Tiền Giang: Nhàn nhã nuôi con chuyển đổi giới tính, ông nông dân “rốn phèn” thu lời hàng trăm triệu

Trần Đáng Thứ năm, ngày 16/12/2021 06:27 AM (GMT+7)
Với 32 hồ nuôi lươn không bùn, ông Đoàn Văn Phú (xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) nhàn nhã thu lời mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Ngay trong năm 2021, sau một năm dịch Covid-19 hành hoành ác liệt, nhiều loại nông sản đứt gãy chuỗi cung ứng nên tắc đầu ra, ông Đoàn Văn Phú, xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) vẫn thả nuôi lươn không bùn với 80.000 con giống.

Tiền Giang: Nhàn nhã nuôi con chuyển đổi giới tính, ông nông dân “rốn phèn” ung dung thu lời - Ảnh 1.

Ông Đoàn Văn Phú (xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đang vệ sinh hồ nuôi lươn không bùn. Ảnh: Trần Đáng.

Nhàn như nuôi lươn không bùn  

Hôm chúng tôi đến trang trại nuôi lươn không bùn, ông Phú cho biết vừa bán lứa lươn hơn chục tấn.

Dịch Covid-19 hoành hành, dù giá lươn thịt xuống thấp còn 120.000 đồng/kg, ông Phú vẫn lời hơn 200 triệu đồng.

Theo ông Phú, ông nuôi lươn không bùn từ năm 2018.

"Nuôi lươn không bùn tương đối dễ và khá nhàn", ông Phú kết luận.

Ông Phú kể, trước khi bắt tay nuôi lươn ông không biết tí gì về cái nghề này.

Nghe nói nuôi lươn có ăn, ông vác vốn đi hỏi mua lươn giống, đồng thời nhờ luôn người bán chỉ kỹ thuật nuôi.

Về nhà, ông Phú xây 16 cái hồ xi măng. Mỗi cái hồ có diện tích 16m2.

Khi hồ xây xong, ông Phú treo ở mỗi hồ 8 – 10 chùm nilông để làm nơi lươn trú ẩn.

Sau đó, ông Phú cho nước vào hồ với mực nước 10 – 30cm.

"Tôi vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Tôi thấy nuôi lươn quan trọng nhất là nguồn nước phải đảm bảo sạch", ông Phú chia sẻ.

Ông Phú luôn cho rằng, nuôi lươn khá nhàn. Mỗi ngày phải thay nước trong hồ 4 lần, thì hệ thống thay nước tự động lo.

Tiền Giang: Nhàn nhã nuôi con chuyển đổi giới tính, ông nông dân “rốn phèn” ung dung thu lời - Ảnh 3.

Nuôi lươn không bùn đã giúp gia đình ông Phú trở nên khấm khá. Ảnh: Trần Đáng.

Như vậy, ông chỉ việc cất công cho lươn ăn mỗi ngày 2 lần. Nếu sắm hệ thống cho ăn tự động, có lẽ ông Phú chỉ ngồi chơi chờ thu hoạch lươn.

Lươn nuôi khoảng một năm có thể xuất bán. Lúc đó, trọng lượng lươn 250 – 300g/con.

Nuôi lươn không bùn đã có công ty tiêu thụ

Theo ông Phú, lâu nay ông nuôi lươn bán cho một công ty ở Cần Thơ.

Khi lươn đến thời điểm xuất bán, ông Phú lấy mẫu đưa đến Viện Pastuer (TP.HCM) để kiểm nghiệm chất lượng.

Nếu đạt chất lượng, mẫu lươn sẽ chuyển đến công ty để tổ chức thu mua.

Ông Phú cho biết, năm đầu ông nuôi, giá lươn thịt 170.000 – 180.000 đồng/kg. Mỗi kg lươn ông lời khoảng 70.000 đồng.

Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá lươn thịt còn 120.000 đồng/kg.

"Giá lươn tuy xuống khá thấp nhưng nuôi lươn vẫn còn lời", ông Phú thổ lộ.

Theo ông Phú, hiện nuôi luôn là nghề có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nuôi lươn phải có đầu ra ổn định để tránh bị thương lái ép giá hoặc đột ngột mất đầu ra.

Ông Phú cũng định sẽ mở rộng quy mô nuôi để tăng sản lượng bán.

Lươn là loài lưỡng tính. Tất cả các con non là cái. Khi trưởng thành, một số con lươn biến thành con đực.

Con lươn đực có khả năng chuyển đổi giới tính, cho phép chúng chuyển thành con cái khi quần thể con cái thấp.

Tiền Giang: Nhàn nhã nuôi con chuyển đổi giới tính, ông nông dân “rốn phèn” ung dung thu lời - Ảnh 4.

Ông Phú cho rằng nghề nuôi lươn không bùn khá nhàn và cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Đáng.

Thịt lươn được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau. Ở Việt Nam lươn có thể được dùng làm nguyên liệu của các món ăn được ưa chuộng như: Cháo lươn, miến lươn, lẩu lươn...

Trước kia, lươn chủ yếu chỉ được khai thác ngoài tự nhiên. Ngày nay, lươn được nuôi nhân tạo. Nghề nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem