Thái Nguyên: Trồng giống sâm quý thu từ hoa đến củ, chị nông dân bán củ quý từ Bắc vào Nam

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ ba, ngày 16/08/2022 13:00 PM (GMT+7)
Vượt qua cơn bạo bệnh, chị Nguyễn Thị Hằng (xóm Làng Huyện, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã mày mò trồng giống sâm bố chính. Hiện sản phẩm sâm bố chính của chị Hằng đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, được khách hàng ủng hộ và đánh giá cao về chất lượng.
Bình luận 0

Clip: Chị Nguyễn Thị Hằng, (xóm Làng Huyện, xã Vô Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về quá trình đến với cây sâm bố chính (Clip: Hà Thanh).

Bén duyên với sâm bố chính

Năm 2004, chị Nguyễn Thị Hằng rời quê hương Thái Bình để lên Thái Nguyên, rồi lập gia đình và gây dựng sự nghiệp tại đây.

Năm 2016, chị được chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận và có thể phải sống chung với căn bệnh cả đời. May mắn, nhờ sự giới thiệu của những người quen, chị đã được một thầy thuốc Đông y ở Bắc Giang chữa khỏi căn bệnh này.

Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh, do thể trạng còn yếu và không thể tiếp nhận nguồn thức ăn giàu chất đạm nên cơ thể chị Hằng ngày càng gầy yếu. Để cải thiện sức khỏe, chị tìm hiểu về sâm bố chính và nhận thấy sức khỏe có sự cải thiện rõ rệt sau thời gian sử dụng.

Thái Nguyên: Sau cơn bạo bệnh, người phụ nữ đã mày mò và trồng thành công giống sâm quý - Ảnh 2.

Chị Hằng bắt tay vào trồng sâm bố chính sau khi thấy những công dụng tuyệt vời mà loại sâm này mang lại. (Ảnh: Hà Thanh)

Cũng chính từ đó, chị Hằng quyết định bắt tay vào trồng loại sâm quý này.

Ban đầu chị trồng sâm bố chính chỉ với mục đích để phục vụ bản thân. Sau khi thấy những công dụng tuyệt vời mà loại sâm này mang lại, chị đã phát triển diện tích lớn dần lên rồi đem tặng cho bạn bè, người thân để họ sử dụng.

Thêm một điều tuyệt vời nữa, qua hai năm sử dụng sâm bố chính, chị Hằng lại đón nhận thêm tin vui sau 15 năm bị vô sinh thứ phát. Điều đó càng thôi thúc chị Hằng nhân rộng mô hình này để giúp ích cho nhiều người khác.

Đến năm 2018, chị Hằng chính thức trồng sâm bố chính với số lượng lớn để phân phối ra thị trường. Ngoài trồng trên diện tích đất của gia đình, chị Hằng còn liên kết với nhiều hộ dân trong vùng trên cơ sở hỗ trợ họ cây giống, phân bón và kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm giúp bà con.

Thái Nguyên: Sau cơn bạo bệnh, người phụ nữ đã mày mò và trồng thành công giống sâm quý - Ảnh 3.

Chị Hằng liên kết với nhiều hộ dân trong vùng trồng sâm bố chính và nhận bao tiêu đầu ra cho sản phẩm của bà con (Ảnh: Hà Thanh)

Sâm bố chính giống được chị Hằng nhập từ Quảng Bình về trồng vì đây là vùng đất khởi nguồn của giống sâm này.

Theo chị Hằng, sâm bố chính có hàm lượng dược tính cao gồm canxi thực vật và đầy đủ 17 loại axit amin, trong đó có 9 axit amin thiết yếu để tạo miễn dịch cho cơ thể. Đây là loại sâm duy nhất trên thế giới có chứa chất nhầy được ví như một loại collagen tự nhiên vô cùng tốt cho da, tóc, mắt và xương khớp.

Loại sâm này gần như phù hợp với tất cả mọi người, có nhiều công dụng như ổn định huyết áp, tốt cho hệ tiêu hóa và tốt cho sự phát triển của trí não, chiều cao, miễn dịch của trẻ em.

Thị trường tiêu thụ sâm bố chính ổn định từ Bắc vào Nam

Chị Hằng cho biết, ban đầu trồng thử nghiệm không thành công, toàn bộ số sâm chị trồng vụ đầu tiên đều mất trắng.

Không nản lòng, chị thay đổi cách thức trồng và chăm sóc sâm bố chính cho phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Thái Nguyên. Chị vừa trồng, vừa nghiên cứu, vừa rút kinh nghiệm.

Đến năm 2021, chị mới tự tin để phát triển cây sâm bố chính trên diện tích 10ha, và đến năm nay, chị đã liên kết với bà con trong vùng phát triển diện tích lên 20ha. Dự kiến trong thời gian tới, chị Hằng sẽ phát triển diện tích trồng sâm bố chính lên 50ha.

Thái Nguyên: Sau cơn bạo bệnh, người phụ nữ đã mày mò và trồng thành công giống sâm quý - Ảnh 4.

Sâm bố chính được chị Hằng trồng theo hướng hữu cơ nên an toàn cho người sử dụng. (Ảnh: Hà Thanh)

Chị Hằng chia sẻ, sâm bố chính phù hợp với chất đất đồi và chất đất pha cát và thời điểm trồng phù hợp nhất là vào mùa xuân.

Vào mùa mưa, sâm bố chính thường bị các bệnh chủ yếu như nấm, rệp sáp, tuyến trùng. Tuy nhiên, khác với nhiều loại cây trồng, loại sâm này khó có thể phát hiện bệnh trên lá. Một khi cây mắc bệnh thường lây lan nhanh và rất khó chữa. Do đó, người trồng chủ yếu phòng bệnh là chính.

Quy trình trồng sâm bố chính cũng giống như nhiều loại cây trồng khác. Trước khi trồng cần tiến hành xử lý đất bằng vôi và vi sinh, sau đó bón bằng các loại phân ủ hữu cơ.

Thời gian sinh trưởng của sâm bố chính kéo dài từ 1 - 2 năm tùy theo nhu cầu sử dụng của từng đối tượng. Thông thường, 1ha sâm bố chính sẽ thu hoạch được khoảng 3 – 4 tấn củ. Ngoài củ, sâm bố chính còn cho thu hoạch hoa với sản lượng trung bình khoảng 1 tấn/ha.

Thái Nguyên: Sau cơn bạo bệnh, người phụ nữ đã mày mò và trồng thành công giống sâm quý - Ảnh 5.

Hoa sâm bố chính được sử dụng để làm trà sâm (Ảnh: Hà Thanh)

Hiện tại, hoa sâm bố chính được chị Hằng chế biến làm trà phục vụ cho nhu cầu của khách hàng. Còn củ sâm bố chính được chế biến thành các sản phẩm như bột sâm, sâm khô lát, cao sâm. Củ sâm tươi được bán với giá dao động từ 500.000 – 1.200.000 đồng/kg.

Trong thời gian tới, chị Hằng sẽ cho ra đời thêm 2 - 3 sản phẩm tinh như sản phẩm chuyên biệt phục vụ nhu cầu sinh lý của nam giới, hoặc nội tiết cho nữ và sản phẩm dành cho trẻ em.

Đến thời điểm này, sản phẩm của chị Hằng đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước thông qua hình thức bán online là chủ yếu. Sản phẩm được người tiêu dùng ủng hộ và đánh giá cao về chất lượng mà giá cả lại phải chăng.

Trong tương lai, chị Hằng dự định sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sâm bố chính với tên gọi Vinasa. Hiện chị Hằng đang làm hồ sơ để đăng ký OCOP cho sản phẩm sâm bố chính trong thời gian tới. Ngoài ra, chị Hằng sẽ phát triển mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm tại đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem