Sau nhiều vụ chó pitbull cắn chết người: Chó dữ nhưng chưa có quy định cụ thể

Quang Trung Thứ năm, ngày 01/09/2022 06:00 AM (GMT+7)
Sau nhiều vụ chó pitbull cắn chết và làm bị thương người, chuyên gia pháp lý cho rằng, cần có quy định điều kiện riêng đối với các loại chó dữ có khả năng tấn công người.
Bình luận 0

Chó pitbull nặng 40kg cắn chết nữ chủ nhà

Vụ việc chó pitbull nặng 40kg cắn chết nữ chủ nhà 64 tuổi ở Thanh Hóa đang gây xôn xao dư luận.

Cụ thể, UBND xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tối 28/8, trong lúc cho chó (giống chó pitbull) của gia đình nuôi ăn, bà D. (64 tuổi, trú tại thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ) bất ngờ bị con chó tấn công, cắn nhiều cái vào cơ thể nạn nhân.

Sau nhiều vụ chó pitbull cắn chết người: Chó dữ nhưng chưa có quy cụ thể - Ảnh 1.

Vụ việc chó pitbull nặng 40kg cắn chết nữ chủ nhà 64 tuổi ở Thanh Hóa một lần nữa cho thấy sự hung dữ của loại chó này. Ảnh minh họa.

Dù được người thân và hàng xóm phát hiện nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nhưng do bị con chó cắn vào chỗ hiểm khiến vết thương quá nặng nên bà D. đã tử vong ngày 30/8.

Theo người thân của bà D., gia đình nạn nhân có nuôi con chó pitbull được hơn 1 năm nay, nặng khoảng 40kg.

Tìm hiểu được biết, đây không phải là lần đầu tiên loại chó này căn chết người. Vào hồi tháng 7 năm nay, một bé trai 8 tuổi tại Bình Phước cũng bị chó pitbull cắn tử vong. Trước đó, nhiều người cũng bị chó pitbull cắn bị thương.

Cần có quy định, điều kiện riêng đối với các loại chó dữ

Sau các sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi về việc hiện nay có quy định nào về việc nuôi chó cảnh, đặc biệt là các loại chó dữ?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm việc nuôi chó mèo, tuy nhiên có những quy định để quản lý và hạn chế những mối nguy hiểm do các loại động vật này gây ra.

Theo đó, những người nuôi chó dù với mục đích làm cảnh, thú cưng hay để kinh doanh, trông nhà đều phải khai báo với chính quyền địa phương, tiến hành tiêm phòng theo quy định và nuôi nhốt, đảm bảo an toàn nơi đông người.

Trường hợp vi phạm quy định về tiêm phòng, trông coi bảo quản dẫn đến hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường, mất an toàn cho con người, tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà chủ vật nuôi có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y; khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y.

Phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Sau nhiều vụ chó pitbull cắn chết người: Chó dữ nhưng chưa có quy cụ thể - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Ông Cường cho biết, quy định đã có nhưng thực tiễn ở các thành phố lớn đang tồn tại tình trạng nhiều người dân không tuân thủ quy định về quản lý chó mèo, không tiêm phòng, không xích, nhốt theo quy định.

Đặc biệt, gần đây trào lưu nuôi chó là thú cưng đã rất phổ biến ở các đô thị lớn, trong đó có cả những loại chó hùng dữ như: Pitbull, chó ngao Tây Tạng, chó Doberman, chó Boxer…Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định hạn chế các loài chó dữ này.

Trong khi đó, theo thống kê, hằng năm các loại chó dữ gây ra rất nhiều vụ cắn người nghiêm trọng, gây thiệt hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác, trong đó chủ yếu là trẻ em và người già.

Ngoài ra, ông Cường còn còn cho hay, dù đã có quy định xử phạt nhưng việc thả rông chó ngoài công cộng, không đeo rọ mõm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Theo quy định của pháp luật, hành vi thả rông chó nơi công cộng, không tuân thủ quy định về quản lý chó, không tuân thủ quy định về tiêm phòng thì sẽ bị xử phạt hành chính.

Chế tài hành chính có thể áp dụng theo quy định tại Nghị định 04/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2017/NĐ-CP). Theo đó mức phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người nào có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa ra nơi công cộng.

Trường hợp người nuôi chó để chó tấn công người khác gây thiệt hại, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, chủ vật nuôi còn phải bồi thường thiệt hại theo Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015.

Bộ luật dân sự hiện hành quy định vật nuôi là nguồn nguy hiểm cao độ, trường hợp vật nuôi gây thiệt hại cho người khác, kể cả trường hợp chủ vật nuôi không có lỗi, vẫn phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp vi phạm quy định về quản lý vật nuôi dẫn đến chó cắn chết người, người quản lý chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định an toàn nơi đông người" theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự.

Như vậy, hiện nay đã có quy định tương đối đầy đủ về quản lý phòng dại chó mèo, đảm bảo an toàn khi nuôi chó mèo.

Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn chưa cao, công tác quản lý ở một số địa phương còn yếu kém dẫn đến tình trạng chó mèo nuôi tràn lan, thiếu kiểm soát, thiếu quản lý vẫn còn tồn tại.

"Sau các sự việc đau lòng vừa qua, thiết nghĩ cần truy trách nhiệm trong công tác quản lý và cần có quy định điều kiện riêng đối với các loại chó dữ có khả năng tấn công người" – Tiến sĩ Cường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem