Tiểu thuyết "Đất và Máu" sẵn sàng cho nhà làm phim thực hiện chính xác và hiệu quả

Thúy Phương - Thanh Tùng Thứ tư, ngày 01/03/2023 13:23 PM (GMT+7)
"Cuốn tiểu thuyết có bề dày lịch sử, gần một trăm năm cuộc đời của người nông dân Việt Nam... Đây là một bài học tổng kết về đời sống của người nông dân, thông qua câu chuyện của các thế hệ nối tiếp ở một gia đình" - nhà văn Đặng Huỳnh Thái chia sẻ với Dân Việt về tiểu thuyết "Đất và Máu".
Bình luận 0
Tiểu thuyết "Đất và Máu" sẵn sàng cho nhà làm phim thực hiện chính xác và hiệu quả - Ảnh 1.

Tiểu thuyết “Đất và máu". Ảnh: NVCC

Cảm hứng của cuốn tiểu thuyết này đến với ông như thế nào? Ông mất bao lâu để hình thành được tác phẩm?

 - Thái Bình là quê hương tôi, Tiền Hải là nơi cha tôi mở cửa hàng thuốc bắc. Kiến Xương là nơi chôn rau cắt rốn. Hai nơi này đã gắn bó nhiều kỷ niệm vui buồn với gia đình tôi. Trải qua bao thăng trầm của đất nước. Tiếng Trống năm 30 của nông dân Tiền Hải đã dựng ngọn cờ đấu tranh cách mạng cho cả nước. Những điều đó đã thôi thúc tôi viết cuốn tiểu thuyết này. Trước đó, năm 1985 tôi đã hoàn thành cuốn phim tài liệu Vùng mỏ con người và lịch sử. Chiều dài một trăm năm (1884-1985) như một vùng mỏ, Quảng Ninh thu nhỏ. Đây là lời tri ân với những người thợ mỏ đã nuôi dạy tôi suốt 35 năm công tác. Còn tiểu thuyết Đất và Máu tôi kính dâng lên hương hồn cha mẹ và những người nông dân nghèo khổ.

 Tại sao ông lại chọn chủ để khai hoang, lấn biển? Chủ đề này có khó khăn gì?

 - Ngay ngoài bìa sách tôi đã đưa ra thông điệp: "Một thửa đất của ông cha để lại, nuôi một gia đình muôn triệu năm. Trên thửa đất này, trồng lúa ra cơm ra rượu, trồng rau quả làm thực phẩm, trồng cây lấy gỗ làm nhà, trồng bông dệt vải mà mặc, chăm nuôi súc vật làm sức kéo, lấy thịt thuộc da... Cứ đời này truyền qua đời khác, vĩnh viễn không bao giờ dứt...Thế mà bao nhiêu cuộc tranh giành diễn ra triền miên, đẫm máu người". Đây không phải chuyện khai hoang lấn biển mà là chuyện Đất và Máu.

Ông xây dựng các nhân vật như thế nào, ông tạo ra họ hay có nguyên mẫu thật? Nhân vật nào ông phải đầu tư nhiều nhất?

- Cuốn tiểu thuyết có bề dày lịch sử, gần một trăm năm cuộc đời của người nông dân Việt Nam. Không dám nói rộng, nhưng có thể hiểu rằng đây là một bài học tổng kết về đời sống của người nông dân, thông qua câu chuyện của các thế hệ nối tiếp ở một gia đình, một làng nhỏ ven biển như bao gia đình khác ở Việt Nam để nhìn về hoàn cảnh lịch sử đất nước và rộng ra hơn nữa. Chính vì thời gian trải dài qua bao thăng trầm của lịch sử: Thời kỳ phong kiến; Thực dân Pháp đô hộ, Đế quốc Nhật xâm chiếm; Trung Quốc bành trướng; Chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp; Chiến tranh Đế Quốc Mỹ; Xây dựng CNXH... Đất sẽ dạy cho con người thế nào là lẽ sống và biết sống với ý nghĩa thực của sự sống.

Tất cả những sự kiện và hàng trăm nhân vật được huy động vào cuốn tiểu thuyết là cả cuộc đời tích lũy của tôi. Là vốn sống và quan sát cuộc sống dồn lại trong quyển sách này. Mỗi một nhân vật đều có một số phận riêng, câu chuyện riêng không trùng lặp...

Tiểu thuyết "Đất và Máu" sẵn sàng cho nhà làm phim thực hiện chính xác và hiệu quả - Ảnh 2.

Nhà văn Đặng Huỳnh Thái. Ảnh: NVCC

Trong những chi tiết của câu chuyện, có chi tiết nào ông đã chứng kiến trong đời thật?

- Qua tiểu thuyết Đất và Máu tôi muốn khắc họa lại những chân dung của đám chức dịch trong làng, chân dung những kẻ bần cùng, rẻ rúng, oan khuất, đau thương và cô độc. Là những cuộc chạy trốn của dân đen vì không sống nổi với đám chức dịch trong làng hà hiếp. Là cuộc trốn chạy không có đích đến và chết đói. Khi 6 tuổi, tôi đã được chứng kiến những cảnh chết đói năm 1945 tại Thị tứ nhỏ ở Thái Bình, thê thảm, đau thương và tức tưởi của người dân nghèo khổ. Thầy thuốc Tế Mỹ trong truyện chính là cha tôi đã ra tay cứu giúp người chết đói, cho ăn và cho thuốc, lại đi khắp miền quê để chống đại dịch tả. Người mẹ yêu quý của tôi chết cháy vì bom Napan của thực dân Pháp ném xuống giết hại những người dân thường, để chiếm đất đai xây đồn bốt.

Trong cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, GS Văn Tạo mong muốn một điều: "Đến nay hai triệu người chết đói, có gia đình chết cả nhà, cả họ tộc, không bao giờ được nhắc đến, không biết xương cốt nằm nơi đâu, không biết ngày giỗ, thật đau buồn". 

Chính vì vậy, tôi đã dành những trang cuối sách để dân làng tự xây dựng nghĩa trang Hoang Điền cho những người nghèo khổ xấu số có nơi an nghỉ cuối cùng. Lấy một ngày chung nhất làm lễ "Mông sơn thí thực". Đời đời con cháu sau này có chỗ tìm về với ông bà tổ tiên. Có được nghĩa trang Hoang Điền là một cuộc đấu giá với mọi thế lực tranh giành để xây khu đô thị lộng lẫy ngang nhiên đè lên hàng ngàn ngôi mộ.

Tiểu thuyết "Đất và Máu" sẵn sàng cho nhà làm phim thực hiện chính xác và hiệu quả - Ảnh 3.

Một thời đoạn lịch sử tại làng quê Thái Bình được tác giả Đặng Huỳnh Thái khắc họa rất dữ dội. Ảnh: NVCC

Phong cách sáng tác của ông có mang một màu sắc đặc trưng nào không?

- Về tư duy tôi quan sát khá sâu sắc và có tư duy vượt ngoài khả năng của một tiểu thuyết gia. Chẳng hạn tôi đặc tả về cái cách làm tình của người nông dân hay của gã chức dịch ở vùng đất ấy tự nhiên, không ràng buộc vào những khung, khuôn chuẩn mực, đọc mà không thấy có sự tục tĩu. Khi viết về phong tục của người Sán Dìu với lễ Đại Phan, tôi lý giải người Sán Dìu rất giàu bản sắc văn hóa nhân văn. Tôi tả sự nhân ái, lý giải quyền năng của triết lý sống có vay có trả, ác giả, ác báo… của con người Việt Nam thông qua hệ thống hàng trăm nhân vật.

Về ngôn ngữ, tôi viết với tâm thế của người viết cố nhuần nhuyễn, là cách viết hiện đại, tiết tấu nhanh, câu chuyện phát triển theo tốc độ của ngôn ngữ. Tôi là người làm phim nên chuyển cách viết có rất nhiều hình ảnh, mỗi trường đoạn đều như một kịch bản phim rút gọn, sẵn sàng cho nhà làm phim thực hiện những thước phim chính xác và hiệu quả cả về hình ảnh và lời thoại.

Được biết, đây là tiểu thuyết số 1, vậy phải chăng sẽ có thêm những số tiểu thuyết tiếp theo của tác phẩm này?

- Năm nay, tôi 84 tuổi, đã có hai tác phẩm lớn để lại cho đời: Phim tài liệu Vùng mỏ con người và lịch sử chỉ cần vào từ khóa trong YouTube: https://youtu.be/iqf_KfbTecI là có thể xem được trên mọi thiết bị có nối mạng hay https://youtu.be/Z3rE6LDjIjI, xem và nghe tiểu thuyết Đất và Máu trên mọi thiết bị có nối mạng trong 32 buổi đọc.

Ngoài ra, tôi còn nhiều ý định lắm không biết có đủ năng lượng để thực hiện được không? Không nói ra hết, không viết hết thì hoài, bao nhiêu tư liệu còn ngổn ngang. Thôi! Cứ miệt mài chạy theo thời gian.

Cảm ơn nhà văn Đặng Huỳnh Thái đã chia sẻ thông tin!

Nhà văn Đặng Huỳnh Thái sinh năm 1939 tại Kiến Xương tỉnh Thái Bình. Ông có chuyên môn chính là kỹ sư khai thác mỏ. Ông đã có 35 năm làm báo, biên tập phát Thanh, truyền hình. Ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh.

Các tác phẩm chính đã in và xuất bản:

- Kịch bản văn học phim Tài liệu "Vùng mỏ con người và lịch sử" do Xí nghiệp phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1985, năm 2017 chuyển sang kỹ thuật số. Hiện lưu trữ tại Tỉnh Ủy Quảng Ninh và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, làm tài liệu học tập cho thế hệ trẻ. Bộ phim kéo dài 100 năm lịch sử vùng mỏ, có nhiều tư liệu quý hiếm, đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị...

- Truyện ngắn "Sông nước Hạ Long" in chung trong tập Người đàn bà sợ mưa, tác phẩm ấn hành năm 1995.

- Tập truyện "Những lá thư để lại" NXB Kim Đồng 2005

- Truyện "Trả lại mầu xanh cho đời". Tuyển tập Văn, Hội văn nghệ Quảng Ninh

- Kịch bản phim truyện: "Hoa sim tím", Người Vùng mỏ, Hội VHNT Quảng Ninh

- Truyện ngắn "Ký sự đời người"

- Truyện ngắn: "Hãy cho tôi một chuyến xe"

- Truyện ngắn: "Bừng tỉnh"

- Truyện ngắn "Cái túi đựng trầu"

- Truyện ngắn " Mùa táo mèo"

- Tiểu thuyết "Đất và Máu" nhà xuất bàn Hội Nhà văn 2021

Ngoài ra, còn nhiều kịch bản ngắn cho phong trào nghiệp dư và phóng sự bút ký trên các tạp chí và báo giấy báo mạng...

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem