Tranh chấp tại dự án đường sách cà phê Buôn Ma Thuột: Một doanh nghiệp cầu cứu lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk

Ngọc Giàu Thứ hai, ngày 08/05/2023 15:02 PM (GMT+7)
Không được ký lại hợp đồng thuê mặt bằng tại đường sách cà phê Buôn Ma Thuột sau khi hết hạn thuê, một doanh nghiệp đã gửi đơn cầu cứu đến Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đắk Lắk và treo băng rôn "cầu cứu" tại đường sách cà phê Buôn Ma Thuột.
Bình luận 0

Sáng 8/5, ông Hoàng Danh Hữu- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE (Công ty Nông trại EDE) - đơn vị thuê mặt bằng tại đường sách cà phê Buôn Muột, đã gửi đơn cầu cứu tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị liên quan.

Doanh nghiệp cầu cứu sau khi đổ vốn đầu tư vào Dự án Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột - Ảnh 1.

Công ty Ede treo băng rôn tại đường sách cà phê Buôn Ma Thuột - Ảnh: Ngọc Giàu

Theo ông Hữu, sáng 8/5, đơn vị vận hành đường sách cà phê Buôn Ma Thuột là Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Công ty Đường sách) đã cắt điện của gian hàng khiến công ty có nguy cơ thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì socola bị chảy vì trời nóng.

Trước đó, Công ty Đường sách đã có thông báo không chấp nhận đề nghị tái ký hợp đồng mà Công ty Nông trại EDE đưa ra, đồng thời nhiều lần ra thông báo yêu cầu di dời tài sản ra khỏi đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Trong văn bản mới nhất (ngày 5/5/2023), Công ty Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột đã "thông báo ngừng cung cấp dịch vụ thu hộ chi hộ của Công ty Đường sách đối với dịch vụ sử dụng điện tại cửa hàng của Công ty TNHH Nông trại Ede đến hết ngày 7/5/2023... Mọi thiệt hại về hàng hoá, tài sản của Công ty TNHH Nông trại Ede ngay sau khi ngừng cung cấp dịch vụ điện Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột sẽ không chịu trách nhiệm".

Cũng tại thông báo này, Công ty Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột yêu cầu Công ty TNHH Nông trại Ede di dời toàn bộ tài sản, hàng hoá và trả lại mặt bằng.  

Ông Hoàng Danh Hữu - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE đã gửi đơn cầu cứu đến các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk - Video: Ngọc Giàu

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Hữu cho biết, tới mức đường cùng mới phải treo băng rôn cầu cứu lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan liên quan.

Ông Hữu thông tin, năm 2018 ông đã thoả thuận thuê 1 gian hàng tại đây và đầu tư hơn 500 triệu đồng để kinh doanh (hợp đồng từ ngày 10/1/2019 đến 31/12/2021). Tuy nhiên, gian hàng hoạt động một thời gian thì gặp dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến mọi hoạt động ngưng trệ, công ty lỗ gần 1 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hữu, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ông nhận thấy đơn vị vận hành là Công ty Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột không thực hiện đúng các cam kết về việc tổ chức các hoạt động nhằm thu hút khách nên ông có ý kiến. Cũng từ đây, ông bị Công ty Đường sách liên tục ra thông báo di dời tài sản ra khỏi đường sách cà phê Buôn Ma Thuột vì nợ tiền mặt bằng.

"Tại cuộc họp ngày 17/3 do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk chủ trì, Công ty Đường sách báo cáo có nhiều đơn vị thuê mặt bằng đang nợ tiền thuê mặt bằng chứ không riêng gì công ty của tôi. Ngay sau cuộc họp, công ty tôi là đơn vị đầu tiên trả đủ số tiền nợ tiền thuê mặt bằng. Tôi cũng gửi đề nghị tái ký hợp đồng nhưng Công ty Đường sách từ chối", ông Hữu nói và cho biết cũng tại cuộc họp trên, trong gần 4 năm qua, Công ty Đường sách chỉ mới nộp 50 triệu đồng vào ngân sách nhà nước, còn nợ hơn 700 triệu đồng tiền phí cho thuê lòng lề đường tạm.

Doanh nghiệp cầu cứu sau khi đổ vốn đầu tư vào Dự án Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột - Ảnh 3.

Lượng khách đến tham quan tại đường sách cà phê Buôn Ma Thuột ngày càng thưa thớt - Ảnh: Ngọc Giàu

Tiếp nhận các thông tin từ ông Hoàng Danh Hữu, PV Dân Việt đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với bà Trần Đoàn Thùy Linh - Giám đốc Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột để có thông tin khách quan, đa chiều nhưng bà Linh không nghe máy.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại văn bản phúc đáp kiến nghị của Công ty Nông trại EDE (ngày 5/5/2023), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (đơn vị được giao quản lý nhà nước đối với đường sách cà phê Buôn Ma Thuột) nêu quan điểm: "Hợp đồng cho thuê mặt bằng gian hàng là sự thoả thuận, thống nhất giữa doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh với đơn vị vận hành đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Về vấn đề này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị các bên chủ động gặp gỡ, trao đổi thoả thuận, thống nhất ký lại hợp đồng trên cơ sở kế thừa các điều khoản của hợp đồng trước để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm giữa các bên". 

Tuy nhiên, theo ông Hữu, Công ty Đường sách vẫn quyết không tái ký hợp đồng, dù trong hợp đồng trước đó có mục ưu tiên tái ký hợp đồng cho bên thuê.

Được biết, đề án đường sách cà phê Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 3400 vào tháng 12/2018. Nguồn vốn đầu tư là kêu gọi xã hội hóa, đơn vị vận hành là Công ty Đường sách; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là đơn vị quản lý về mặt nhà nước. Để thực hiện đề án này, Đắk Lắk đã chuyển đổi một đoạn đường dài khoảng 100m nằm ngay nội thành Buôn Ma Thuột. Mục tiêu của đề án nhằm tạo không gian phát triển văn hóa đọc, nơi quảng bá các nét đẹp văn hóa truyền thống của Đắk Lắk và văn hóa cà phê.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem