Quảng Trị: Lãnh đạo tỉnh nói về công văn cấm hát karaoke đang “dậy sóng" mạng xã hội

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 27/02/2023 11:55 AM (GMT+7)
Công văn cấm karaoke kẹo kéo, nhạc sống từ thứ 2 đến thứ 6 của UBND thị trấn Cam Lộ đang “dậy sóng" mạng xã hội. Để dư luận hiểu hơn về công văn này, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã có trao đổi với Báo Dân Việt.
Bình luận 0

Ngày 27/2, ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, việc UBND thị trấn Cam Lộ ra văn bản số 02/CV-UBND ngày 23/2/2023 về việc quản lý hoạt động karaoke di động nhạc sống trên địa bàn thị trấn Cam Lộ đã nhận được sự đồng tình của nhiều người. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước thì chưa phù hợp.

Quảng Trị: Lãnh đạo tỉnh nói về công văn cấm hát karaoke đang “dậy sóng mạng xã hội” - Ảnh 1.

Công văn 02 về quản lý karaoke của UBND thị trấn Cam Lộ. Ảnh: N.V.N

Theo văn bản 02, từ ngày 1/3, các tổ chức, cá nhân và người dân không được sử dụng "karaoke di động" (loa kẹo kéo), nhạc sống vào các ngày làm việc trong tuần (từ thứ hai đến thứ sáu).

Trường hợp tổ chức đám cưới, đám hỏi, lễ hội thì phải báo cáo với chính quyền địa phương. Ngoài ra, ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, cho phép hoạt động nhưng đảm bảo âm thanh vừa phải và nghiêm cấm hoạt động từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau. Các trường hợp vi phạm tùy theo tính chất, mức độ sẽ có những hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Nam cho biết, hiện nay nhà nước ta chưa có các văn bản quy định hoặc cấm hoạt động hát karaoke di động (loa kẹo kéo) và nhạc sống. Nhà nước chỉ có quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính Phủ.

Hình thức hát karaoke di động và nhạc sống nếu vi phạm về tiếng ồn sẽ thực hiện theo điểm a, khoản 1, Điều 8 tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình và Điều 17, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định hành vi vi phạm các quy định về tiếng ồn.

Quảng Trị: Lãnh đạo tỉnh nói về công văn cấm hát karaoke đang “dậy sóng mạng xã hội” - Ảnh 2.

Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khuyến khích nhân dân lập hương ước, quy ước để thực hiện những việc cần thiết, có ý nghĩa. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Nam cho biết, trên thực tế việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này còn  gặp nhiều khó khăn do phải đo tiếng ồn. Nhưng việc này không phải lúc nào, nơi nào cũng thực hiện được. Muốn xử lý vi phạm phải thành lập đoàn kiểm tra, nhưng khi đoàn kiểm tra đến hiện trường thì người dân đã tắt nhạc, hoặc cho âm lượng nhỏ lại để đối phó. Vì vậy, khó có đủ căn cứ để xử lý vi phạm trong hoạt động karaoke.

Ông Nam nhấn mạnh, một văn bản hành chính nhà nước khi ban hành phải đảm bảo đồng thời 2 yêu cầu " hợp lý" và "hợp pháp". Vì vậy, dù nhiều người mong muốn UBND tỉnh ban hành văn bản "cấm" karaoke tương tự UBND thị trấn Cam Lộ để thực hiện trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, với các quy định hiện nay thì UBND tỉnh chưa có cơ sở để ban hành.

Quảng Trị: Lãnh đạo tỉnh nói về công văn cấm hát karaoke đang “dậy sóng mạng xã hội” - Ảnh 3.

Ô nhiễm tiếng ồn từ loa kẹo kéo đang là vấn nạn khiến người dân bức xúc. Tiếng ồn từ karaoke loa kẹo kéo ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người, đặc biệt là đối với người già và học sinh. Ảnh minh hoạ. Nguồn D.V

UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan một mặt tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm đối với trường hợp vi phạm theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP và Nghị định 45/2022/NĐ-CP, mặt khác tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của người dân; đưa nội dung này vào trong việc xây dựng hương ước, quy ước của khu dân cư (khu phố, thôn, bản) để vận động, khuyến khích nhân dân thực hiện, xem đây là nội dung thực hiện tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

"Khi các văn bản Nhà nước chưa quy định nhưng người dân thấy cần thiết, đồng lòng ủng hộ thì nên xây dựng thành hương ước, quy ước để thực hiện" – ông Nam chia sẻ.

Thực tế thì hương ước, quy ước có tính ràng buộc trong cộng đồng nên áp dụng rất hiệu quả. Ở Quảng Trị đã có những hương ước, quy ước để giữ rừng, bảo vệ đường hoa…

Đơn cử như cuối tháng 1 vừa qua, ông N.H (trú khu phố 8, thị trấn Cam Lộ) đã phải bồi thường 1 triệu đồng cho thôn An Thái (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) vì hành vi nhổ 1 cây hoa trang. Việc bồi thường của ông H thực hiện theo quy chế, hương ước của thôn An Thái nhằm bảo vệ tuyến đường hoa kiểu mẫu của thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem