Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Có được vốn thì giàu lên, không có đồng vốn nghèo suốt đời"

H.Anh Thứ bảy, ngày 30/12/2023 17:54 PM (GMT+7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Bản chất của người nông dân thật thà, chân thành, nếu vay được đồng vốn thì có thể giàu lên, nhưng không tiếp cận được vốn thì nghèo suốt đời. Vì vậy, ngân hàng phải linh hoạt trong tiếp cận vốn với người nông dân”.
Bình luận 0

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân chiều 30/12, nông dân Nguyễn Hồng Quyết- Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 của tỉnh Bình Dương đặt câu hỏi tới Thủ tướng.

Nông dân Quyết cho biết, hiện nay, chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ, khách hàng là cá nhân, hộ gia đình đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm được vay tối đa 200 triệu đồng/hộ. Trong khi nhiều hộ nông dân sản xuất với diện tích lớn tới hàng chục, hàng trăm ha cần nhu cầu vốn hàng tỷ đồng.

"Chính phủ ban hành cơ chế, giải pháp như thế nào để nông dân được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai (sản phẩm thu hoạch trong tương lai) để vay vốn với nhu cầu lớn phục vụ sản xuất", nông dân Quyết đặt câu hỏi.

Tam nông luôn là lĩnh vực ưu tiên của nguồn vốn ngân hàng

Phó Thống đốc tiết lộ mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng Nghị định 55 - Ảnh 1.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Giải đáp câu hỏi của nông dân Bình Dương, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: Nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực ưu tiên của nguồn vốn ngân hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ: Về phía ngành ngân hàng, NHNN luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, cũng như hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Đây là lần thứ 5 tổ chức đối thoại với người nông dân, đây là cơ hội để NHNN lắng nghe ý kiến, tâm tư của bà con nông dân. Ý kiến của anh Quyết là một câu chuyện rất thời sự, đó là cơ chế chính sách cho bà con nông dân phát triển nông nghiệp, làm ăn lớn, nhất là nông nghiệp giá trị cao.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Đảng Chính phủ có rất nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ đây là mặt trận hàng đầu của kinh tế nước ta, riêng ngành Ngân hàng, đến thời điểm hiện nay có 18 văn bản, là 18 cơ chế chính sách trực tiếp hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Không chỉ cơ chế chính sách chung trên cả nước mà còn đi vào từng vùng miền, như cơ chế riêng cho đồng bằng Sông Cửu Long với cây lúa, tôm, cá, với khu vực Tây Nguyên là cây cà phê, trồng trọt cây công nghiệp; khu vực vùng núi phía Bắc, đồng bằng Sông Hồng cũng có cơ chế riêng… Không chỉ vậy, khi có thiên tai, dịch bệnh có tổn thất, khó khăn liên quan đến nông nghiệp, ngân hàng cũng có hỗ trợ kịp thời. Hoặc đối với bà con đóng tàu để đánh bắt khơi xa cũng có chính sách rất riêng.

Phó Thống đốc đánh giá, 18 chính sách hiện nay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn với bà con nông dân đang phát huy hiệu quả.

Trăn trở "chiếc áo chật" của Nghị định 55, Phó Thống đốc tiết lộ kế hoạch mở rộng đối tượng ưu tiên - Ảnh 2.

Phó Thống đốc NHNN Đào Mình Tú (giữa) phát biểu tại buổi đối thoại.

Ông Tú khẳng định, với ngành Ngân hàng, nông nghiệp nông thôn luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có một cơ chế giới hạn, hạn chế nào, thậm chí còn có cơ chế động viên khuyến khích, ưu tiên với các NHTM để thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, còn nông nghiệp nông thôn là 3,3 triệu tỷ đồng, 1/4 dư nợ của nền kinh tế, mức tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp nông thôn thường xuyên duy trì ở mức cao nhất trong tất cả các lĩnh vực, chiếm khoảng 10-12% hàng năm, kể cả những năm có dịch hay khó khăn như thời gian qua.

Về nguồn vốn, cơ chế bảo lãnh, năm 2015, một chính sách rất đổi mới, căn cơ với bà con nông dân là Nghị định 55 và sau đó là Nghị định 116. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng, Nghị định này đã ban hành 8 năm, một số nhóm đối tượng thực hiện cơ chế ưu tiên, ưu đãi hiện nay có thể giờ đây đã là "một chiếc áo chật", vì vậy cần nới rộng hơn.

"NHNN cũng trăn trở câu chuyện, rõ ràng phải có cơ chế mở rộng hơn, không chỉ doanh nghiệp, hộ cá thể nhỏ. Vì vậy, vừa qua NHNN tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và các bộ, ngành khác chuẩn bị nghiên cứu để mở rộng thêm đối tượng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Đơn cử như với quy định cá nhân, hộ gia đình được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 200 triệu đồng đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, rõ ràng với đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô lớn thì cần có sự cân nhắc, phải đưa vào đối tượng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chuỗi giá trị liên kết…

"Đề xuất của anh Quyết là cần thiết, NHNN sẽ cùng Bộ Nông nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ mở rộng đối tượng của Nghị định 55, phù hợp hơn với điều kiện thực tế và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Nhà nước hiện nay", ông Tú cho hay.

Có được vốn thì giàu lên, không có đồng vốn nghèo suốt đời

Về vấn đề về lãi suất, lãnh đạo NHNN cho biết đây là vấn đề thực hiện theo quy luật kinh tế thị trường. Các NHTM huy động để cho vay và quyết định lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trong 5 lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực đầu tiên, các lĩnh vực này đều được ưu đãi lãi suất và có mức trần lãi suất mà các NHTM phải thực hiện đó là không quá 4%.

NHNN sẽ tiếp tục kiểm tra giám sát để đảm bảo các đối tượng ưu tiên được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước.

Về tài sản đảm bảo, Phó Thống đốc cho hay, không phải tất cả các khoản vay đều phải có tài sản đảm bảo bằng vật chất mà có thể bằng tín chấp, tài sản hình thành trong tương lai… tất cả những điều này đã được quy định cụ thể. Tuy nhiên sử dụng hình thức nào thì do NHTM và người vay thỏa thuận. Phải có sự phối hợp đồng bộ cả hai phía.

Cho ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị về phía ngành Ngân hàng nghiên cứu hình thức cho vay tín chấp, tài sản hình thành trong tương lai nhiều hơn để hỗ trợ cho người nông dân.

img

"Bản chất của người nông dân thật thà, chân thành, nếu vay được đồng vốn thì có thể giàu lên, nhưng không tiếp cận được vốn thì nghèo suốt đời. Vì vậy, ngân hàng phải linh hoạt trong tiếp cận vốn với người nông dân. Có được vốn thì giàu lên, không có đồng vốn nghèo suốt đời. Phải giúp người nông dân tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, nhưng phải đúng địa chỉ và hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem