Trẻ nhỏ bị bỏng, nhập viện cấp cứu vì xông hơi trị Covid-19

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 21/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trước việc hỗ trợ điều trị Covid-19 bằng cách xông hơi bằng hỗn hợp chanh, gừng, sả,… đang được nhiều người dân Hà Nội áp dụng, bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo có trường hợp trẻ nhỏ bị bỏng phải nhập viện cấp cứu.
Bình luận 0

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành đang tăng nhanh. Trong số đó có rất nhiều trẻ nhỏ trở thành F0. Cách xông bằng hỗn hợp chanh, gừng, sả,… đang được nhiều người dân áp dụng.

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị V.K.A. (31 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có 5 thành viên nhiễm Covid-19. Trước đó chị K.A. cùng con gái dương tính SARS-CoV-2. Sau đó, thêm chồng cùng con trai và em trai chị nhiễm Covid-19.

Bác sĩ cảnh báo trẻ nhỏ bị bỏng nhập viện cấp cứu vì xông hơi điều trị Covid-19 - Ảnh 1.

Nguyên liệu chanh, gừng, sả, tỏi mọi người hay dùng để xông mũi họng cho F0. Ảnh: Gia Khiêm

Chị K.A cho hay, vì bệnh "ập đến quá bất ngờ" nên không kịp chuẩn bị mua thảo dược xông hơi. Chị nhờ hàng xóm mua gừng, sả, tỏi, chanh rồi cho tất cả hỗn hợp vào nồi, đun sôi xong mỗi ngày xông toàn thân 2,3 lần sáng trưa hoặc tối.

Bác sĩ cảnh báo trẻ nhỏ bị bỏng nhập viện cấp cứu vì xông hơi điều trị Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều trẻ nhiễm Covid-19 được cha mẹ đun chanh, sả, gừng, tỏi xông mũi, họng. Ảnh: Gia Khiêm

"Xông xong cảm giác cơ thể toát mồ hôi dễ chịu và nhẹ đầu hơn. Cứ thế gia đình tôi thay phiên cả vợ chồng con cái đều xông", chị K.A. nói.

Trao đổi với PV Dân Việt, anh M.N (trú tại khu chung cư quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ngày 20/2, đại diện khu dân cư toà nhà đăng tải thông tin lên nhóm cư dân thông báo về việc một trẻ nhỏ không may bị bỏng chân tay cùng một số bộ phận trên cơ thể. 

 “Đại diện ban quản lý chung cư thông báo, nhắc nhở các gia đình hiện nhu cầu dùng nước xông rất nhiều lưu ý cần tránh xa trẻ em. Tại khu chung cư của tôi có cháu bé 2 tuổi bị bỏng nặng hết tay chân phải nhập viện điều trị rất thương và nguy hiểm”, anh M.N chia sẻ.

Trẻ nhỏ bị bỏng, nhập viện cấp cứu vì xông hơi trị Covid-19 - Ảnh 3.

Một cháu bé 2 tuổi không may ngã vào nồi nước xông tại khu chung cư ở Hà Nội. Ảnh: NDCC

Về vấn đề này, bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, tình nguyện viên điều trị mẹ và bé F0 tại nhà cho biết, ngày 18/2, anh vừa cấp cứu một bệnh nhi bị bỏng do xông người điều trị Covid-19.

Bác sĩ Cường khuyến cáo, các F0 chỉ nên xông phòng, tuyệt đối không trùm chăn gây bỏng toàn thân trẻ em. Các bé nhỏ hơn 30 tháng không được xông trực tiếp, còn người lớn có thể xông mặt.

Để xử trí bỏng ở trẻ em, bác sĩ Cường cho hay, đầu tiên phải loại bỏ tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt, đưa trẻ ra khỏi vùng ảnh hưởng. Cha mẹ cởi bỏ quần áo (đang có nước nóng), đặc biệt là vùng da bỏng để làm mát ngay bằng nước sạch, mát (khoảng 15 - 20 độ C là tốt nhất) ít nhất 20 - 30 phút để giảm bỏng ăn sâu vào da, giảm đau và sưng viêm. Tuyệt đối không dùng đá hoặc nước đá lạnh.

Bước 2, cha mẹ giữ vết bỏng sạch, thoáng, có thể băng nhẹ để giảm đau tại chỗ và ngăn ngừa bụi bẩn nhưng tuyệt đối không tự ý bôi thuốc, hóa chất lên vết bỏng (như kem đánh răng,...). Bác sĩ lưu ý phụ huynh nên sử dụng băng gạc vô khuẩn để tránh nhiễm trùng.

Bác sĩ cảnh báo trẻ nhỏ bị bỏng nhập viện cấp cứu vì xông hơi điều trị Covid-19 - Ảnh 3.

Trẻ nhỏ nhiễm Covd-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hồi tháng 1/2022. Ảnh: Gia Khiêm

Sau đó, cha mẹ cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nhiều nước (hoặc oresol) để tránh mất nước, sốc do bỏng. Nếu trẻ còn tỉnh táo, cha mẹ đưa con đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất. Nếu trẻ bị sốc cần bế đầu cao, nghiêng 1 bên tránh trào ngược thức ăn vào khí quản.

Bên cạnh việc cấp cứu xử lý khi bị bỏng, cha mẹ cũng cần động viên tinh thần, an ủi tránh trẻ bị hoảng loạn, quấy khóc, gây khó khăn trong việc điều trị.

Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, xông hơi, đánh gió không có tác dụng tiêu diệt virus, chỉ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên nếu xông, đánh gió quá nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp.

Theo bác sĩ Hoàng, F0 chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên nhiều hơn 1 lần mỗi ngày. Nếu ngạt mũi nhiều, người bệnh nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, dùng thuốc co mạch tại chỗ như Otrivin hay Coldi-B, và cũng chỉ nên xông mỗi ngày 1 lần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem