Siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam sau 1 năm vận hành đạt những kết quả gì? (Bài 1)

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 13/03/2023 10:20 AM (GMT+7)
Công trình cống Cái Lớn - Cái Bé nằm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được xem siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam. Sau 1 năm vận hành thử nghiệm, đã mang lại một số hiệu quả thiết thực.
Bình luận 0

LTS: Sau một năm vận hành thử nghiệm cống Cái Lớn - Cái Bé, bên cạnh những mặt đạt được, siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam đã gặp phải một số khó khăn, qua đó đơn vị vận hành cũng như các địa phương trong vùng hưởng lợi dự án đã có những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ... 

Không phải đắp đập tạm, chưa ghi nhận thiệt hại do xâm nhập mặn ở vùng sản xuất lúa

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, sau khi đưa vào vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé đến nay, tại tỉnh Kiên Giang, đối với khu vực quy hoạch sản xuất của tỉnh, chưa ghi nhận thiệt hại do xâm nhập mặn ở vùng sản xuất lúa.

Siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam sau 1 năm vận hành: Đạt được kết quả ra sao? (Bài 1) - Ảnh 1.

Công trình cống Cái Lớn - Cái Bé (siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam). Ảnh: Huỳnh Xây

Siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam này kết hợp với các cống ven biển An Biên, An Minh và các cống ven sông Cái Lớn, Cái Bé đảm bảo ổn định nguồn nước, phục vụ tốt cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, ngọt - lợ luân phiên và mặn - lợ.

Đặc biệt, từ mùa khô năm 2021-2022 đến nay, khu vực thượng lưu cống Cái Lớn - Cái Bé không phải đắp đập tạm để kiểm soát mặn như những năm trước đó. Được biết, trước đây huyện Châu Thành đắp 10 đập tạm, huyện Giồng Riềng và Gò Quao đắp 126 đập tạm.

Liên quan đến vấn đề không phải đắp đập tạm để ngăn nước mặn, theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, địa phương đã tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa không ảnh hưởng đến giao thông thủy do việc đắp đập tạm gây ra.

Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, từ khi vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé đến nay, các mô hình sản xuất độc canh trong vùng hưởng lợi của dự án phát huy hiệu quả (cánh đồng lớn sản xuất lúa 300ha ở huyện Giồng Riềng và An Biên; mô hình tôm-lúa 360ha ở huyện An Biên và An Minh; mô hình nuôi tôm; mô hình khóm - cau - dừa;...), chưa ghi nhận sự chuyển cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Được biết, hiện nay, riêng đối với vùng nuôi tôm nước lợ ở huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và Gò Quao theo dự kiến thả nuôi trên diện tích khoảng 67.370ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Diện tích tôm càng xanh thả nuôi ghép trong các mô hình nuôi tôm nước lợ dự kiến đạt khoảng 36.500ha, tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Tại Hậu Giang, từ tháng 2/2021, tức là kể từ khi vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé đến nay, nguồn nước đảm bảo phục vụ tốt cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt - lợ. Đặc biệt, khu vực thường xuyên bị mặn xâm nhập trong các mùa khô như huyện Long Mỹ không phải đắp nhiều đập tạm.

Theo đó, các vùng sản xuất lúa và thủy sản chưa ghi nhận thiệt hại do xâm nhập mặn. Các mô hình sinh kế của người dân vùng ảnh hưởng dự án, nhất là các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn bước đầu mang lại hiệu quả cho giúp nông dân chủ động trong sản xuất. Cụ thể như mô hình tôm - lúa, mô hình lúa - rau màu, mãng cầu ở huyện Long Mỹ; mô hình khóm - thủy sản ở TP.Vị Thanh đã giúp thu nhập của người dân tăng, ổn định

Theo Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam cùng với hệ thống hạ tầng thủy lợi mà tỉnh đầu tư 24 tỷ đồng để thực hiện các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu đã giúp kiểm soát nguồn nước theo từng thời điểm được tốt hơn, hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hậu Giang sẽ đánh giá, nhân rộng các mô hình sinh kế để tiếp tục tăng giá trị sản phẩm tạo ra, góp phần phát triển vùng sản xuất theo hướng ổn định, bền vững, thích nghi với điều kiện tự nhiên.

Tăng cường thêm nguồn nước ngọt từ sông Hậu về các vùng giữ ngọt

Liên quan đến hiệu quả của siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam sau 1 năm vận hành, ông Ngô Nguyên Phong - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Cống Cái Lớn - Cái Bé đã góp phần kiểm soát được sự xâm nhập mặn từ biển Tây (từ đầu tháng 3 dương lịch hàng năm), tăng cường thêm nguồn nước ngọt từ sông Hậu về các vùng giữ ngọt, nhất là khu vực phía Bắc trục kênh Quản Lộ Phụng Hiệp của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang".

Siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam sau 1 năm vận hành: Đạt được kết quả ra sao? (Bài 1) - Ảnh 2.

Từ khi vận hành siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam, chưa ghi nhận thiệt hại do xâm nhập mặn ở vùng sản xuất lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

Ngoài ra, theo ông Phong, khi đi vào vận hành, cống Cái Lớn - Cái Bé góp phần giải quyết tình trạng ngập úng, khô hạn do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu ở vùng Bắc Quốc Lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu (mở rộng thêm khả năng tiêu úng vào mùa mưa về hướng biển Tây - Kiên Giang). Công trình còn tạo thêm cơ sở hạ tầng thủy lợi để từng bước khép kín các tiểu vùng sản xuất tại Vùng Bắc Quốc Lộ 1 A của tỉnh Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam (đơn vị vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé) cho biết, trong thời gian vận hành vừa qua, đã đảm bảo cơ bản kiểm soát nguồn nước, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể nhất là tại Kiên Giang, vùng sinh thái ngọt hoàn toàn khoảng 145.600 ha thuộc các huyện An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng đã được kiểm soát và nước mặn không xâm nhập gây thiệt hại.

Đối với vùng sản xuất lúa - tôm, theo ông Anh, việc vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé, Xẻo Rô, kết hợp với việc vận hành các cống do tỉnh quản lý, đã đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất lúa vụ mùa, vụ Đông Xuân 2022-2023 và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện An Biên, An Minh, Gò Quao, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận.

Theo đánh giá kết quả thực hiện quy trình vận hành tạm thời đối với Cái Lớn - Cái Bé của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, công trình đã đã đem lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát xâm nhập mặn vào thời kỳ cao điểm.

Công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam được triển khai xây dựng tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang với tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỉ đồng, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NNPTNT) làm chủ đầu tư.

Trong đó, cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40m và khoang âu thuyền rộng 15m. Cống Cái Bé tổng chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35m và 1 khoang âu thuyền rộng 15m.

Mục tiêu của dự án cống Cái Lớn - Cái Bé giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi tại ĐBSCL với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên 346.200 ha.

Công trình cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam này kết hợp với tuyến đê biển phía Tây sẽ tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng.

Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/2019 và hoàn thành vào tháng 11/2021. Vào tháng 1/2022, công trình đã được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành thử nghiệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem