Tại sao văn học trinh thám Việt Nam ra đời gần một thế kỷ vẫn bị xem là non trẻ?

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 13/09/2022 11:15 AM (GMT+7)
Mới đây, tại trụ sở Hội Nhà Văn Việt Nam đã diễn ra tọa đàm “Văn học trinh thám hiện đại: Giao thoa Đông - Tây”. Đây là lần đầu tiên, những vấn đề của văn học trinh thám hiện đại được đem ra mổ xẻ, bình luận và tìm hướng để phát triển.
Bình luận 0

Văn học trinh thám Việt Nam vẫn quá ít và thiếu

Trong khảo cứu "Nhận diện truyện trinh thám Việt Nam", tác giả Lê Kỳ đặt vấn đề rằng, truyện trinh thám nhen nhóm ở Việt Nam từ thập niên 30 của thế kỷ XX. Người có công mở đầu cho truyện trinh thám ở Việt Nam chính là Biến Ngũ Nhy. Từ năm 1917 ông đã giữ mục "Mật thám truyện" trên Công Luận báo, chuyên dịch các tác phẩm trinh thám nước ngoài ra tiếng Việt. Song song với việc dịch thuật, tác phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của truyện trinh thám được viết bằng chữ Quốc ngữ là "Kim thời dị sử - Ba Lâu ròng nghề đạo tặc" (in trên Công Luận báo từ 1917 đến 1920). 

Tại sao văn học trinh thám Việt Nam ra đời gần một thế kỷ vẫn bị xem là non trẻ? - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại tọa đàm “Văn học trinh thám hiện đại: Giao thoa Đông - Tây”. Ảnh: FBNV.

Sau đó, văn đàn miền Nam chứng kiến sự nở rộ của tiểu thuyết trinh thám, đặc biệt là giai đoạn 1930 - 1945 với các tên tuổi như: Nguyễn Chánh Sắt (Gái trả thù cha), Nam Đình Nguyễn Thế Phương (Khép cửa phòng thu, Chén thuốc độc, Giọt lệ má hồng), Sơn Vương (Bát cơm chan máu, Chén cơm lạt, Tướng cướp hào hoa), Bửu Đình (Mảnh trăng thu, Cậu Tám Lọ), Lê Hoằng Mưu (Lá huyết thư, Người bán ngọc), Đức Phú (Châu về Hiệp Phố)...

Thế Lữ với tập truyện đầu tay "Vàng và máu" (1934) cũng được đánh giá là người có công mở đầu cho thể loại văn học trinh thám ở miền Bắc. Ngay từ khi mới ra đời, tác phẩm của Thế Lữ nhanh chóng trở thành "hiện tượng mới lạ" trên văn đàn, gây tò mò và xúc động cho công chúng đương thời bởi lối kể chuyện hấp dẫn, cốt truyện gay cấn, tình tiết li kì, giọng văn thanh thoát, ngôn ngữ tự nhiên, giàu cảm xúc. Phạm Cao Củng cũng được mệnh danh là "vua truyện trinh thám Việt Nam" với nhiều tác phẩm đặc sắc như: Vết tay trên trần (1936), Cái gia tài nhà họ Đặng, Máu đỏ lòng son, Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Người một mắt (1940), Nhà sư thọt, Kỳ Phát giết người (1941), Đám cưới Kỳ Phát (1942)...

Từ dòng chảy ấy, đến nay, văn học trinh thám của Việt Nam đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Số lượng tác giả viết văn học trinh thám ngày càng trẻ hóa, các đầu sách được xuất bản hàng năm cũng nhiều hơn trước đây. Ngoài ra, có hẳn một group "Hội thích truyện trinh thám" với gần 4 vạn thành viên. Tuy nhiên, văn học trinh thám vẫn được xem là non trẻ và chưa có hướng phát triển đúng tầm.

Tại sao văn học trinh thám Việt Nam ra đời gần một thế kỷ vẫn bị xem là non trẻ? - Ảnh 2.

"Câu lạc bộ số 7" của Di Li và "Cơn bão" của Oystein Torsrud là hai tác phẩm văn học trinh thám mới nhất trên kệ sách văn học Việt Nam. Ảnh: FBNV.

Phát biểu tại tọa đàm, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam, số lượng sách văn học trinh thám vẫn quá ít ỏi và tác giả viết văn học trinh thám cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người nổi bật nhất mà khi nhắc đến văn học trinh thám đương đại là nhà văn Di Li.

"Tôi từng đặt câu hỏi "Tại sao ít người viết về văn học trinh thám như vậy?", tôi tìm hiểu thì thấy nhiều nhà văn nghiêm trọng hóa tính chất của văn chương. Chính vì thế mà họ đặt vấn đề đầy nghiêm trọng, đầy phức tạp… Ở văn học Việt Nam thiếu hai điều rất quan trọng mà văn học thế giới đã thành công, đó là tính giễu nhại (hay hài hước) và tính trinh thám trong văn học Việt Nam quá ít, quá thiếu. 

Trong khi nhiều tác phẩm văn học trinh thám của các tác giả nổi tiếng phương Tây tràn ngập trong các tủ sách của thế giới thì văn học trinh thám Việt Nam vẫn đang rất ít được quan tâm. Tôi hoàn toàn ủng hộ và mong muốn văn học trinh thám Việt Nam phát triển. Nếu người Việt mê đọc thể loại này, nếu có những tác giả viết tốt thì nền văn học nhìn chung sẽ được hưởng lợi. Tôi đang nghĩ tới ý tưởng về tổ chức những cuộc thi riêng cho các thể loại trinh thám tại Việt Nam", nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Nhu cầu về văn học trinh thám của bạn đọc Việt Nam đã khác xưa

Tại toạ đàm hai diễn giả Di Li và Oystein Torsrud đã chia sẻ về văn nghiệp, đặc biệt làm rõ sự khác biệt của văn học trinh thám Đông - Tây. Nhà văn Di Li cho biết, sự logic, tính cách suy lý của phương Tây là điều giúp cho văn học trinh thám phương Tây phát triển mạnh. Một thực tế là với lượng dân cư không quá lớn, nhưng trinh thám Bắc Âu như Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch… có thể bán được hàng triệu bản. Nhà văn trinh thám phương Đông cũng rất mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và nền văn học giải trí của Việt Nam vẫn còn non trẻ. Tuy nhiên, điều tích cực là văn học trinh thám đã bước qua thời kì của trinh thám cổ điển. Ngày nay, các vấn đề như bạo lực học đường, tội phạm công nghệ cao, bắt nạt qua mạng xã hội… đều đã phảng phất có trong văn học Việt.

Tại sao văn học trinh thám Việt Nam ra đời gần một thế kỷ vẫn bị xem là non trẻ? - Ảnh 3.

Từ trái qua: nhà văn Di Li, Đức Anh, Oystein Torsrud... Ảnh: FBNV.

Nhà văn Di Li nhấn mạnh các kỹ thuật điều tra hiện đại sẽ là điểm nhấn để văn học trinh thám trở nên "đúng đắn" hơn trước đòi hỏi và nhu cầu của độc giả. Đặc biệt, các kỹ thuật của thể loại này có thể áp dụng tốt cho mọi dạng tiểu thuyết khác.

"Nếu như cách đây 2 - 3 thập niên, các nhà văn trinh thám chỉ dụng đến kỹ thuật hình sự thì trong những năm trở lại đây, các nhà văn trinh thám thế kỷ 21 bắt đầu sử dụng biện pháp điều tra bằng công nghệ. Công nghệ 4.0 xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm trinh thám, đặc biệt là trinh thám Bắc Âu và trinh thám của Mỹ. Với nền trinh thám của Pháp, họ vẫn đưa những câu truyện mang tính văn hóa, tính nhân văn vào tác phẩm nhưng cơ bản thì kỹ thuật hình sự, giám định pháp y, công nghệ máy tính để điều tra các tội phạm công nghệ cao là điển hình của trinh thám hiện đại.

Đứng trên phương diện cá nhân là một người viết truyện trinh thám, tôi cũng phải nghiên cứu rất nhiều về kỹ thuật hình sự, giám định pháp y và luật. Đặc biệt luật phải là luật mới nhất. Bên cạnh đó về phần công nghệ tôi cũng phải nghiên cứu rất nhiều. Vì thế nên để có thể ra mắt độc giả một tác phẩm trinh thám khoảng 500 - 600 trang, tôi đã phải viết trong nhiều năm", nhà văn Di Li chia sẻ thêm.

Nhà văn Oystein Torsrud cho biết, lý do văn học trinh thám ở các nước phương Tây phát triển là do các nhà văn quan tâm đến các vấn đề của xã hội bản địa đương đại, cố gắng truyền tải điều ấy qua tác phẩm.

"Các nhà xuất bản Na Uy thường sở hữu những mặt mạnh về thông tin, họ biết cách tạo sự hấp dẫn cho những cuốn sách mới ra, điều đó tạo động lực cho các nhà văn viết các tiểu thuyết mới", nhà văn Oystein Torsrud nói.

Nhà văn trẻ Đức Anh cho rằng, sự ảnh hưởng của văn học nước ngoài, Phương Tây đến Việt Nam là qua ba yếu tố: văn phong, cách đặt vấn đề và cách tư duy tổ chức cốt truyện. Để có một tương lai mạnh hơn, văn học Việt Nam sẽ phát huy yếu tố bản địa, kết hợp với các kỹ thuật học được từ các nền văn học phát triển. Ngày nay các độc giả trẻ đều mong muốn các tác giả trẻ Việt Nam sẽ mang nhiều cái tình, cách nói chuyện, các bối cảnh và đặc biệt là các vấn đề của đất nước trong quá khứ, và trinh thám như một công cụ để diễn đạt các quan điểm nghệ thuật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem