Thiếu giáo viên trầm trọng, Bộ GDĐT đề xuất tuyển người có bằng cao đẳng: Chuyên gia "hiến kế"

Tào Nga Thứ năm, ngày 04/04/2024 10:22 AM (GMT+7)
Bộ GDĐT đề xuất tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện đề xuất này đang nhận được nhiều quan tâm từ dư luận.
Bình luận 0

Tuyển dụng giáo viên có bằng cao đẳng: Đúng đắn, kịp thời và cần thiết

Mới đây, Bộ GDĐT công bố Dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, để lấy ý kiến góp ý của các cá nhân, đơn vị.

Theo dự thảo, Bộ đề xuất chính sách tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học, bao gồm: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học và THCS.

Thiếu giáo viên trầm trọng, Bộ GDĐT đề xuất tuyển người có bằng cao đẳng: Chuyên gia "hiến kế" - Ảnh 1.

Thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều trường hiện nay. Ảnh minh họa: Tào Nga

Các giáo viên này sau khi được tuyển dụng sẽ tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ để đến năm 2030 bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Giáo dục Hà Nội cho rằng: "Việc sử dụng người có bằng cao đẳng để dạy những môn còn thiếu giáo viên là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, cần thiết vì trong Chương trình GDPT 2018 có một số môn lần đầu tiên xuất hiện như Tin học lớp 3 (trước đó là môn tự chọn), môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý ở bậc THCS. 

Trước đó, Bộ GDĐT đã có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đội ngũ giáo viên này nhưng chưa đủ để đáp ứng sự thiếu hụt rất lớn hiện nay. 

Theo tôi, giải pháp bây giờ là Bộ GDĐT nên mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm cho các ngành còn thiếu hiện nay. 

Thứ hai, cần rà soát lại các trường học hiện nay, có thể sáp nhập các trường để cơ cấu lại đội ngũ giáo viên. Thực tế giáo viên có vùng thiếu, vùng thừa chứ không phải tất cả đều thiếu, đều thừa.

Thứ ba, cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn để thu hút giáo viên vì nhiều giáo viên có bằng đại học nhưng không ctha thiết làm nghề giáo. 

Thứ tư là cần tận dụng phương tiện công nghệ để bố trí giáo viên dạy online. Thời gian qua nhiều giáo viên ở Hà Nội đã dạy tiếng Anh online cho học sinh ở Lào Cai góp phần làm giảm thiểu sự thiếu hụt giáo viên. Với các môn khác cũng có thể áp dụng. Ví dụ như môn Khoa học tự nhiên, có thể bố trí cho giáo viên nơi khác dạy học lý thuyết online, phần thực hành là giáo viên của trường hướng dẫn. 

Mặt khác, tôi nghĩ nên giao cho các địa phương đặt hàng các trường đào tạo giáo viên mới là chính sách phù hợp. Chỉ có địa phương mới hiểu rõ tình trạng giáo viên của mình thừa thiếu ra sao thay vì Bộ GDĐT giao chỉ tiêu chung".

Liên quan đến tuyển dụng giáo viên có bằng cao đẳng có bị giảm chất lượng không, PGS.TS Nguyễn Chí Thành bày tỏ: "Đây là một câu hỏi rất quan trọng vì chất lượng của hệ thống giáo dục phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Sau khi tuyển, các trường, Phòng và Sở GDDT phải có chính sách bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên này. Khi đó, giáo viên, học sinh sẽ cùng được hưởng lợi và đáp ứng yêu cầu của xã hội".

Công tác dự báo, quy hoạch, đào tạo còn hạn chế

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Chí Thành cũng thẳng thắn chỉ ra: "Sự thiếu hụt giáo viên dạy học các môn mới lần đầu tiên được đưa vào trong Chương trình GDPT 2018 cho thấy sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa địa phương và Trung ương trong các công tác dự báo, quy hoạch, đào tạo, đặt hàng... còn nhiều thách thức và hạn chế, cần được phân tích, trao đổi và rút kinh nghiệm trong các hội nghị về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để có thể làm tốt hơn trong các năm học tiếp theo".

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GDĐT, cho rằng, ở mỗi vị trí việc làm trên thị trường lao động đều có yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ và các năng lực khác như độc lập, tự chủ thực hiện nhiệm vụ được giao nơi làm việc để rồi các cơ sở GDĐT sẽ phát triển chương trình giáo dục, định ra trình độ theo độ rộng và sâu của kiến thức, kỹ năng... để cho việc đào tạo không lãng phí.

Chính vì vậy, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, đề xuất tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng là hậu quả của việc tiếp cận chủ quan từ bên cung mà không phải từ yêu cầu của bên cầu. Điều này ông đã từng cảnh báo trước đó khi quy định giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng đại học, giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng trở lên, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên hiện nay là điều không tránh khỏi.

TS Vinh cho biết thêm: "Luật pháp không phải là sự kỳ vọng của người làm luật song phải gắn với thực tế, mang tính chế tài và khả năng thực hiện khả thi. Thực tế điều kiện ở nước ta chưa cho phép. Giáo viên có trình độ cao càng tốt, sẽ đáp ứng hiệu quả công việc hiện tại và cũng theo xu hướng của thế giới. Tuy nhiên điều này dễ dẫn đến tình trạng mua bằng, chạy bằng vì "bệnh bằng cấp" ở Việt Nam vẫn còn nặng nề. Hơn nữa, không hẳn hệ thấp hơn thì trình độ kém hơn, chưa kể rất đông các học sinh ở vùng sâu vùng xa cần được phân luồng vào học cao đẳng.

Với các bộ môn mang tính đặc thù có thể cho phép tuyển dụng từ trình độ cao đẳng trở lên, sau đó tiếp tục đào tạo để những giáo viên này hoàn thiện về trình độ theo quy định. Việc tuyển dụng giáo viên có bằng cao đẳng cần được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Quốc hội, tạo hành lang pháp lý để các địa phương thực hiện. Nếu không có Nghị quyết của Quốc hội, địa phương tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn sẽ sai luật".

Theo dự báo của Bộ GDĐT, đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ. Ở cấp THCS, môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên. Trong giai đoạn chuyển tiếp, với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 cần phải bổ sung đủ số lượng giáo viên đứng lớp bảo đảm theo thực tế dự báo tăng dân số cơ học và thực hiện giảng dạy các môn học.

Theo Bộ GDĐT, nếu không kịp thời tuyển dụng số giáo viên này thì tiếp tục xảy ra tình trạng thừa/thiếu cục bộ gây nhiều khó khăn cho các cơ sở trong triển khai các nhiệm vụ giáo dục, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của một bộ phận trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục và gây ra sự quá tải đối với giáo viên. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc cử nhân đào tạo chuyên ngành các môn tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật, công nghệ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp nên việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên các môn đặc thù có trình độ cử nhân theo quy định về chuẩn trình độ đào tạo rất khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem