Thận trọng với nhà máy thép

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 21/04/2023 09:05 AM (GMT+7)
Bình Định đang khảo sát xây dựng dự án gang thép Long Sơn ở Lộ Diêu, bãi biển đẹp hiếm có Nam Trung Bộ. Nhưng, hoài nghi về lòng tin với nhà đầu tư vốn là doanh nghiệp lạ lẫm của ngành thép, sự xung đột giữa 2 trụ cột du lịch và công nghiệp, rủi ro môi trường, khiến dự án vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối.
Bình luận 0

Dễ hiểu vì sao nhà máy thép ở Lộ Diêu gây nên sự phản đối từ người dân, cán bộ hưu trí. Lộ Diêu quyến rũ nhờ sự sơ khai của gành đá, bờ cát trắng mịn, được quy hoạch phát triển du lịch. Đây cũng là địa danh gắn với những trang sử bi hùng của Bình Định, nơi chỉ 1 thôn có tới 141 liệt sỹ trong chiến tranh.

Bình Định đang là ngôi sao sáng trên bầu trời miền Trung, khi nhắc về môi trường du lịch xanh, thu hút ngành công nghiệp sạch, thân thiện môi trường.

Năm ngoái, tỉnh đón hơn 4,1 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu hơn 13.000 tỷ, con số này trong năm nay sẽ là 16.000 tỷ, có thời điểm Quy Nhơn quá tải. 

Ngoài yếu tố con người, tư duy lãnh đạo, hạ tầng, cơ chế tốt, thì môi trường yên bình, không có bất ổn chính trị và không khí trong lành, tạo nên khác biệt tích cực của Bình Định.

Nhiều doanh nghiệp từ những đất nước hiện đại trên thế giới, rất yên tâm khi làm ăn tại Bình Định, bởi họ không ngại chuyện lập dự án, xí nghiệp, nhà xưởng ở những nơi không phải trung tâm lớn, mà vấn đề cốt lõi khiến họ hài lòng, là môi trường an toàn. 

Nói vậy để thấy, việc bảo vệ môi trường, đặc biệt môi trường biển vô cùng quan trọng với Bình Định, cần đặt lên hàng đầu, đây là yếu tố then chốt trong thu hút nhà đầu tư.

Chủ tịch tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (49 tuổi) từ Trung ương về nhậm chức vừa tròn 6 tháng, là người có chuyên môn kinh tế, ông đưa ra hàng loạt yêu cầu dự án nhà máy thép phải đảm bảo tiêu chí khắt khe: "Công nghệ hiện đại, môi trường đạt tiêu chuẩn, người dân hưởng lợi…", mới được xem xét trình Chính phủ duyệt, vì tỉnh không đủ thẩm quyền quyết định.

Ông Tuấn nói rằng, sau sự cố thì giờ đây người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh quê ông vô cùng "happy" vì lợi ích mà Formosa mang lại, đi kèm lời mời bà con Lộ Diêu cùng mình về quê, nơi có nhà máy thép Formosa, tham quan. Tất cả cho thấy, kỳ vọng lẫn thận trọng, đều rất lớn.

Nhìn sang tỉnh láng giềng Quảng Ngãi, nhà máy thép có đóng góp rất lớn cho ngân sách cho tỉnh, tạo việc làm hàng nghìn lao động.

Trong "5 trụ cột, 3 đột phá" của Nghị quyết Đảng bộ Bình Định lần thứ XX, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là phát triển công nghiệp.

Vậy nên, Bình Định mở lòng với dự án nhà máy gang thép Long Sơn, là điều dễ hiểu.

Không phải tôi thành kiến, nhưng thực tế ngành luyện gang thép, ẩn chứa rủi ro rất lớn cho môi trường. Đấy, là lý do nhiều tỉnh thành thận trọng hoặc thẳng thừng từ chối, khi bắt tay làm dự án.

Sự cố gang thép Formosa tại Hà Tĩnh là bài học lớn ở Việt Nam với những con số tổn thất kinh hoàng, không ai muốn nhắc lại.  Sự cố khiến nhiều ý kiến phản đối nhà máy thép, vì muốn Lộ Diêu là của để dành, cho con cháu ngàn đời sau.

Những nông dân, ngư dân bản địa chân chất, chịu ơn với Lộ Diêu thì phản đối càng kịch liệt hơn, họ không dễ dàng rời bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nhường đất cho một dự án đầy rủi ro ô nhiễm.

Quan điểm nhất quán của lãnh đạo Bình Định qua các thế hệ, là không đánh đổi môi trường, lấy phát triển kinh tế. Điều này, còn ghi nhớ với những quyết sách táo bạo, quyết liệt giữ biển cho nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định từng kiên định khước từ dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội có tổng mức đầu tư 22 tỷ USD của nhà đầu tư Thái Lan, vào năm 2016, để tránh hậu quả môi trường, ảnh hưởng sinh kế.

Vì dự án nằm ngay trên đầm Thị Nại, sát cạnh Quy Nhơn, chỉ cách chiếc cầu Nhơn Hội.

Quyết sách này từng "áp lực", bởi Bình Định có thời điểm rất háo hức, tha thiết và tốn nhiều công sức, mời gọi dự án. Trải qua nhiều nghi ngờ, đến lúc này, đây là quyết sách rất sáng suốt, hợp lòng dân.

Bình Định còn làm điều táo bạo hơn khiến nhiều nơi khác phải kinh ngạc, khi đệ trình và được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội nằm ở phía bắc Quy Nhơn, trên bán đảo Phương Mai, vào tháng 5/2019.

Từ đó, bản chất Khu kinh tế Nhơn Hội được dịch chuyển từ định hướng là một tổ hợp công nghiệp, chủ yếu công nghiệp nặng… sang là đô thị - dịch vụ - du lịch; ngành nghề thân thiện môi trường, mở đường chuyển công nghiệp xa môi trường biển, xa vịnh Quy Nhơn, lên vùng núi Vân Canh.

Chưa hết, Quy Nhơn biểu tượng tự hào về "xanh, sạch và yên bình" của Bình Định cũng từng đứng trước nguy cơ bị thôn tính khi một doanh nghiệp hoạt động "tiếng tăm" xin xây dựng khu đô thị khách sạn, resort cao cấp, lấn biển với diện tích 300ha.

Đề xuất được gửi đến 2 thời kỳ Chủ tịch tỉnh nhưng đều bị lắc đầu, từ chối. Đây là kế hoạch "điên rồ" bê tông hóa bãi biển, đã bị lãnh đạo nhìn thấy "ý đồ" và kiên định khước từ.

"Nếu chúng tôi không có quyết định thấu đáo, vội vã gật đầu với dự án xâm hại biển Quy Nhơn, thì giờ đây đã bị người dân chửi rủa thậm tệ, con cháu oán hận", một lãnh đạo đương chức của Bình Định, từng nói với Dân Việt.

Đã nếm đau đớn từ bài học sâu cay, vất vả thu hút rồi từ chối và ý thức rất rõ tầm quan trọng môi trường biển, vậy tại sao, lần này Bình Định lại có một quyết định giẫm lên vết xe đổ, có thể đi ngược với những giá trị đã tốn công gầy dựng, khi chấp thuận chủ trương cho dự án gang thép?.

Sự thận trọng đối với dự án gang thép không bao giờ là đủ, bởi chỉ cần một sự cố nhỏ, cũng có thể mang đến rủi ro cực lớn.

Bình Định sẽ phải trả giá rất đắt, thậm chí nhiều dự án đang đầu tư ổn định ở lĩnh vực khác, có thể bị ảnh hưởng liên đới.

Nếu biển ô nhiễm, Bình Định đánh mất chính mình và mất tất cả. Khi có sự cố, những mặt hàng mà dân Việt Nam làm ra, muốn lọt vào thị trường quốc tế đòi hỏi đạt chuẩn môi trường hay nghề đánh bắt thuỷ hải sản, sẽ là nơi đầu tiên bị tác động trực tiếp và rõ nhất.

Rồi những thông tin độc hại, hình ảnh xấu của Bình Định sẽ lan truyền rất nhanh, du lịch thiệt hại và vô vàn hệ luỵ đằng sau, với những hậu quả không tưởng. 

Xin thưa, tất cả những rủi ro đấy, không một lãnh đạo nào chịu trách nhiệm nổi và cũng không có ai, thay dân gánh hậu hoạ.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Phạm Văn Chi từng có câu nói rất nổi tiếng: "Từ chối dự án thép tỷ đô, tôi nghĩ mình đã làm một việc để sau này không bị con cháu oán hận".

Ông là người đã quyết liệt, kiên trì đấu tranh loại dự án nhà máy thép có công suất, vốn đầu tư "khủng" ra khỏi khu vực Đầm Môn, vịnh Vân Phong, để tránh hậu hoạ.

Vậy, nếu không làm gang thép, Bình Định phải làm gì để tăng tốc, góp mặt trong top dẫn đầu miền Trung?

Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú cộng ,Bình Định vẫn còn nhiều lĩnh vực có dư địa, đang nằm trong định hướng "5 trụ cột, 3 đột phá" như du lịch, dịch vụ cảng và logistics, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản công nghệ cao hay đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực, thu hút lao động chất lượng cao…, và nhiều tiềm năng khác, chờ khai phá.

Tôi tin bất kỳ người lãnh đạo nào vì dân, cũng đều muốn mời gọi dự án "đại bàng" giúp kinh tế địa phương phát triển, đời sống của dân ấm no, hạnh phúc.

Nhưng, góp ý thẳng thắn, đi cùng đánh giá thận trọng của nhà khoa học, chuyên gia, nhà báo và cả ý kiến người dân, là cần thiết để quyết định, có nên làm dự án gang thép hay không?

Cẩn tắc vô áy náy! Sự thận trọng của Bình Định với dự án gang thép lần này, không bao giờ thừa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem