TP.HCM: 10 năm chưa xây xong nhà máy giết, mổ gia súc tập trung

Chủ nhật, ngày 20/08/2017 06:30 AM (GMT+7)
Đến cuối năm 2017, TP.HCM sẽ chấm dứt các lò giết mổ thủ công, đồng thời đưa vào hoạt động sáu nhà máy tập trung, hiện đại. Kế hoạch này được lập ra từ mười năm trước; tuy nhiên, còn bốn tháng nữa là đến thời hạn cuối, nhưng các dự án vẫn nằm trên giấy do vướng quá nhiều thủ tục nhiêu khê…
Bình luận 0

Chưa xây đã sợ không đạt chuẩn

Giữa trưa một ngày cuối tuần, bất chấp cái nóng hầm hập 37 – 38 độ C, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc công ty TNHH dịch vụ An Hạ, vẫn lặn lội dẫn đi xem nhà máy giết mổ đang xây dựng dở dang của công ty ở Củ Chi. Dù thời hạn hoạt động còn chưa đến bốn tháng, nhưng nhà máy rộng tới 5ha, có công suất 3.000 con/ngày này mới hoàn thiện phần san lấp, xây tường bao quanh và một phần hệ thống xử lý nước thải. Bà Thắm cho biết công ty đã ký hợp đồng mua máy, đến quý 1 năm sau sẽ về, nhưng hiện kế hoạch xây dựng triển khai rất chậm do vướng quá nhiều thủ tục. “Đầu tiên là phải chờ bản thiết kế chi tiết 1/500; bản vẽ xây dựng, đánh giá tác động môi trường, thủ tục pháp lý đất đai, chờ duyệt hồ sơ vay vốn kích cầu… Công ty đã chạy lên chạy xuống nhiều năm nay rồi, đây là giai đoạn nước rút nhưng mọi thứ vẫn không thể đẩy nhanh hơn được”, bà Thắm tâm sự.

img

Nhà máy giết mổ An Hạ nằm dưới đường điện cao thế và sát bệnh viện Xuyên Á.

Trong khi các vướng mắc ở địa phương, cụ thể là từ sở Quy hoạch – kiến trúc, Tài nguyên và môi trường, Kế hoạch và đầu tư, Nông nghiệp, cục Thuế… chưa được giải quyết thì mới đây, sáu doanh nghiệp tham gia dự án giết mổ công nghiệp lại nhận được thêm thông tư 13 của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y, có hiệu lực từ 30.12.2017”. Theo thông tư này, từ năm 2018, các cơ sở giết mổ tập trung phải nằm trong quy hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt, và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ngoài các quy chuẩn về xây dựng, cách bố trí thiết bị, khu pha lóc, làm mát, cấp đông, hệ thống xử lý nước thải, nhà vệ sinh. Tới đây các cơ sở giết mổ tập trung phải cách biệt tối thiểu 500m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt; và cách biệt tối thiểu 1km với trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm như bãi rác, nghĩa trang, nhà máy thải bụi và hoá chất độc hại…

Chỉ tay về khoảng cách nhà máy đang xây dựng của công ty An Hạ, bà Thắm khẳng định không đáp ứng được các tiêu chuẩn của bộ Nông nghiệp đưa ra. Cụ thể, nhà máy nằm ngay dưới đường điện cao thế; khoảng cách từ nhà máy tới bệnh viện Xuyên Á, khu dân cư cũng không đạt tiêu chuẩn tối thiểu 500m như quy định. Không chỉ An Hạ bị vướng, ngay cả cơ sở giết mổ của công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn (công suất 2.000 con/ngày), công ty TNHH thực phẩm Lộc An (công suất 2.000 con/ngày), cũng không đáp ứng quy định của bộ. Nhà máy của công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn dù mới xong phần san lấp, chủ đầu tư chưa tiến hành xây dựng các hạng mục; nhưng phía trước mặt đã tồn tại các nhà máy sản xuất và khu dân cư hiện hữu, khoảng cách chưa đến 500m.

Nhằm đối phó với các quy định mới, công ty An Hạ đã ngưng triển khai xây hệ thống pha lóc và kho lạnh trên phần đất hơn 2ha giáp với bệnh viện Xuyên Á. Phần đất này chuyển sang trồng cây xanh tạo hàng rào cách ly với bệnh viện cho đủ 500m. Công ty cũng trừ một phần lớn diện tích giáp với khu dân cư để trồng cây, nên diện tích xây dựng còn chưa đến 3ha. Như vậy, nhà máy này An Hạ phải chấp nhận với bản thiết kế mới không đồng bộ, chỉ còn phần nhà máy giết mổ. Đây là biện pháp bất khả kháng, vì nếu làm thì theo bà Thắm, mai mốt bộ vào kiểm tra sẽ bị phạt, bắt tháo dỡ.

“Quy chuẩn quốc gia cũng quy định về diện tích nhốt thú tăng từ 0,8m2/con lên 1,6m2/con, cũng khiến chúng tôi gặp khó khăn”, bà Thắm nói. Hiện nay, để tránh tình trạng xây sai chuẩn, công ty An Hạ còn phải đối phó bằng cách “xây hạng mục nào cũng tiến hành xin phép”, vì theo lý giải: có phép, sau này các cơ quan chức năng không có cớ phạt nữa.

Quyết tâm mười năm chưa xong

Lộ trình dẹp lò mổ thủ công, xây dựng nhà máy hiện đại được TP.HCM đưa ra từ giai đoạn 2005 – 2006. Do nhiều lý do, kế hoạch này, sau đó dời đến cuối năm 2013 và lại tiếp tục hoãn đến cuối 2017, nhưng khả năng “bể” là rất cao. TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước với số dân trên 10 triệu, nhưng hiện nay, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thực phẩm trong các lò giết mổ thủ công không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Những cơ sở đang hoạt động tạm bợ trong tình trạng chờ di dời, đóng cửa không được đầu tư, nâng cấp, nên miếng thịt làm ra vẫn để trên nền gạch dơ bẩn.

Theo ông Bạch Đăng Quang, giám đốc hợp tác xã (HTX) Tân Hiệp (Hóc Môn), dự án này “có tròn mười năm” chạy thủ tục đầu tư, đến nay cơ bản xong; nhưng lại phát sinh khó khăn khác là chưa có đường vào nhà máy. Theo cam kết ban đầu giữa thành phố với HTX, đường vào nhà máy do ngân sách đầu tư (đã được HĐND TP.HCM thông qua), nhưng đến nay vẫn chưa có trong quy hoạch, trong khi HTX không thể chi hàng trăm tỉ đồng để làm con đường này.

“Chúng tôi đã ký hợp đồng mua máy từ nước ngoài, cuối năm nay sẽ về. Vốn đầu tư hơn 300 tỉ cũng được HTX thu xếp xong, bây giờ chỉ còn chờ Nhà nước triển khai xây dựng con đường nữa là bắt tay vào làm. Sớm nhất cũng phải qua quý 1 năm sau mới hoạt động được!”, ông Quang nêu khó khăn.

Liên quan đến dự án giết mổ của HTX Tân Hiệp, sau khi nhận thấy tiến độ triển khai quá chậm, vừa qua UBND TP.HCM có văn bản khẩn giao UBND huyện Hóc Môn phối hợp với các sở ngành khảo sát, mở ngay tuyến đường vào nhà máy.

Trong khi các chủ đầu tư vẫn đang đau đầu chạy giấy tờ ở cấp địa phương, việc bộ Nông nghiệp vừa ban hành thông tư 13, còn gây thêm nhiều áp lực làm chậm tiến độ xây dựng. Việc mới đưa ra quy định tối thiểu 500m, trong khi quy hoạch các nhà máy có cách nay mười năm, lúc dân cư còn thưa, nay dân cư vào ở khá đông nên hầu hết nhà máy đều không đạt tiêu chuẩn này. “Từ thông tư 13, chúng tôi chỉ sợ sau này người dân sống chung quanh nhà máy lấy đó làm cái cớ để kiện tụng!”, bà Thắm lo lắng!

Theo quy hoạch được UBND TP.HCM thông qua, sáu nhà máy giết mổ heo hiện đại của công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn (công suất 2.000 con/ngày), HTX Tân Hiệp (công suất 2.000 con/ngày), tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (công suất 2.000 con/ngày), công ty TNHH dịch vụ An Hạ (công suất 3.000 con/ngày), công ty TNHH thực phẩm Lộc An (công suất 2.000 con/ngày), công ty CP Nhị Tân (công suất 1.000 con/ngày) phải hoạt động cuối năm 2017, nhưng hầu hết đều khó hoàn thành, vì vướng nhiều thủ tục nhiêu khê.
Bảo Ngọc (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem