Thăng Long tứ trấn – bốn ngôi đền thiêng của Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia cấp đặc biệt

Thanh Tùng Thứ tư, ngày 19/01/2022 14:39 PM (GMT+7)
Thăng Long tứ trấn là bốn ngôi đền thiêng có lịch sử lâu đời và gắn liền với văn hóa người Việt từ ngàn xưa. Với ý nghĩa đó, ngày 18/01, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 93/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 12) đối với 5 di tích trong đó có địa danh Thăng Long tứ trấn.
Bình luận 0

Thăng Long tứ trấn và câu chuyện phía sau bốn ngôi đền linh thiêng

Theo quan niệm dân gian, thành Thăng Long trở nên linh thiêng là nhờ có 4 ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông Tây Nam Bắc của thành, gọi là "Thăng Long tứ trấn". Bốn ngôi đền thiêng này thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí tâm linh quan trọng để che chở, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long.

Trấn Đông: Là đền Bạch Mã (thuộc phố Hàng Buồm ngày nay) thờ thần Long Đỗ, ngôi đền này được xây từ thế kỷ thứ 9.

Đền Bạch Mã xưa kia thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức – nơi cửa sông Tô Lịch. Đền được xây dựng vào năm 866 thờ Thần Long Đỗ, vị Thần đã phá phép thuật trấn yểm phong thủy nước nam của Cao Biền.

Thăng Long tứ trấn – bốn ngôi đền thiêng của Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia cấp đặc biệt - Ảnh 1.

Bạch Mã - Trấn Đông của Thăng Long tứ trấn. Ảnh: chonthieng.

Đến năm 1010, vua Lê Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, rồi đổi tên Đại La thành Thăng Long. Khi xây dựng lại thành Thăng Long thì thành cứ xây rồi lại lở. Vua liền vào đền cầu khấn, chợt thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi quanh một vòng, đi đến đâu đều để lại dấu chân, xong ngựa trắng trở vào đền thì biến mất.

Thăng Long tứ trấn – bốn ngôi đền thiêng của Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia cấp đặc biệt - Ảnh 2.

Tượng Thần Bạch Mã được thờ trong đền. (Ảnh: )

Vua liền cho đắp thành theo dấu chân mà ngựa trắng để lại thì dựng được thành. Vua liền cho thờ làm thành hoàng Thăng Long, phong thần Long Đỗ làm "Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương" và cho gọi ngôi đền là "bạch mã linh từ" tức đền thiêng ngựa trắng.

Trấn Nam: Là đền Kim Liên (nay ở phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền được xây dựng từ thế kỷ 17.

Cao Sơn Đại Vương – một trong những người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Theo truyện xưa kể lại Cao Sơn Đại Vương theo mẹ lên non, sau trợ giúp Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh.

Thăng Long tứ trấn – bốn ngôi đền thiêng của Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia cấp đặc biệt - Ảnh 3.

Đền Kim Liên - Trấn Nam của Thăng Long tứ trấn. Ảnh: dulichhanoi.

Theo thư tịch cũ để lại thì đền Kim Liên được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ nhằm để bảo vệ phía Nam kinh thành Thăng Long.

Đến năm 1509, vua Lê Tương Dực đã cho xây dựng lại đền Kim Liên. Sau này, dân làng đã lập thêm cổng Tam Quan ở phía trước cổng đền và bổ sung các nếp nhà mới, tạo thành một ngôi đình làng, gọi là đình Kim Liên. Đền Kim Liên được xây dựng trên gò cao, từ dưới sân bước lên phải qua 9 bậc gạch.

Trấn Tây: Là đền Voi Phục (hiện nay nằm trong công viên Thủ Lệ) thờ Linh Lang – một hoàng tử thời nhà Lý, đền được xây dựng từ thế kỷ 11.

Theo truyền thuyết thì vua Lý Thái Tông cùng một vị Vương Phi sinh được hoàng tử Linh Lang. Khi đất nước có ngoại xâm, Linh Lang bỗng vươn mình thành một tráng sĩ, xin Vua cha cấp cho 5.000 quân cùng voi chiến xông trận diệt giặc, mang dáng dấp của Phù Đổng Thiên Vương khi xưa.

Thăng Long tứ trấn – bốn ngôi đền thiêng của Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia cấp đặc biệt - Ảnh 4.

Đền Voi Phục - Trấn Tây của Thăng Long tứ trấn. Ảnh: diemdentamlinh.

Sau khi thắng trận khải hoàn trở về, Linh Lang đột nhiên lâm bệnh nặng. Phụ Hoàng đến thăm, Linh Lang tiết lộ rằng mình không phải phàm nhân bình thường, rồi qua đời. Nhà Vua thương tiếc phong là "Thượng đẳng thần" – Linh Lang Đại Vương.

Năm 1065, vua Lý Thánh Tông cho lập đền Linh Lang hay còn có tên khác là đền Voi Phục.

Trấn Bắc: Là đền Quán Thánh (hiện nay nằm ở cuối đường thanh niên) thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, đền được xây dựng từ thế kỷ thứ 10.

Theo truyền thuyết từ xưa Huyền Thiên Trấn Vũ là Thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà diệt yêu, trừ rùa thành tinh vào thời vua Hùng Vương thứ 14, trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ, giúp vua An Dương Vương trừ Bạch Kê Tinh để xây thành Cổ Loa, diệt Hồ Ly Tinh trên sông Hồng vào thời vua Lý Thánh Tông.

Thăng Long tứ trấn – bốn ngôi đền thiêng của Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia cấp đặc biệt - Ảnh 5.

Đền Quán Thánh - Trấn Bắc của Thăng Long tứ trấn. Ảnh: diemdentamlinh.

Đền được xây dựng vào năm 1160 dưới triều nhà Lý. Đây là nơi được xem là linh thiêng đến nỗi các đời vua Lê thường đến đây làm lễ cầu mưa mỗi khi hạn hán xảy ra.

Năm 1823, vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên đền là Trấn Vũ Quán. Sang thời vua Thiệu Trị năm 1842, thì đền đổi tên là Quán Thánh như bây giờ.

Trong đền có pho tượng Trấn Vũ đúc năm 1677 bằng đồng đen cao 3,96m, nặng khoảng 4 tấn. Cùng được đúc với tượng là quả chuông cao tới gần 1,5m, hiện treo ở gác Tam quan.

Thăng Long tứ trấn là một trong năm di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Trong đợt xếp hạng thứ 12 có 5 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gồm:

1- Di tích lịch sử Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo, thị xã An Khê, huyện Đak Pơ, huyện Kbang và huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.

2- Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

3- Di tích lịch sử Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

4- Di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049, huyện Sa Thầy và huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum bổ sung vào di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh được xếp hạng tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

5- Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn, gồm đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm), đền Voi Phục, đền Quán Thánh (quận Ba Đình), đền Kim Liên (quận Đống Đa), thành phố Hà Nội.

Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt với Thăng Long tứ trấn đã góp phần tôn vinh những giá trị lịch sử và ý nghĩa văn hóa cho địa danh đặc biệt này. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để bảo tồn những giá trị văn hóa và thu hút du khách đến với Thăng Long tứ trấn trong dịp Tết âm lịch sắp tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem