Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Tốt đời đẹp đạo" là kim chỉ nam hành động của các tôn giáo

Bạch Dương Thứ ba, ngày 30/08/2022 17:16 PM (GMT+7)
Ngày 30/8, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận 0
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Tốt đời đẹp đạo" là kim chỉ nam hành động của các tôn giáo - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị. Ảnh: S.Đ

Các tôn giáo đoàn kết để vượt qua khó khăn, thách thức

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, trong một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo như Việt Nam, mỗi tín ngưỡng mang nét văn hóa riêng nhưng đều hướng đến các giá trị "chân - thiện - mỹ", có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng, thống nhất trong đa dạng. Đảng và nhà nước luôn nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, không cản trở hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.

Cách đây 77 năm, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, nhiều vị chức sắc tôn giáo được mời làm cố vấn cho Chính phủ. Từ đó đến nay, có gần 60 vị chức sắc, chức việc làm đại biểu Quốc hội, và hàng ngàn đại biểu tham gia HĐND các cấp. Trong đấu tranh bảo vệ tổ quốc, hàng chục ngàn chức sắc, chức việc đã tham gia, góp phần vào sự nghiệp chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sống "tốt đời đẹp đạo" là kim chỉ nam hành động của các tôn giáo. "Đất nước ta có khó khăn, thách thức gì thì với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, các tôn giáo cùng đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ tổ quốc", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương và cảm ơn những đóng góp tích cực, hiệu quả của tôn giáo trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, chống đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế xã hội thời gian qua.

Đến nay, đã có hơn 3.000 tình nguyện viên các tổ chức tôn giáo tham gia chống dịch, nhiều người đã xung phong ra tuyến đầu, đối mặt với hiểm nguy; ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ; ủng hộ nhiều xe cứu thương, trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng dịch; hỗ trợ hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cùng hàng triệu suất ăn miễn phí; sử dụng hàng chục cơ sở của tổ chức tôn giáo làm bệnh viện dã chiến, làm nơi cách ly y tế tập trung; tổ chức thu mua nông sản cho bà con nông dân tại các vùng dịch..., góp phần chăm lo đời sống tâm linh cho những người đang sống và những người không may quá cố.

Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện tinh thần quốc tế khi ủng hộ nhiều nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy ngoại giao nhân dân, thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tăng cường đối thoại với các tổ chức tôn giáo

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của trung ương về tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật thành các quan điểm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Đồng thời, tham mưu với Đảng, Nhà nước để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và xây dựng cơ chế huy động, phát huy mọi nguồn lực của toàn xã hội, trong đó có các tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Tốt đời đẹp đạo" là kim chỉ nam hành động của các tôn giáo - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các chức sắc tôn giáo. Ảnh: H.V

Tiếp tục quan tâm, có chính sách cụ thể nhằm động viên về vật chất và tinh thần người tiêu biểu có thành tích trong các phong trào thi đua yêu nước. Chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào tôn giáo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố tăng cường công tác vận động, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào;

Tiếp tục quan tâm, tăng cường đối thoại với các tổ chức tôn giáo, lắng nghe, tạo sự gần gũi, chân thành, tin tưởng của chức sắc, tín đồ tôn giáo. Quan tâm xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị chính đáng của các tổ chức, chức sắc, cá nhân tôn giáo phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước hoặc đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động thuận lợi trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật và thực hiện phương châm "tốt đời - đẹp đạo".

Đồng thời, tích cực phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam; xử lý các biểu hiện tiêu cực, những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, thực hiện các hành vi trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của dân tộc; gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Suốt chiều dài lịch sử đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem