Tổng Giám đốc USAID: Chúng tôi cảm thấy trách nhiệm giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam

V.N Thứ bảy, ngày 11/03/2023 09:55 AM (GMT+7)
Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), bà Samantha Power vừa có chuyến thăm Việt Nam một tuần. Trước khi kết thúc chuyến thăm, bà nói rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm giải quyết các vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh cũng như trách nhiệm hợp tác để đạt được net zero vì Hoa Kỳ là quốc gia phát thải.
Bình luận 0

Phát biểu với giới báo chí trong cuộc họp báo chiều 10/3 tại Hà Nội, Tổng Giám đốc USAIDS nói: “Năm nay Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai quốc gia và chúng tôi tin rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có thể tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược. Chuyến đi này của tôi cũng góp phần minh chứng cho sự phát triển quan hệ giữa hai quốc gia”. 

Bà nhấn mạnh: “Có rất nhiều các lãnh đạo cấp cao từ Hoa Kỳ cũng sẽ thăm Việt Nam trong năm nay”. 

Tổng Giám đốc USAID: Chúng tôi cảm thấy trách nhiệm giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc USAID Samantha Power nhấn mạnh các lĩnh vực hợp tác chính của USAID với Việt Nam: Giải quyết hậu quả chiến tranh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: M.H.

Giải quyết hậu quả chiến tranh

Bà Samantha Power cho rằng, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam phát triển đến mức độ này không hề dễ dàng một chút nào. Trong nhiều năm chúng ta đã dành thời gian để hàn gắn những vết thương chiến tranh để lại. Hai Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam sau những năm chiến tranh thậm chí còn không trao đổi, không có hoạt động ngoại giao với nhau. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam thì chúng ta đã đối diện với quá khứ khó khăn. 

Bà nhắc tới việc Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ xác định hài cốt quân nhân Hoa Kỳ và Hoa Kỳ giúp Việt Nam xử lý vật liệu chưa nổ, dioxin. Trong chuyến thăm, bà Samantha Power đã thăm sân bay Biên Hòa – nơi từng là căn cứ của quân đội Mỹ và có tồn dư dioxin lớn. Tại đây, bà đã chứng kiến lễ bàn giao những khu đất làm sạch dioxin cho VN, đồng thời ký thỏa thuận về việc USAID tài trợ 73 triệu USD cho Việt Nam trong  5 năm tới để tiếp tục xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. 

Bà cũng cho biết USAID sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ cho người khuyết tật. Bà đã tới ghăm bệnh nhân Bạch Mai và chứng kiến nỗ lực 2 bên để hỗ trợ cho người dân và người khuyết tật Việt Nam.

Về vấn đề này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ câu chuyện người mẹ có con hy sinh trong chiến tranh. Bà cao tuổi và chỉ còn có 2 răng nhưng bà vẫn chăm những cái răng đó để xác định hài cốt của con mình. Cuối cùng bà đã tìm được hài cốt và qua đời năm 90 tuổi. 

“Chúng tôi sẽ mang công nghệ AND tốt nhất đến Việt Nam để các cơ quan y tế, cơ quan giám định của Việt Nam  để giúp khớp những mẫu AND có thể giúp người dân tìm được con em đã hy sinh trong chiến tranh. Đây là lĩnh vực Hoa Kỳ có cam kết hết sức mạnh mẽ. Hoa Kỳ còn chia sẻ để Việt Nam tiếp cận nguồn dữ liệu giúp tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh” – Đại sứ nói. 

Tổng Giám đốc USAID: Chúng tôi cảm thấy trách nhiệm giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam - Ảnh 2.

Bà Samantha Power gặp gỡ báo chí tại Hà Nội. Bên phải bà là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: M.H.

Trò chuyện với nông dân

Trọng tâm thứ hai trong chuyến thăm của Tổng giám đốc USAIDS là hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Bà đã thăm Cần Thơ, trò chuyện với nông dân, với sinh viên Đại học Cần Thơ…  

Bà cho biết, để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH, USAID đã công bố lượng đầu tư đáng kể ở đồng bằng Sông Cửu Long về tăng khả năng chống chịu trong các lĩnh vực, trong đó 50 triệu USD giúp người nông dân tiếp cận công nghệ dự báo thời tiết, giúp họ lên kế hoạch quản lý, giảm thiểu hậu quả có hại của BĐKH với sản xuất và hoạt động kinh tế. 

USAID sẽ phối hợp với Chính phủ và địa phương, các nhóm cộng đồng để xác định xem  họ có ưu tiên nào về tăng cường khả năng chống chịu – bà nói.  ĐBSCL có nhiều vấn đề khác mà chúng tôi mong hỗ trợ cho nông dân: Đó là việc ngập mặn,  đất đang sụt lún dần, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sinh kế. 

Tổng Giám đốc USAID: Chúng tôi cảm thấy trách nhiệm giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam - Ảnh 3.

Tổng Giám đốc USAID Samantha Power tới thăm bè cả của gia đình ông Bảy Bon tại Cồn Sơn, Cần Thơ, một trong hơn 10.000 trang trại nuôi trồng thủy sản nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: USAID.

Ở ĐBSCL, bà Power đã đi thuyền thăm chợ nổi, thăm nông dân và nghe họ chia sẻ những tác động của BĐKH ảnh hưởng đến sinh kế như thế nào. Bà nói chuyện với  người nuôi cá nước ngọt và họ chia sẻ về độ ngập mặn, việc một số cá nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng. Bà cũng gặp một nông dân ứng phó với tác động của BĐKH với sản xuất bằng cách chuyển sang làm du lịch sinh thái. 

Bà cho biết, USAID hợp tác với các cơ sở đào tạo để làm sao tạo ra chương trình giảng dạy có dư địa để họ phát huy sáng tạo, trình độ công nghệ của mình để suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến ứng phó với BĐKH. Bà cho rằng Mỹ phải phối hợp với các đối tác Việt Nam để cùng xử lý các vấn đề như xây đập ở thượng nguồn, các vấn đề ngoại giao, các thách thức toàn cầu ảnh hưởng tới BĐKH. 

Hoa Kỳ cũng trao đổi sâu sát với các lực lượng của Việt Nam làm sao thực thi các quy chuẩn quốc tế về khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Khai thác trái phép ảnh hưởng đến sinh kế và nguồn lợi thủy sản của Việt Nam, tạo ra những hậu quả trong đó có cả xâm ngập mặn. “Chúng tôi muốn đảm bảo người nông dân nhận được hỗ trợ họ cần để giảm IUU” – bà nói. 

Trách nhiệm và triển vọng

"Chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của bản thân để giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam” – bà nói. “Chúng tôi cũng cảm thấy trách nhiệm hợp tác về net zero vì Hoa Kỳ là một quốc gia phát thải làm ảnh hưởng đến các quốc gia trong đó có Việt Nam”. 

Tổng Giám đốc USAIS cho biết, sau một tuần ở Việt Nam, bà thấy triển vọng về mối quan hệ đối tác chiến lược 2 nước và sẽ làm tất cả để tăng cường quan hệ  hữu nghị giữa người dân hai nước. 

Mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ dựa trên nền tảng 2 quốc gia để giải quyết các vấn đề tồn tại sau chiến tranh. Nay quan hệ đó đã nở rộ và 2 bên trở thành đối tác nhiều lĩnh vực: Biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả y tế, giáo dục, phát triển kinh tế thương mại, đào tạo lãnh đạo trẻ… 

Ấn tượng của bà sau một tuần thăm các tỉnh thành của Việt Nam được chia sẻ:  “Không gì có thể ngăn trở được người dân Việt Nam.  Quỹ đạo tăng trưởng kinh tế  của Việt Nam  vô cùng ấn tượng. Covid làm giảm tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam  nhưng tôi tin rằng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có thể chuyển từ quan hệ viện trợ thành đối tác thương mại”. 

Tiếp Tồng Giám đốc USAID Samantha Power chiều tối 10/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của bà Power.

Khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất trên nguyên tắc Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.

Thủ tướng trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và cá nhân Thủ tướng đến Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện Hoa Kỳ.

Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư là một trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, hoan nghênh USAID tiếp tục tăng ngân sách hỗ trợ phát triển cho Việt Nam, đề nghị USAID tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là tẩy độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn; đẩy mạnh hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ Trường Đại học Fulbright Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo tầm cỡ khu vực; thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem