Loại quả đặc sản Tây Ninh được một ông giám đốc Hợp tác xã hoàn thiện chuỗi giá trị mang tính toàn cầu

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 08/06/2023 08:00 AM (GMT+7)
Đã hơn 5 lần ông Hà Chí Mãng muốn bỏ chức Giám đốc HTX Nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) "cho khỏe cái thân", nhưng với hoài bão giúp nông dân bớt khổ, ông Mãng lại cùng HTX vượt khó, chờ ngày hoàn thành tâm nguyện khởi động nhà máy chế biến trái mãng cầu.
Bình luận 0
Loại quả đặc sản Tây Ninh được một ông giám đốc Hợp tác xã hoàn thiện chuỗi giá trị mang tính toàn cầu - Ảnh 1.

Tiên phong làm mãng cầu sạch 

Clip: HTX Nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và tâm huyết khép kín chuỗi giá trị cho đặc sản mãng cầu Tây Ninh. Thực Hiện: Nguyên Vỹ 

Thời tiết, khí hậu ở khu vực núi Bà Đen thuận lợi cho việc phát triển cây mãng cầu. Đặc biệt, loại đất trồng quanh chân núi Bà Đen giúp mãng cầu Tây Ninh có hương vị đặc trưng.

Từ Bình Định vào Tây Ninh lập nghiệp, ông Hà Chí Mãng làm cán bộ công chức ở địa phương, chuyên môn ngành kế toán. Nhận thấy giá trị cây đặc sản, từ năm 2000, ông Mãng cũng chuyển đổi một phần diện tích đất cao su của gia đình sang trồng mãng cầu.

Lúc này, các tiêu chuẩn nông nghiệp GAP chưa thịnh hành, nông dân trồng mãng cầu không theo quy trình cụ thể. Năm 2005, ông Mãng thôi việc nhà nước, về nhà lập HTX để giúp bà con làm mãng cầu sạch.

HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (Tây Ninh) là 1 trong 63 Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Trong ảnh: Ông Hà Chí Mãng – Giám đốc HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân. Ảnh: Nguyên Vỹ

HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (Tây Ninh) là 1 trong 63 Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Trong ảnh: Ông Hà Chí Mãng – Giám đốc HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông mời cán bộ Trung tâm Khuyến nông và các lão nông giàu kinh nghiệm để viết ra quy trình trồng mãng cầu, rồi tiến lên quy trình trồng sạch nhằm hạn chế cách làm lạm dụng phân thuốc bấy lâu.

Quá trình phát triển của HTX gặp không ít chông gai. Ngày đầu thành lập, HTX có 7 thành viên, diện tích chừng 4ha. HTX có vốn điều lệ 210 triệu đồng, trong đó ông Mãng góp gần một nửa. 

Do cách điều hành chưa tốt, hoạt động chừng 1 năm thì HTX lỗ gần 300 triệu. Ông Mãng phải chở vợ mang tài sản ra ngân hàng vay vốn thế chấp để phát triển lại HTX.

Cũng vì tiên phong làm mãng sạch nên chi phí sản xuất của HTX cũng cao hơn cách làm truyền thống. Màng bọc để bao trái mãng cầu, chống ruồi vàng tấn công là ví dụ của chi phí cao.

Giải pháp dùng lưới xốp bao bên trong, rồi dùng thêm túi lưới cước bọc bên ngoài giúp trái mãng cầu không còn bị ruồi vàng và các loại sâu bệnh khác gây hại nữa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giải pháp dùng lưới xốp bao bên trong, rồi dùng thêm túi lưới cước bọc bên ngoài giúp trái mãng cầu không còn bị ruồi vàng và các loại sâu bệnh khác gây hại . Ảnh: Nguyên Vỹ

Phải thử qua nhiều giải pháp, cuối cùng, ông dùng lưới xốp bao bên trong, rồi dùng thêm túi lưới cước bọc bên ngoài. Thế là trái mãng cầu không còn bị ruồi vàng và các loại sâu bệnh khác gây hại nữa.

Để vận động bà con làm theo mô hình, HTX gặp không ít khó khăn vì bà con đã quen với tập quán canh tác truyền thống. Chi phí cho màng bọc, công bao trái, cùng các chi phí sơ chế, vận chuyển khiến giá thành (từ 33.000-35.000 đồng/kg) cao hơn cách làm không bao trái.

Bù lại, nhờ cách làm mãng cầu sạch, uy tín sản phẩm của HTX được mọi người biết tới. Sản phẩm của HTX được đưa vào hệ thống siêu thị và các cửa hàng. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.

Quy trình trồng mãng cầu sạch của HTX mãng cầu Thạnh Tân được xã viên và bà con đón nhận, triển khai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Quy trình trồng mãng cầu sạch của HTX mãng cầu Thạnh Tân được xã viên và bà con đón nhận, triển khai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sản phẩm đươc thị trường đón nhận, ai cũng hồ hởi. "Từ hiệu quả của mô hình, đến nay HTX có 32 thành viên, tổng diện tích gần 30ha, trong đó có 25ha đạt chứng nhật VietGAP", ông Mãng kể. 

Nhà máy chế biến, tâm huyết để đời của HTX mãng cầu Thạnh Tân

Đến nay, Tây Ninh vẫn là tỉnh có diện tích trồng mãng cầu lớn nhất nước, hơn 5.400ha. Nhờ làm chủ được mùa vụ nên sản lượng mãng cầu hầu như có quanh năm. Đây là điều kiện để có thể chi phối giá và thị trường, tạo nên chất lượng và uy tín cho nhãn hiệu mãng cầu Tây Ninh.

Tuy nhiên, mãng cầu lại có một nhược điểm lớn chuyển hóa độ đường rất nhanh, chỉ chừng 2 ngày sau thu hoạch thì trái chín. Và khi đã chín mà không kịp sử dụng là phải bỏ phí nếu không được bảo quản trong điều kiện lạnh phù hợp.

Do đặc điểm thổ những nên khả năng mở rộng diện tích mãng cầu là không cao. Vì chỉ có khu vực xung quanh núi Bà Đen là phù hợp với cây trồng này và cho ra chất lượng khác biệt. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khu vực xung quanh núi Bà Đen rất phù hợp với trồng mãng cầu và cho ra chất lượng khác biệt. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Mãng, tuy được đánh giá khá đồng đều, tráo ngon, nhưng đầu ra của mãng cầu còn bấp bênh. Nếu vào được siêu thị, mãng cầu có giá từ 40.000-55.000 đồng/kg. Còn nếu phải ra chợ, giá chỉ hơn 20.000 đồng/kg, nông dân coi như lỗ vốn.

Để trái mãng cầu có cơ hội phục vụ thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu, phải làm cho trái chín chậm lại, càng chậm càng tốt. Ngoài sản lượng trái tươi đạt chuẩn cung cấp theo hợp đồng ổn định, hàng không đạt chuẩn có thể đưa vào chế biến.

"Khép kín chuỗi giá trị mãng cầu ở Tây Ninh là cách tối ưu giúp nông dân trồng mãng cầu tăng thêm lợi nhuận. Đó cũng là lý do HTX luôn ấp ủ giấc mơ về một nhà máy chế biến mãng cầu", ông Mãng cho biết.

Dự án nhà máy sơ chế, xử lý chín chậm và chế biến nước uống lên men đóng lon của HTX mãng cầu Thạnh Tân đặt giữa vùng nguyên liệu, dưới chân núi Bà Đen. Ảnh: Phước Tuấn

Dự án nhà máy sơ chế, xử lý chín chậm và chế biến nước uống lên men đóng lon của HTX mãng cầu Thạnh Tân đặt giữa vùng nguyên liệu, dưới chân núi Bà Đen. Ảnh: Phước Tuấn

Năm 2019, dự án nhà máy sơ chế, xử lý chín chậm và chế biến nước uống lên men đóng lon của HTX được triển khai theo dự án đầu tư công. Dự án được Trung ương phân bổ vốn đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng. Tỉnh Tây Ninh giao cho UBND TP Tây Ninh làm chủ đầu tư.

Với công suất chế biến dự kiến từ 2-5 tấn nguyên liệu/ngày, tương đương diện tích 150-200ha, nhà máy sẽ giải quyết đầu ra cho một lượng lớn cho trái mãng cầu của HTX và người trồng trong vùng dự án.

"Nhà máy hoạt động sẽ chấm dứt tình trạng mãng cầu bán giá thấp do không bảo quản được lâu, cải thiện thu nhập cho nông dân", ông Mãng nói.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, dự án đầu tư chưa hoàn tất. Nhà máy chỉ mới hoàn thành nhà xưởng, còn phần máy thiết bị chưa thực hiện được, nhà máy chưa thể vận hành.

Tây Ninh có diện tích mãng cầu lớn nhất nước nhưng số HTX mãng cầu thì không nhiều. Ông Mãng vẫn mong muốn tìm người trẻ về làm lớp kế cận đưa HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân phát triển hơn nữa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tây Ninh có diện tích mãng cầu lớn nhất nước nhưng số HTX mãng cầu thì không nhiều. Ông Mãng vẫn mong muốn tìm người trẻ về làm lớp kế cận đưa HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân phát triển hơn nữa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Mãng tâm sự, gần 20 năm làm Giám đốc HTX, đối diện không ít gian nan. Đã hơn 5 lần ông Mãng muốn bỏ chức Giám đốc HTX Nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân (TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) cho khỏe cái thân. Nhưng nghĩ về tâm huyết ban đầu, được mọi người động viên, ông lại tiếp tục đồng hành, quyết làm cho "ra ngô ra khoai".

Ngoài quy trình sản xuất sạch, nhà máy chế biến là tâm huyết để đời của bản thân ông, của HTX để giúp người trồng mãng cầu đỡ phần cực khổ. "HTX mong tỉnh, Thành phố Tây Ninh hỗ trợ để nhà máy để sớm đi vào hoạt động, để cây đặc sản mãng cầu phát triển bền vững", ông Mãng tâm sự.

Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, địa phương cần tăng diện tích mãng cầu có áp dụng các quy trình GAP, để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Việc tập trung chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đưa được mãng cầu vào các chuỗi tiêu thụ vẫn là nỗ lực và định hướng chung của Tây Ninh. Ngoài tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để cân đối cung cầu trên thị trường, việc khép chuỗi và phát triển cụm ngành sẽ giúp cây mãng cầu có giá trị gia tăng cao hơn.

Theo Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh, mãng cầu nằm trong vùng có khả năng phát triển thành vùng nông nghiệp công nghệ cao. Nơi đây được UBND tỉnh định hướng hỗ trợ áp dụng VietGAP, hình thành vùng chuyên canh mãng cầu, phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy chế biến HTX Mãng cầu Thạnh Tân, xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Loại quả đặc sản Tây Ninh được một ông giám đốc Hợp tác xã hoàn thiện chuỗi giá trị mang tính toàn cầu - Ảnh 10.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem