Rút BHXH 1 lần: Không có lương hưu, tuổi già khó khăn

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 16/12/2022 07:15 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhiều địa phương có tình trạng nhiều người lao động mất việc đã rút BHXH 1 lần. Đánh giá về điều này, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, người lao động sẽ thiệt đơn thiệt kép.
Bình luận 0

Rút BHXH 1 lần: Lợi trước mắt, thiệt lâu dài

Về tính trạng người lao động rút BHXH 1 lần, ông Lợi đánh giá điều này gia tăng sau dịch Covid-19 là do nhiều lao động mất việc, xin lại việc mới khó khăn, cuộc sống thiếu thốn nên "tặc lưỡi" rút BHXH 1 lần.

 Theo ông Lợi, nhiều người dân chỉ khó khăn tạm thời nhưng lại trông ngay vào khoản tích lũy cho tuổi già "BHXH". Nếu "gặt lúa non" với số tiền đóng BHXH vài năm thì số tiền chỉ được vài chục triệu đồng, tiêu vèo vào tiền ăn uống là hết.

Nhưng nếu giữ lại khoản đóng BHXH, tìm cách xoay xở vượt qua khó khăn tạm thời thì tuổi già sẽ được "bảo hiểm", vừa không có lương hưu, vừa không được phát thẻ BHYT miễn phí. 

Rút BHXH 1 lần: Không có lương hưu, tuổi già khó khăn - Ảnh 1.

Rút BHXH 1 lần người lao động lợi trước mắt, thiệt lâu dài (Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT tại Bắc Giang. Ảnh BHXH VN)

"Người rút BHXH chỉ thấy cái trước mắt mà không thấy cái lâu dài. Một số người lại lo lắng đóng BHXH 20 năm mới được hưởng thì lâu quá, tương lai "không biết thế nào". Tuy nhiên, mọi người phải hiểu rằng, Quỹ BHXH, BHYT được Nhà nước bảo hộ. Trong bất cứ tình huống nào, Nhà nước đều đảm bảo ổn định, chăm lo đời sống cho người dân", ông Lợi chia sẻ.

Hiện nay, tiền đóng BHXH bắt buộc được quy định là bằng 25,5% lương trong đó, người sử dụng lao động đóng 17,5%, người lao động đóng 8%.

Ông Lợi cho rằng, cần phải tăng cường tuyên truyền đúng và trúng nhưng thiệt hại mà người lao động phải chịu nếu rút BHXH 1 lần. Như vậy, người lao động sẽ cân nhắc thiệt hơn để không rút BHXH 1 lần và tìm cách khác để vượt qua khó khăn nhát thời.

Ngoài ra, cần phải có giải pháp điều tiết thị trường lao động tạo việc làm ổn định cho người lao động để người lao động yên tâm làm việc, được đóng BHXH bắt buộc.

Nhằm hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhiều chuyên gia đang đề xuất với Chính phủ sửa Luật BHXH theo hướng: Cho phép người lao động rút 8% số tiền đóng BHXH (phần người lao động đóng) còn 14% (phần người sử dụng lao động đóng) được giữ lại đến 60 tuổi và trả lương cho người dân, cùng với 1 khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Về đề xuất này, tại hội nghị thông tin về hoạt động quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) gần nhất, ông Lê Hùng Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đã cho biết, đề xuất "chỉ được rút 8% tiền đóng BHXH khi rút BHXH 1 lần" là một trong nhiều phương án do các chuyên gia trong tổ soạn thảo đề xuất.

Đề xuất này có mong muốn hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần, khuyến khích họ sớm quay lại thị trường, tiếp tục tham gia BHXH để đảm bảo chế độ an sinh khi về già.

Tuy nhiên, đề xuất này bất lợi cho nhiều lao động rút BHXH 1 lần. Do đó, BHXH Việt Nam sẽ có đánh giá tác động, nghiên cứu thêm các phương án khác để hỗ trợ lao động khi gặp khó khăn về tài chính cá nhân để hạn chế việc phải rút BHXH một lần.

Theo ông Sơn, các chuyên gia đề xuất phương án này để phù hợp với thông lệ quốc tế, đa số các nước hiện không cho phép người lao động rút BHXH một lần, nhằm đảm bảo cuộc sống của họ khi về già.

7 yếu tố thiệt thòi khi rút BHXH 1 lần

Đúc rút từ thực tế, trước đó, BHXH TP.HCM cũng đã đưa ra 7 thiệt thòi khi người lao động rút BHXH 1 lần. 

Thứ nhất, số tiền khi nhận BHXH một lần được ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Cụ thể: Một năm mức đóng BHXH bằng 2,64 tháng lương, trong khi NLĐ chỉ nhận được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Rút BHXH 1 lần: Không có lương hưu, tuổi già khó khăn - Ảnh 2.

Rút BHXH 1 lần, người lao động mất cơ hội có lương hưu, được phát thẻ BHYT, có tiền tử tuất khi mất... (Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT tại Bắc Giang. Ảnh BHXH VN)

Thứ hai, thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác.

Thứ ba, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động; hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần.

Thứ tư, không có lương hưu hằng tháng, để trang trải cuộc sống khi về già và phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân khi không còn khả năng lao động.

Thứ năm, mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các DVYT kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền.Thứ sáu, mất cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí KCB) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khoẻ.

Thứ bảy, thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất, nếu người đã nhận BHXH một lần không may qua đời. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem