Trí thức Hà Nội và dấu ấn trong Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9

Trần Viết Nghĩa Thứ hai, ngày 02/09/2019 08:30 AM (GMT+7)
Khi thời cơ ngàn năm có một xuất hiện, trí thức Hà Nội đã chủ động cùng lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiến tới lễ Quốc khánh 2/9 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Bình luận 0

Thế bế tắc trong tìm đường cứu nước được khai thông

Một trong những lực lượng quyết định thắng lợi cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội là trí thức. Từ năm 1940, nhiều trí thức Hà Nội tụ tập vào các nhóm, tổ chức và đảng phái chính trị khác nhau như nhóm Hàn Thuyên, Tri Tân, Thanh Nghị; tổ chức Hướng đạo sinh, Tổng hội sinh viên Đông Dương, Jacquin; đảng Đại Việt Duy dân, Quốc dân Đảng... Có những trí thức bị Pháp, Nhật lợi dụng trở thành tay sai cho chúng. Có nhóm bộc lộ tình yêu nước công khai nhưng có nhóm thầm kín. Sự đa dạng tư tưởng chính trị làm cho trí thức Hà Nội chưa tìm được tiếng nói chung.

Đúng lúc trí thức Hà Nội đang rối bời, bế tắc trong việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh đã kịp thời đến với họ. Hội học sinh cứu quốc của Việt Minh ở Hà Nội đã thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh ở các trường Bưởi, Văn Lang, Thăng Long, Gia Long, Đỗ Hữu Vị và Đồng Khánh. Nhiều học sinh, sinh viên tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội. Một số thủ lĩnh của Tổng hội sinh viên như Dương Đức Hiền, Nguyễn Dương Hồng và Cù Huy Cận đã nghiêng về Việt Minh.

Năm 1944, Đảng Dân chủ ra đời. Những người gia nhập đảng này ở Hà Nội chủ yếu là học sinh, sinh viên, thầy giáo, bác sĩ, nhà báo, văn nghệ sĩ. Tờ Độc lập là cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ do nhạc sĩ Văn Cao và Nguyễn Đình Thi phụ trách. Nhiều đảng viên Dân chủ tự coi là người của Việt Minh.

Trí thức Hà Nội bị phân hóa sau sự kiện quân Nhật đảo chính quân Pháp đêm ngày 9/3/1945. Một số người ảo tưởng vào nền độc lập giả hiệu mà Nhật tuyên bố vừa giành lại cho người Việt Nam nên tỏ rõ xu hướng thân Nhật. Phan Anh và Hoàng Xuân Hãn rời báo Thanh Nghị ở Hà Nội vào Huế tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim.

img

GS Ngụy Như Kon Tum đứng cạnh Bác Hồ trong buổi Bác Hồ về nói chuyện với thầy và trò trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1958). Ảnh tư liệu

Tháng 5/1945, Tân Việt Nam Hội ra đời ở Hà Nội. Hội tập hợp được nhiều trí thức danh tiếng như Đào Duy Anh, Phạm Đỗ Bình, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hữu Chương, Đỗ Đức Dục, Ngô Thúc Địch, Trần Khánh Giư, Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Trần Duy Hưng, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Lân, Vũ Đình Liên, Phạm Lợi, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Quang Oánh, Tôn Quang Phiệt, Phạm Khắc Quảng, Phan Huy Quát, Ngô Bích San, Nguyễn Hữu Tảo, Hoàng Thúc Tấn, Vũ Đình Tụng, Lê Quốc Túy, Nghiêm Xuân Thiện, Nguyễn Đình Thụ, Hoàng Phạm Trân, Bùi Như Uyên, Lê Huy Vân, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm.

Tân Việt Nam Hội chấp nhận đặt nền độc lập của nước Việt Nam trong khối Đại Đông Á của Nhật.

Xu hướng ngả về Việt Minh của trí thức Hà Nội sau ngày Nhật đảo chính Pháp ngày càng mạnh mẽ. Đoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu ra đời. Tổng hội sinh viên tổ chức lễ kỷ niệm giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng gây được tiếng vang lớn trong dư luận ở Hà Nội.

Đoàn thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu tổ chức diễn thuyết tại trường Kỹ nghệ, Thăng Long và Văn Lang. Khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”, “Ủng hộ Việt Minh” vang lên ở các trường học đã kích thích học sinh hăng hái tham gia Việt Minh.

Đại diện Việt Minh còn đột kích vào các rạp chiếu bóng Majestic, Eden, Philharmonique, Olympia và Quảng Lạc để tố cáo tội ác của giặc Nhật và tay sai cho khán giả biết. Đội Danh dự ám sát những tên Việt gian khét tiếng ở Hà Nội để gây thanh thế cho Việt Minh.

Ngày 15/8/1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Tình thế cách mạng đã xuất hiện ở Hà Nội. Hồ Hữu Tường, một thủ lĩnh Tờ rốt kít ở Hà Nội, đã liên hệ với Lê Trọng Nghĩa, Xứ ủy Bắc Kỳ để đưa những người muốn tham gia vào Việt Minh.

Họ tẩy chay và chống lại Chính phủ Trần Trọng Kim. Vũ Đình Hòe và Đỗ Đức Dục, thủ lĩnh nhóm Thanh Nghị, gia nhập Đảng Dân chủ và được mời đi dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, Tuyên Quang. Vua Bảo Đại mời Việt Minh tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng bị Việt Minh từ chối.

Chiều 17/8, cuộc mít tinh của Tổng hội Công chức tại Nhà hát lớn Hà Nội để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim vừa mới bắt đầu, một nhóm Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu đã xông lên giành lại diễn đàn.

Chị Trang Anh, một đại diện Việt Minh, đã tố cáo tội trạng của bọn Việt gian, kêu gọi dân chúng Hà Nội đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Việt Minh, tiến lên giành độc lập. Nguyễn Khoa Diệu Hồng - cô gái mặc áo dài màu huyết dụ, nói giọng Huế, đội viên Đội tuyên truyền Đảng Dân chủ, đã lên đọc lời hiệu triệu cứu nước của Việt Minh.

Trong khi chị Diệu Hồng đang diễn thuyết, Trần Lâm bất ngờ thả một lá cờ đỏ sao vàng lớn từ nóc Nhà hát lớn. Lá cờ bung ra che phủ gần hết hai tầng nhà hát. Ở phía dưới hàng trăm lá cờ được phất lên. Những tiếng hô: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập” vang lên không ngớt. Sau đó quần chúng diễu hành qua nhiều khu phố ở Hà Nội hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh.

Tối 17/8, nhận thấy thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi, Thành ủy Hà Nội quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8. Chính quyền ở Hà Nội và Bắc Bộ lúc này rơi vào tay Đảng Đại Việt thân Nhật. Đảng này muốn Việt Minh hợp tác với Chính phủ Trần Trọng Kim, trong khi Việt Minh muốn lật đổ chính phủ này.

Hâm nóng bầu nhiệt huyết yêu nước

Sáng 19/8, nhiều trí thức Hà Nội cùng quần chúng nhân dân xuống đường khởi nghĩa giành chính quyền. Chiều 19/8, cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội thành công rực rỡ. Không khí hân hoan tràn ngập khắp phố phường Hà Nội.

Ngày 20/8, chính quyền mới ra mắt nhân dân Hà Nội. Nguyễn Khang làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ. Lê Trọng Nghĩa và Nguyễn Duy Thân là Ủy viên. Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội do Nguyễn Huy Khôi (Trần Quang Huy) làm Chủ tịch.

Những người lãnh đạo thành phố trẻ tuổi quá nên một số trí thức chưa yên tâm. Lê Trọng Nghĩa liền đi mời một số nhân sĩ, trí thức tham gia chính quyền mới để gánh vác việc nước. Anh đến gặp nhóm trí thức độc lập hay tụ tập ở nhà bác sĩ Nguyễn Văn Luyện ở phố Lý Thường Kiệt, gặp các huynh trưởng Hướng đạo sinh, những trí thức làm nghề tự do như bác sĩ Trần Duy Hưng, kỹ sư Vũ Như Hùng.

Nhiều người hoan nghênh và chân thành ủng hộ Việt Minh. Nguyễn Văn Tố, Hội trưởng Hội truyền bá chữ Quốc ngữ Nguyễn Văn Tố, sẵn sàng nhận bất cứ công việc gì mà Việt Minh giao.

Ngay sau khi khởi nghĩa thành công, Tổng hội sinh viên xin gia nhập Việt Minh và đổi tên thành Tổng hội sinh viên cứu quốc. Tổng hội triệu tập một cuộc họp có sự tham gia của nhiều trí thức danh tiếng ở Hà Nội để biểu thị sự ủng hộ Việt Minh.

img

Giáo sư Nguyễn Xiển vinh dự được đứng cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đoàn Chủ tịch kỳ họp Quốc hội năm 1957. Ảnh tư liệu

Ngay sau buổi họp, Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Văn Huyên và Hồ Hữu Tường đã cùng nhau đánh một bức điện vào Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Trong hồi ký của mình, GS Nguyễn Xiển nhớ lại: “Ngày 22/8, bốn trí thức có tên một cách áp đặt và bất đắc dĩ trong danh sách Hội đồng tư vấn của Chính phủ Trần Trọng Kim là Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường và tôi bàn với nhau nên đánh điện vào Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị, giao cho Việt Minh thành lập chính phủ để tránh nội chiến. Bức điện ấy do Hồ Hữu Tường và tôi thảo ra và đích thân ra Bưu điện Bờ Hồ gửi đi; có sự đồng ý và tán thưởng của hai anh em Nguyễn Văn Huyên và Ngụy Như Kon Tum”.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (thứ hai, từ trái sang) trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán tại Fontainebleau (Pháp) năm 1946. Ảnh: Tư liệu

GS Nguyễn Xiển viếp tiếp Xin nói thêm chúng tôi tự động gửi bức điện trên coi như phản ánh nguyện vọng của đại bộ phận tri thức Trung, Nam, Bắc (Nguyễn Văn Huyên là người Bắc, Hồ Hữu Tường quê trong Nam, Ngụy Như Kon Tum và tôi ở Trung Kỳ”. Chúng tôi được ghi nhận là “Nhóm bốn người đánh điện” (les quatre telégraphites) nhưng hiểu rằng Cách mạng Tháng Tám là sự nghiệp của toàn dân vùng lên giành chính quyền từ tay Nhật và đánh đổ triều đình phong kiến nhà Nguyễn, cử chỉ của chúng tôi chỉ là góp thêm một tác động nhỏ về chính trị ở một tình thế đã chín muồi”. 

Bức điện rất ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy đủ thông điệp: “Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập, Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất trên nền độc lập nước nhà”.

Ngày 24/8/1945, một cán bộ đến mời GS Nguyễn Xiển lên gặp Ủy ban dân tộc giải phóng và được ông Võ Nguyên Giáp đề nghị làm Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính trong Chính phủ lâm thời nhưng ông từ chối với lý do chưa làm được gì cho cách mạng, “mới chỉ gửi điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị mà nhận một ghế Bộ trưởng thì dễ mang tiếng cơ hội”.

Nhưng ngày hôm sau, lại có người đến gọi ông Nguyễn Xiển đến gặp Hồ Chủ tịch. Bác Hồ nói với GS Nguyễn Xiển rất ngắn gọn, đại ý là: Đã là trí thức yêu nước thì phải nhận trách nhiệm trước lịch sử, không nhận làm Bộ trưởng thì phải nhận Ủy ban hành chính Bắc Bộ… Cảm động trước tấm lòng của Bác, GS Nguyễn Xiển đã nhận lời. Ngày 28/8/1945, Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân Bắc Bộ do GS Nguyễn Xiển làm Chủ tịch.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời khắc lịch sử linh thiêng của đất nước, cô nữ sinh Dương Thị Thoa trường Đồng Khánh ở Hà Nội và cô nữ du kích Đàm Thị Loan ở miền núi đã vinh dự được cử lên lễ đài kéo cờ Độc Lập.

Trí thức Hà Nội tuy đi theo những xu hướng chính trị khác nhau nhưng có chung khát vọng là làm sao cho nước nhà được độc lập, tự do. Họ hăng hái theo Đảng, tham gia Việt Minh để cứu dân, cứu nước thoát khỏi thảm cảnh nước sôi lửa nóng.

Trí thức trẻ đóng vai trò nòng cốt, tiên phong trong các hoạt động đấu tranh của trí thức Hà Nội. Họ đã hâm nóng bầu nhiệt huyết yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm trong lòng trí thức nói riêng, người Hà Nội nói chung tưởng như đã nguội lạnh sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại năm 1930.

Khi thời cơ ngàn năm có một xuất hiện, trí thức Hà Nội đã chủ động cùng lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong khi chị Diệu Hồng đang diễn thuyết, Trần Lâm bất ngờ thả một lá cờ đỏ sao vàng lớn từ nóc Nhà hát lớn. Lá cờ bung ra che phủ gần hết hai tầng nhà hát. Ở phía dưới hàng trăm lá cờ được phất lên. Những tiếng hô: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập” vang lên không ngớt. Sau đó quần chúng diễu hành qua nhiều khu phố ở Hà Nội hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem