Thực hư việc bệnh nhân chết xương, hoại tử xương sau khi nhiễm Covid-19

Bạch Dương Thứ ba, ngày 12/07/2022 12:54 PM (GMT+7)
Bệnh viện Chợ Rẫy mới đây đã cung cấp thông tin về chùm ca bệnh bị viêm hoại tử nặng xương sọ, hàm mặt, đối diện nguy cơ tử vong. Đáng chú ý, hầu hết các bệnh nhân này đều đã mắc Covid-19 trước đó, các bác sĩ nghi ngờ căn bệnh này có liên quan đến hậu Covid-19 khiến nhiều người dân lo ngại.
Bình luận 0
Thực hư việc bệnh nhân chết xương, hoại tử xương sau khi nhiễm Covid-19 - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đang phẫu thuật một ca cốt tủy viêm xương. Ảnh: BVCC

Trong 11 ca Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận, 3 ca được phẫu thuật bước đầu thành công, 2 ca tử vong và 6 ca xin về, từ chối điều trị. 3 ca được phẫu thuật đều có chung triệu chứng: đau đầu, đau vùng hàm mặt, đau răng, đau mắt, kết quả chụp chiếu cho thấy tình trạng hoại tử xương rất nặng ở vùng sọ, hàm mặt và đều là những người đã mắc Covid-19 trước đó.

Theo PGS.TS.BS Trần Minh Trường, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, chưa thể kết luận chính xác tình trạng cốt tủy viêm xương (hàm mặt, sọ) do Covid-19. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm lâm sàng, nhận thấy có mối liên hệ.

"Chúng tôi nghĩ nhiều đến tình trạng tắc mạch trong thời gian bệnh nhân mắc Covid-19. Đặc biệt, biến thể Delta gây ra tình trạng tăng đông, các bệnh nhân cũng mắc Covid-19 trong giai đoạn Delta hoành hành", PGS.TS Trần Minh Trường phán đoán.

Trên thế giới, từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022 có 80 bài báo cáo ở Ấn Độ, Trung Quốc, một số quốc gia châu Á về sự xuất hiện các ca viêm cốt tủy xương, hoại tử xương sọ, viêm xoang tương tự chùm ca bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Giải thích rõ hơn về hiện tượng này, theo bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), các bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 trong vòng 9 tháng có nguy cơ bị tăng đông mạch máu (có các cục máu đông trong mạch máu). Hiện tượng tăng đông nặng sẽ dẫn tới tắc động mạch phổi, động mạch não, ruột, mắt, các chi… trong đó có tắc các mạch máu dẫn để nuôi xương, đặc biệt là các vùng xương có độ xốp cao như răng, hàm mặt, sàn sọ…

Khi các mạch máu nuôi xương bị tắc sẽ dẫn đến vùng xương đó bị hoại tử, dẫn đến viêm nhiễm lan rộng. Giải pháp tình thế là phẫu thuật cắt bỏ vùng xương hoại tử, điều trị kháng sinh chống viêm, tuy nhiên, giải pháp tận gốc là phải loại bỏ được tình trạng tăng đông. Bệnh nhân cần được kiểm tra, xét nghiệm chính xác độ tăng đông để được chỉ định sử dụng thuốc hợp lý. Khi các cục máu đông được giải quyết, mạch máu lưu thông sẽ nuôi dưỡng lại các vùng xương.

Thực hư việc bệnh nhân chết xương, hoại tử xương sau khi nhiễm Covid-19 - Ảnh 3.

Ba ca bị cốt tuỷ viêm xương đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B.D

BS CKII Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, sau khi mắc Covid-19, tình trạng cốt tủy viêm xương sọ mặt, sàn sọ, xương hàm tăng lên do hiện tượng tắc mạch máu nuôi xương, gây hoại tử và viêm xương.

Triệu chứng của hiện tượng này là sưng đau vùng má, đau buốt răng, chảy mủ hôi giống tình trạng viêm xoang do răng, vì vậy đã có một số chẩn đoán nhầm và nhổ răng bệnh nhân, sau đó bệnh bùng phát diễn tiến nặng hơn. Đã có trường hợp kèm nấm xoang và nấm trở nên xâm lấn, sau nhổ răng bệnh nhân mù mắt.

Vì thế, bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 nếu đã từng viêm phổi, có các triệu chứng sưng đau cần đi khám chuyên khoa về mạch máu, kiểm tra kỹ tình trạng tăng đông để tránh chẩn đoán nhầm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem