Trồng khoai lang lỗ nặng, Chủ tịch huyện Bình Tân khuyên người dân tạm thời chuyển sang trồng lúa (bài 4)

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 22/06/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trước tình trạng giá khoai lang giảm mạnh trong nhiều năm liền, Chủ tịch huyện Bình Tân (Vĩnh Long) khuyến khích người dân chuyển diện tích trồng khoai lang tím sang trồng lúa tạm thời.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tập - Chủ tịch UBND huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho rằng, trước tình trạng giá khoai lang giảm mạnh, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi trên 13.000 ha sang trồng lúa và một số cây trồng khác.

Ông Nguyễn Văn Tập - Chủ tịch UBND huyện Bình Tân (Vĩnh Long) chia sẻ về định hướng của địa phương trước tình trạng diện tích vùng trồng khoai lang giảm mạnh. Video: Huỳnh Xây

Tuy nhiên, theo ông Tập, ông khuyến khích trồng lúa tạm thời bởi đây là loại cây có thời gian trồng ngắn. Đến lúc nào đó, giá khoai lang tăng, người dân dễ dàng quay lại trồng khoai. Còn nếu bà con nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái (có thời gian trồng lâu năm - PV) thì không thể trồng khoai trở lại.

Ông Tập nói: "Trước đây, bà con huyện Bình Tân phần lớn trồng lúa. Do giá khoai tăng, trồng khoai lang có lời nên người dân chuyển sang trồng khoai lang, nhất là khoai lang tím. Giờ quay lại trồng lúa rất phù hợp, năng suất lúa không bị ảnh hưởng".

Theo ông Tập, thời điểm 2018, diện tích trồng khoai lang huyện Bình Tân có lúc vượt 14.000 ha. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn hơn 700ha (giảm trên 6.300 ha so với cùng kỳ năm 2021). Từ đây, đến cuối năm 2022, dự kiến diện tích trồng mới thêm 500ha nữa.

Bài 4: 'Nỗi đau' vùng trồng khoai lớn nhất miền Tây: Vì sao khuyến khích người dân chuyển sang trồng lúa? - Ảnh 1.

Nông dân huyện Bình Tân chuyển đất trồng khoai sang trồng lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

Mặc dù diện tích khoai lang Bình Tân giảm mạnh theo từng năm, hiện nay vẫn chưa có tín hiệu giá tăng trở lại, tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho rằng, cương quyết giữ vùng nguyên liệu khoai lang (cây trồng chủ lực của huyện).

Để làm được điều này, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết, huyện chỉ đạo ngành chức năng đã và đang vận động người dân cố gắng giữ đất trồng khoai bằng cách chuyển đổi sang trồng lúa tạm thời như đã nói ở trên. Khi có điều kiện, người dân sẽ chuyển lại trồng khoai lang, hình thành vùng nguyên liệu như trước đây.

Đồng thời, phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long xúc tiến đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số 8 vùng trồng (tập trung ở 2 xã Tân Thành và Thành Trung) để thuận lợi cho việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, nếu khoai lang tím được Trung Quốc cho phép qua đường chính ngạch.

Huyện Bình Tân cũng kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ hiện phục tráng giống khoai lang bằng phương pháp cấy mô, nghiên cứu các chế phẩm sinh học để quản lý dịch hại trên cây khoai lang.

"Ngoài ra, địa phương cũng hướng đến phát triển du lịch gắn với nông nghiệp như cho du khách tham quan, trải nghiệm trồng, thu hoạch khoai lang và được thưởng thức khoai tại chỗ…" - ông Tập nói.

Ông Nguyễn Văn Tập - Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, khoai lang tím xuất khẩu chỉ ngon và chất lượng nhất khi được trồng tại địa phương. Đó là lí do vì sao có thời gian diện tích và sản lượng khoai lang tím ở huyện Bình Tân tăng rất cao, trở thành vùng trồng khoai lang lớn nhất miền Tây.

Cũng theo ông Tập, thời gian qua, nhiều địa phương khác ở ĐBSCL cũng có trồng khoai lang tím xuất khẩu nhưng diện tích không lớn. Một số người dân địa phương đi nơi khác thuê đất trồng khoai lang nhưng sau đó vẫn phải quay về Bình Tân trồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem