Tái cơ cấu nông nghiệp: Chuyển đổi cây trồng, ứng phó xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 17/12/2019 15:30 PM (GMT+7)
Nước mặn đã xuất hiện rất sớm và đang xâm nhập sâu vào địa bàn một số địa phương ở ĐBSCL. Hiện ngành chức năng và người dân nơi đây đang triển khai nhiều giải pháp để ứng phó.
Bình luận 0

Diễn biến phức tạp ở Bến Tre

Sáng 16/12, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho hay, khoảng 1 tuần nay, mặn đã xâm nhập vào địa bàn huyện Chợ Lách. Hiện ngành nông nghiệp đang cùng bà con khẩn trương ứng phó.

img

Mặn xuất hiện sớm ở Vĩnh Long (Cống ngăn mặn, trữ ngọt ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long)  Ảnh: Huỳnh Xây

Trước đó, ngày 10/12, độ mặn cao nhất ở huyện Chợ Lách là 6,65‰ (đo tại Vàm Cái Hàn, ấp Phú Hòa, Xã Hưng Khánh Trung B), nhưng sau đó giảm dần. Đến nay, độ mặn cao nhất chỉ ở mức 1,3‰. Theo ông Liêm, do độ mặn được phát hiện sớm, người dân có sự chủ động, chuẩn bị nên chưa có có bị thiệt hại về cây ăn trái và hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán. Về độ mặn giảm, ông Liêm cho rằng, chỉ là tạm thời và sẽ tăng trở lại khi có gió chướng và triều cường.

Lượng mưa trên sông Mekong (từ tháng 6 đến tháng 10/2019)
Vùng thượng nguồn thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 35-40%
Vùng trung và hạ lưu xấp xỉ trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2015 khoảng 10-15%.
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4-0,7m
Dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL từ 12/2019 đến 2/2020 thiếu hụt 30-45%.

“Hầu hết tất cả các nhánh sông trên địa bàn huyện đều có khả năng lấy nước được nên chúng tôi đang chỉ đạo bà con tranh thủ trữ và sử dụng dần. Để hỗ trợ người dân ứng phó với hạn mặn trong thời gian tới, Phòng NNPTNT huyện đã và đang hướng dẫn người dân thử nghiệm một số dụng cụ trữ nước ngọt tưới cho vườn cây ăn trái và hoa kiểng” - ông Liêm nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước diễn biến khó lường của tình trạng xâm nhập mặn, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Chợ Lách đã nhanh chóng tổ chức họp bàn phương án ứng phó. Tại cuộc họp, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phải đo độ mặn hàng ngày, tổ chức các điểm đo độ mặn miễn phí cho người dân có nhu cầu. Đồng thời, xây dựng các khu vực trữ nước ngọt ở các xã, mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt cho các xã bị ảnh hưởng do mặn.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bến Tre đã có công văn gửi nhiều đơn vị có liên quan yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó. Bởi theo dự báo, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn biến rất nghiêm trọng ở tỉnh này, dẫn đến khó khăn về nguồn nước ngọt ngay từ tháng 1/2020.

Không chỉ ở Chợ Lách, trên các sông chính đi qua nhiều địa phương khác ở  Bến Tre cũng đột ngột xuất hiện nước mặn. Mới đây, độ mặn cao nhất đo được trên sông Cửa Đại tại trạm Giao Hòa có lúc lên đến 10,6‰ (cách cửa sông 39km), trên sông Cổ Chiên tại trạm Cân Sơn 8,19‰ (cách cửa sông 36km), trên sông Hàm Luông tại trạm Mỹ Hóa 4,4‰ (cách cửa sông 48km).

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bến Tre đã đề nghị các ngành chức năng và người dân sử dụng tiết kiệm nước, thực hiện các giải pháp trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô tới. UBND các địa phương triển khai thực hiện ngay việc đắp đập thời vụ ngăn mặn cục bộ đối với những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Các huyện khu vực thượng nguồn (Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc...) chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái, tổ chức đo kiểm tra độ mặn khi có diễn biến gay gắt để kịp thời khuyên cáo người dân lây nước tưới cho phù hợp, hạn chế xảy ra thiệt hại.

Mặn xuất hiện rất sớm tại Vĩnh Long

Trong khi đó, ở tỉnh Vĩnh Long, nước mặn cũng xuất hiện rất sớm. “Theo quy luật nhiều năm, Vĩnh Long chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn từ tháng 2 đến tháng 5, cao điểm nhất là tháng 3 và tháng 4. Nhưng quy luật này đã thay đổi, mặn xuất hiện sớm hơn và độ mặn cao hơn. Cụ thể, chưa năm nào trong tháng 12 tại cống Nàng Âm, độ mặn cao tới 8,2‰; tại Vàm Vũng Liêm cao 6,6‰” - ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho biết.

img

Người dân huyện Chợ Lách (Bến Tre) sử dụng tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất hoa kiểng.  Ảnh: H.X

Theo ông Lợi, ông công tác ở Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Long đến nay đã 38 năm nhưng chưa thấy có năm nào, Vĩnh Long chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn như năm nay. Theo cơ sở dữ liệu có được, có thể nhận định, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 ở Vĩnh Long sẽ diễn ra gay gắt, bằng hoặc cao hơn năm 2016.

"Số liệu độ mặn hiện giờ cho thấy cao hơn đợt hạn mặn khốc liệt vào năm 2016. Không những vậy, thời gian xâm nhập đã không theo quy luật nữa, thay vì tháng 3, tháng 4 hàng năm thì hiện nay mặn đã xuất hiện và với nồng độ cao”.

Ông Bùi Văn Nghiêm - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long

Ông Lê Văn Phương (64 tuổi, nông dân ngụ xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) lo lắng nói: “Mấy năm trước, qua Tết Nguyên đán, mặn mới xuất hiện và không đáng kể, nhưng năm nay đã khác rồi nên tôi rất lo. Rất may tôi đã trữ nước trong vườn cam, nếu không là sẽ bị thiệt hại rồi”.

Ông Lê Thanh Vũ - Phó Bí thư thường trực huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) nói: “Xâm nhập mặn đợt này về sớm khiến địa phương bị động. Với diễn biến này, nếu không ứng phó kịp, đóng các cống, trữ nước ngọt thì coi như lúa của bà con sẽ bị lép hạt, cây ăn trái mất mùa và thậm chí sẽ chết hết. Tời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng thông báo cho bà con biết diễn biến mặn trong thời gian sớm nhất”.

Hướng xâm nhập mặn chủ yếu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là sông Cổ Chiên và sông Hậu, gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản ở huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn và Tam Bình. Do đó, ông Trần Hoàng Tựu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã chủ đạo các ngành chức năng xây dựng 3 phương án ứng phó với đợt hạn mặn từ nay kéo dài cho đến đầu năm 2020. Kịch bản ứng phó nặng nề nhất là hạn mặn sẽ gây nhiễm mặn, thiếu nước cho gần 100.000ha hoa màu, lúa, cây ăn trái, cuộc sống của hàng chục nghìn hộ gia đình gặp khó khăn.

Các biện pháp ứng phó được đưa ra là đóng cống ngăn mặn khi triều cường cao, ngừng bơm nước cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt. Khi triều xuống, bơm nước vào vùng trữ ngọt để phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân. Đồng thời chỉ đạo tất cả các địa phương phải trực chiến 24/24 giờ để có thông tin xâm nhập mặn mới nhất và liên tục gửi cảnh báo đến người dân thông qua tin nhắn trên điện thoại.

Biến đổi khí hậu làm giảm 5,8 lần năng suất nông nghiệp

Hôm nay 17/12, tại TP.HCM, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam (VCA)… tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy Ứng dụng Công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản vì một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Đây là một phần trong khuôn khổ sáng kiến Diễn đàn 2030 của VUSTA.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết thông qua hội thảo nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan để đưa ra giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản, sản xuất nông nghiệp phát ra khí thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

img

Biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng đối với sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện nước ta có hơn 23.000 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm hơn 60%, 88 liên hiệp HTX và 104.000 tổ hợp tác. Trong 2 năm 2018 và 2019, Liên minh HTX đã hỗ trợ gần 160 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng nông sản, có ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao... như HTX chăn nuôi Mộc Bắc, HTX chăn nuôi Bình Thành, tỉnh Hà Nam; HTX thanh long Mỹ Tịnh An, Tiền Giang; HTX nông nghiệp Phò Ninh, Thừa Thiên Huế...

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta ước đạt khoảng 41,3 tỷ đô la Mỹ, xuất siêu gần 10 tỷ đô la Mỹ. Hiện có 7 nhóm sản phẩm xuất khẩu trên 2 tỷ đô la Mỹ là cà phê, cao su, gạo, hạt điều, trái cây, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu tác động đến nông nghiệp và các ngành liên quan có thể làm giảm từ 0,7% đến 2,4% GDP của nước ta vào năm 2050. Năng suất nông nghiệp giảm 5,8 lần nếu không có hành động ứng phó biến đổi khí hậu.

Cụ thể lúa giảm gần 1,5 triệu tấn, bắp gần 900.000 tấn, cà phê, khoai mì... năng suất cũng giảm từ 3,6% đến 6,6%. Với dự báo nước biển dâng 1 mét, sẽ có khoảng gần 11.000 km vuông đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Tại Việt Nam, nông nghiệp tạo ra gần 15% tổng sản phẩm quốc nội nhưng cũng đóng góp từ 19% đến 29% phát thải khí nhà kính. Nông nghiệp Việt Nam và các quốc gia khác cần thay đổi trước khi biến đổi khí hậu thay đổi chúng ta.

img

Lễ ký kết hợp tác giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng nông sản bền vững.

Buổi hội thảo thu hút sự quan tâm của hàng trăm đại biểu. Với thành phần tham dự gồm Hội thành viên, chuyên gia Liên hiệp hội địa phương các tỉnh lân cận, tổ chức trực thuộc VUSTA, tổ chức phi chính phủ hoạt động ở phía Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và biến đổi khí hậu; đại diện lãnh đạo UBND và Sở Nông nghiệp một số địa phương, các doanh nghiệp , HTX sản xuất, kinh doanh; các chuỗi bán lẻ và các đối tác công nghệ, dịch vụ, Liên minh HTX các tỉnh, thành; các hợp tác xã, Liên hiệp HTX đang hoạt động trong chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam.

Các đại biểu đã thảo luận về mô hình hợp tác đa bên; trao đổi cụ thể về các sáng kiến hợp tác để tiếp cận thị trường bán lẻ và xuất khẩu... Tại hội thảo còn có lễ ký kết hợp tác giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng nông sản bền vững.

Nguyễn Quỳnh

Sản lượng thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, 2019 là một năm cực kỳ khó khăn và rất nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp. Bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã gây ảnh hưởng nặng nề với hơn 5,9 triệu con lợn bị tiêu hủy, sản lượng thịt lợn giảm gần 9%.

Đây là một thiệt hại rất lớn. Nhưng với sự quan tâm đặc biệt, trực tiếp Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đã chỉ đạo rất cụ thể và sát sao thực hiện đồng bộ các giải pháp để khống chế dịch bệnh nguy hiểm này, đồng thời hỗ trợ, bảo vệ nghiêm ngặt đàn giống hạt nhân để tái đàn. Bệnh dịch đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm, góp phần kiểm soát dịch bệnh và duy trì chăn nuôi, tái đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học.

Trong năm, Bộ đã quyết liệt thực hiện các giải pháp điều chỉnh cơ cấu sản xuất thích ứng, linh hoạt với tình hình để thúc đẩy tăng trưởng các ngành hàng còn dư địa tăng trưởng tốt như: Tăng sản lượng rau, cây ăn quả; tăng sản lượng gia cầm, gia súc lớn, trứng gia cầm để đáp ứng thực phẩm thay thế thịt lợn; tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng, đặc biệt là tôm nước lợ và cá tra. Nhờ vậy, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145.000 tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả)...

Khương Lực

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem