Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh: Quảng Ninh ngày càng xuất hiện nhiều "nông dân số"

Bùi My (thực hiện) Chủ nhật, ngày 29/10/2023 09:00 AM (GMT+7)
Nông dân Quảng Ninh hôm nay tự tin làm chủ những mô hình nông nghiệp hiện đại, mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mô hình nông nghiệp đô thị… Nông dân Quảng Ninh cũng năng động kết hợp nông nghiệp và du lịch sinh thái, đẩy giá trị kinh tế của mô hình sản xuất lên cao.
Bình luận 0

Nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023), phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Nam (ảnh) – Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh - về những đóng góp của nông dân Quảng Ninh trong những năm qua.

Quảng Ninh ngày càng có nhiều "nông dân số" - Ảnh 1.

Sản phẩm trà hoa vàng Quy Hoa của ông Lê Mạnh Quy (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) hiện là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Ảnh: B.M

Giai đoạn từ 2018 – 2023, hội viên nông dân toàn tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp cả chục tỷ đồng, gần 41.400 ngày công lao động, hiến trên 192.000m2 đất để làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 295km kênh mương nội đồng, 333km đường giao thông, 122 cầu cống... Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã huy động gần 600 triệu đồng giúp đỡ người dân xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) phát triển kinh tế…

Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp, dịch vụ, nhưng khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng chiếm vai trò quan trọng. Trong hành trình Quảng Ninh chuyển dịch từ "nâu" sang "xanh", nông dân Quảng Ninh đã có những đóng góp cụ thể ra sao, thưa ông?

- Là thành phần chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh, nông dân Quảng Ninh là chủ thể canh tác trên hàng vạn ha ruộng, vườn, ao đầm, cung cấp nông sản cho hàng triệu người dân, du khách, công nhân lao động... Xác định rõ vai trò của người nông dân, nhiều năm qua tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực to lớn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, tạo cơ hội, động lực để nông dân tích lũy kinh tế, tư duy, kiến thức, tự tin phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, làm giàu cho bản thân và xã hội.

Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay, Đề án 196, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã khơi dậy và phát huy vai trò của nông dân, lấy nông dân làm lực lượng nòng cốt chung tay cùng tỉnh xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường…

Trong thành quả đó, vai trò của Hội Nông dân các cấp đã được khẳng định thông qua việc khuyến khích hội viên phát triển các mô hình kinh tế theo hướng phát huy lợi thế của địa phương; vận động hội viên chuyển đổi tư duy sản xuất từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, sản xuất những sản phẩm thị trường cần; dẫn dắt nông dân đi đến những mô hình kinh tế liên kết, sản xuất theo tổ, nhóm…

Quảng Ninh ngày càng có nhiều "nông dân số" - Ảnh 3.

Chương trình Tôn vinh 35 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh hướng tới chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh. Ảnh: B.M

Nông dân Quảng Ninh hôm nay tự tin làm chủ những mô hình nông nghiệp hiện đại, mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mô hình nông nghiệp đô thị… Nông dân Quảng Ninh cũng năng động kết hợp nông nghiệp và du lịch sinh thái, đẩy giá trị kinh tế của mô hình sản xuất lên cao.

Đáng chú ý, Quảng Ninh xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân số, điều hành sản xuất thông qua những thiết bị điện tử, online hiện đại.

Năm 2022, Quảng Ninh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới (trước 1 năm so với kế hoạch); và hoàn thành Chương trình giảm nghèo theo tiêu chí ưuốc gia trước 3 năm so với yêu cầu của Trung ương. Vậy nông dân Quảng Ninh đã đóng góp những gì vào thắng lợi này?

- Đến hết năm 2022, có 54/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% địa phương cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỉnh Quảng Ninh hoàn thành các nội dung, tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Giai đoạn 2018-2023, tỉnh bước vào giai đoạn nước rút xây dựng nông thôn mới. Nông dân đã tự tin thể hiện vai trò chủ thể, trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình luân canh, sản xuất kinh doanh tổng hợp trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Từ sự chung tay của nông dân, kết thúc năm 2022, tỉnh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra.

Phong trào trọng tâm nào của Hội đã hỗ trợ đắc lực, giúp nông dân Quảng Ninh được thụ hưởng, vươn lên làm giàu, nâng cao đời sống?

- Tổ chức Hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động và phong trào mà đích hướng tới là nâng cao đời sống của người nông dân, trong đó "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" là phong trào thi đua trọng tâm và xuyên suốt của Hội.

Nông dân được trang bị những kỹ năng trúng, đúng, những điều kiện cần và đủ để có thể triển khai mô hình sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến tới tạo ra giá trị tích luỹ, thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, nông dân được hỗ trợ nguồn vốn sản xuất kinh doanh, từ đó có thêm nguồn lực để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ. Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 85,133 tỷ đồng, dư nợ tín dụng ủy thác qua các ngân hàng đạt trên 2.360 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 37 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân SXKDG toàn quốc, gần 6.000 hộ nông dân SXKDG cấp tỉnh, hàng chục nghìn lượt hộ đạt danh hiệu hộ SXKDG cấp cơ sở. Nông dân cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp nhau sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức "cầm tay chỉ việc", "nông dân dạy nông dân"... 

Qua đó cho thấy sự phát triển rộng khắp cả chiều rộng và chiều sâu với hàng nghìn tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo sức lan tỏa lớn...

Quảng Ninh đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh (30/10/1963 – 30/10/2023). Hội và hội viên nông dân trong tỉnh đã triển khai những hoạt động ý nghĩa gì để chào mừng sự kiện quan trọng này, thưa ông?

- Ngay từ tháng 12/2022, Hội Nông dân tỉnh đã phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh và Đại hội Hội Nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Có thể kể đến như: Sơ kết phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2020 – 2022; tôn vinh 35 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023…

Nông dân đã hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình như: "Học và làm theo Bác", "Chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Đặc biệt, Hội đã phát động đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân khi chỉ đạo, tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028; tổ chức các chương trình như: Hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với nông dân; góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi)...

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem