TP.HCM: Khẩn thiết kiến nghị tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 09/10/2021 12:42 PM (GMT+7)
Sáng 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành y tế TP.HCM. Tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Bình luận 0
Cử tri ngành y tế TP.HCM khẩn thiết kiến nghị tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành y tế TP.HCM với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sáng 9/10. Ảnh: B.D

Đưa ý kiến tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết: Qua báo cáo sơ bộ, có khoảng 20.000 trẻ em đã mắc Covid-19. Tại TP.HCM, thống kê cho thấy số trẻ em 5-18 tuổi tại TP khoảng 1,8 triệu. Ông cho rằng khi tỷ lệ chích ngừa cho người trên 18 tuổi ngày càng lớn thì "làn sóng nguy hiểm dồn cho trẻ em".

Mặc dù mức độ nguy hiểm của trẻ em nhẹ hơn so với người lớn, nhưng dịch Covid-19 vẫn gây nguy cơ lớn với các trẻ béo phì, có bệnh nền.

Ông Hùng cho biết, người dân TP rất lo lắng cho trẻ em trước tác động của dịch Covid-19, nhất là khi TP.HCM dự kiến mở lại các trường học vào tháng 1/2022.

"Khi người lớn đã chích ngừa thì làn sóng nguy hiểm sẽ dồn cho trẻ em. Mặc dù tỷ lệ trẻ em tử vong do Covid-19 không cao so với người lớn. Nhưng ảnh hưởng về lâu dài của dịch với thể chất và tinh thần của trẻ chưa nghiên cứu được" - BS Hùng nói.

Bác sĩ Hùng dẫn chứng, hiện Việt Nam đã đặt mua hàng chục triệu liều vaccine Pfizer của Mỹ và Abdala của Cuba. Đây là 2 loại vaccine đã được nhiều nước tiêm chủng cho trẻ em.

"Như vậy, vaccine nằm trong tầm tay của nước mình. Thay mặt cha mẹ, phụ huynh tha thiết kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng và Bộ Y tế đưa tiêm vaccine cho trẻ em vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Ta đủ điều kiện và thời gian làm việc đó, vì còn 3 tháng trước khi trẻ tại TP.HCM đi học trở lại" - bác sĩ Hùng nói.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cũng khẩn thiết đưa ra đề nghị tương tự với Chính phủ, Bộ Y tế. BS Tuyết cho biết, kể từ khi Bộ Y tế cho phép tiêm ngừa với thai phụ từ 13 tuần trở lên (từ 11/8), hiệu quả thấy rõ sau 1-2 tháng.

Khoảng tháng 8, tỷ lệ thai phụ nhiễm là 40-50 ca/ngày và khoảng 10 ca phải thở máy xâm lấn. Nhưng đến đầu và giữa tháng 9, tỷ lệ này giảm đáng kể, hiện nay không còn thai phụ phải thở máy. Đây là minh chứng cho thấy hiệu quả của vaccine.

Bộ Y tế chưa có hướng dẫn tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi nhưng nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm cho trẻ từ 12 tuổi. Thậm chí, có nước tiêm cho trẻ từ 2 tuổi và đã minh chứng vaccine an toàn với trẻ em.

Đồng quan điểm, BS Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng - cho biết: Bộ Y tế đang đặt chỉ tiêu tiêm cho người trên 50 tuổi là 80% cho các địa phương. Trong điều kiện nguồn vaccine còn hạn hẹp, BS Giang đề xuất có thể giảm tỷ lệ này xuống 70%, dành số 10% vaccine này để tiêm cho trẻ em.

Cử tri ngành y tế TP.HCM khẩn thiết kiến nghị tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em - Ảnh 3.

Dự kiến trong tháng 10 bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi. Ảnh: B.D

Hồi đáp kiến nghị của các cử tri, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Bộ đang xây dựng hướng dẫn, dự kiến tháng 10 bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi. Sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn. Trước mắt sẽ triển khai tiêm bằng vaccine Pfizer.

Trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước đã có đề nghị và Việt Nam đang chờ nước bạn sớm gửi hồ sơ về vaccine tiêm cho trẻ em để xem xét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem