tuấn: "Tôi muốn biến bóng đá 7 người thành "đặc sản" của Việt Nam" - Ảnh 3.

Bóng đá học đường tại TP.HCM phát triển mạnh. Ảnh: BTC

Ai cũng nhìn thấy bóng đá học đường là rất quan trọng và cũng rất nhiều tiềm năng. Trên thế giới, đó chính là nền tảng xương sống của nhiều nền bóng đá phát triển. Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới, VFF sẽ tập hợp được nhiều nguồn lực, triển khai được những công việc liên quan tới bóng đá học đường tốt hơn.

Về bóng đá cộng đồng,đây là mảng những năm gầy đây có sự phát triển rất đáng ghi nhận. Hiện có rất nhiều trung tâm "mọc" lên ở nhiều nơi và làm tốt, gây tiếng vang, thu hút được nhiều học viên tham gia. Có thể kể đến nhiều trung tâm VietGoal, VJSS, Tuổi Trẻ, Blue Sky, HYS... Tuy nhiên, mảng này hiện phần lớn do tư nhân chủ động. Nếu có thêm sự định hướng, hỗ trợ, đào tạo, tiêu chuẩn hóa và kết nối từ VFF, chúng ta sẽ có thể tập hợp và phát triển thành phần bóng đá này mạnh mẽ và có hệ thống hơn nữa.

Về việc hỗ trợ các tổ chức thành viên, liên đoàn bóng đá địa phương liên quan tới bóng đá phong trào, trong nhiệm kỳ vừa qua Ban bóng đá phong trào VFF cũng đã tổ chức nhiều chương trình đi thăm, làm việc và có những hỗ trợ thiết thực. Những chương trình thế này cần được làm nhiều và thường xuyên hơn để VFF có thể hỗ trợ sâu hơn, thực chất hơn nữa cho các địa phương.

Về mảng hợp tác quốc tế, chúng tôi cũng đã tham gia chương trình bóng đá học đường của FIFA, sang thăm và làm việc với Ban bóng đá phong trào của AFC. Tiếp xúc và tìm hiểu mới thấy còn rất nhiều cơ hội, nguồn quỹ và cơ hội hợp tác phát triển cho bóng đá phong trào mà chúng ta có thể tranh thủ và phát huy từ các tổ chức bóng đá quốc tế.

Về mảng sự kiện, VFF đã phối hợp tổ chức được các sự kiện thường niên như Ngày hội bóng đá phong trào AFC, Ngày hội bóng đá Nữ AFC, giải Giao lưu quốc tế Việt Nhật ... Liên đoàn bóng đá TP HCM hàng năm tổ chức được rất nhiều festival bóng đá học đường... Chúng ta có thể phát huy để tổ chức Ngày hội bóng đá phong trào Việt Nam, Festival bóng đá học đường tại các tỉnh. Tổ chức hội thảo bóng đá phong trào cũng là việc rất nên làm, để những nơi làm tốt có thể chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời thu hút hơn nữa sự quan tâm và đầu của truyền thông, xã hội cho bóng đá phong trào trên phạm vi toàn quốc.

Về mảng truyền thông, những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều đơn vị truyền thông cho bóng đá phong trào với cách làm phong phú đa dạng. Việc các giải bóng đá phong trào được tường thuật trực tiếp trên Internet, được truyền thông sâu rộng đã góp phần thúc đẩy đời sống bóng đá Việt Nam thêm sống động.

Chúng ta có thể xây dựng thêm kênh riêng, chính thống cho bóng đá phong trào từ VFF và huy động các nhà bảo trợ truyền thông đồng hành. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ vừa qua, VFF đã bổ nhiệm được các đại sứ bóng đá phong trào là Công Vinh, Thành Lương, Ngọc Châm và Đỗ Kim Phúc, và chắc chắn cần thêm những kế hoạch cụ thể để phát huy vai trò, sứ mệnh của họ cho bóng đá phong trào trong tương lai.

Công nghệ cho bóng đá phong trào, cũng là mảng rất tiềm năng. Chúng tôi đã làm việc với nhiều đối tác, và sẽ thật tuyệt nếu trong tương lai gần, bóng đá phong trào Việt Nam có một ứng dụng công nghệ kiểu mạng xã hội bóng đá, ở đó tập hợp được người chơi, người xem và giúp họ các công cụ từ tổ chức giải, quản lý đội bóng đến xem và tương tác với các nội dung bóng đá ...

Về mảng nhân sự cho bóng đá phong trào, những việc cơ bản nhất như mở lớp trọng tài sơ cấp, HLV bóng đá phong trào tại các địa phương là rất thiết thực. Tôi muốn nhấn mạnh rằng các nước trong khu vực như Malaysia đã làm rất tốt vấn đề này khi họ tổ chức các lớp HLV bóng đá phong trào, họ tổ chức về từng địa phương, phối hợp chính quyền địa phương và liên đoàn bóng đá địa phương cùng làm. Mong thời gian tới các chương trình này sẽ được VFF triển khai cụ thể, sâu rộng hơn nữa trong thực tiễn.

Về mảng tài chính, bản thân tôi cũng là ủy viên của Ban tài chính và vận động tài trợ của VFF, từng kết nối để Bia Saigon trở thành nhà tài trợ của ĐTQG hay VietFootball phối hợp với VFF tổ chức giải Bóng đá bãi biển VĐQG nên cũng rất hiểu và chia sẻ những khó khăn.

Nguồn huy động phải ưu tiên cho rất nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là cho ĐTQG và bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những câu chuyện như Bia Saigon đầu tư cho giải bóng đá 7 người toàn quốc, Bia Huda đầu tư cho giải bóng đá bãi biển miền trung ... cho thấy hoàn toàn có thể tập hợp và huy động tốt hơn nữa nếu chúng ta tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh việc gây quỹ cho phát triển bóng đá phong trào.

Ở hệ thống giải bóng đá phong trào, mô hình giải bóng đá phong trào Ngoại hạng Hà Nội (HPL) và sau này phát triển tới quy mô toàn quốc, hình thành Giải bóng đá 7 người vô địch toàn quốc do VietFootball sáng lập và phát triển trong 10 năm qua là điều đáng tự hào...

- Đúng vậy. Với sự ủng hộ của Tổng cục TDTT, VFF, hệ thống giải 7 người đã phát triển rất tốt. Trong nhiệm kỳ VIII, năm 2021, Ban chấp hành VFF đã thông qua đề án tổ chức giải bóng đá 7 người vô địch quốc gia. Đó là căn cứ tốt để phát triển hơn nữa loại hình bóng đá 7 người ở Việt Nam.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy đây là loại hình dễ tập hợp, phát triển nhất và có số người chơi đông nhất ở Việt Nam. Nếu chúng ta đẩy mạnh được loại hình này, đó sẽ là nền tảng vững chắc phát triển bóng đá phong trào trên toàn quốc.

Trưởng ban bóng đá phong trào VFF Phạm Ngọc Tuấn: "Tôi muốn biến bóng đá 7 người thành "đặc sản" của Việt Nam" - Ảnh 5.

Vượt qua EOC, Đạt Tín FC đã vô địch Giải bóng đá 7 người toàn quốc Bia Saigon Cup 2022 (VPL-S3). Ảnh: Viết Niệm

Chúng ta có thể nghĩ tới việc đưa loại hình bóng đá 7 người do Việt Nam phát triển và giới thiệu ra khu vực, quốc tế. Nó cũng tương tự như các loại hình bóng đá khác như futsal, bóng đá bãi biển thôi... Ban đầu chỉ có 1 nước chơi sau đó phát triển. Tại sao Việt Nam không thể tiên phong phát triển một loại hình mang tính "đặc sản" của mình.

Hiện tại trên thế giới có rất nhiều liên đoàn bóng đá mini. Họ chơi 6 người, 7 người, 8 người, 9 người... Ở Thái Lan, thời gian qua có 1 đội từng thi đấu nhiều năm trong hệ thống của VietFootball là Gia Việt sang đó, ăn tập và giao lưu thi đấu gần 6 tháng, đoạt mấy Cúp khi chơi bóng đá 7 người, qua đó có thể nhìn nhận được sự phát triển của bóng đá 7 người nơi đây.

Thái Lan có nhiều giải hơn, tập hợp nhiều đội hơn, thể thức nhanh hơn, giải thưởng to hơn. Điều đó có được là do nền tảng phong trào của họ cũng rất tốt, có nhiều đội bóng chất lượng.

Việc phát triển sân chơi bóng đá 7 người của Việt Nam, từ toàn quốc ra khu vực và sau đó là quốc tế là rất tiềm năng và mang ý nghĩa lớn.

Trưởng ban bóng đá phong trào VFF Phạm Ngọc Tuấn: "Tôi muốn biến bóng đá 7 người thành "đặc sản" của Việt Nam" - Ảnh 6.

Ông Phạm Ngọc Tuấn bày tỏ quyết tâm hoàn thành Đề án phát triển bóng đá phong trào Việt Nam. Ảnh: Phạm Hưng

Câu hỏi cuối, những điều gì ông mong muốn nhất và sẽ quyết tâm làm nếu tiếp tục là Ủy viên Ban chấp hành VFF khóa IX?

- Có rất nhiều điều tôi muốn làm. Tuy nhiên cần xác định thứ tự ưu tiên và độ khả thi, nguồn lực, thế mạnh của mình để phát huy.

Đầu tiên phải hoàn thành Đề án phát triển bóng đá phong trào Việt Nam còn đang dang dở. Đó là sẽ là căn cứ quan trọng về định hướng, cơ chế, chính sách để bóng đá phong trào phát triển vững mạnh hơn trong thời gian dài.

Thứ hai, đưa bóng đá 7 người vào hệ thống thi đấu quốc gia với việc tổ chức Giải bóng đá 7 người VĐQG, từng bước phát triển ra khu vực và quốc tế. Việc gây dựng hệ thống giải bóng đá phong trào được quy chuẩn và thống nhất trên toàn quốc, phát triển ra tầm quốc tế sẽ là mũi nhọn giúp lan tỏa và truyền thêm cảm hứng, động lực và nguồn lực để phát triển các mảng khác của bóng đá phong trào.

Thứ ba, hoàn thiện việc nâng hạng bóng đá phong trào của Việt Nam từ hạng đồng lên hạng bạc theo hiến chương bóng đá phong trào của AFC. Lấy đó làm căn cứ để thực hiện các chương trình giúp bóng đá phong trào Việt Nam hoàn thiện và phát triển ở từng tiêu chí trong thực tiễn, chứ không chỉ là trên bề mặt hồ sơ.

Xin cảm ơn ông và chúc bóng đá phong trào Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, ổn định trong tương lai, tạo chân đế vững chắc cho sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem