Phụ nữ nói hay, bỏ ngay thuốc lá

Nguyệt Tạ Thứ tư, ngày 08/12/2021 21:43 PM (GMT+7)
Phụ nữ, trẻ em là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất từ hành động hút thuốc lá. Từ việc là nạn nhân, nhiều chị em phụ nữ trở thành những tuyên truyền viên trong chính ngôi nhà, giúp người thân từ bỏ thuốc lá.
Bình luận 0

Tư vấn theo kiểu "mưa dầm thấm lâu"

Từng có chồng nghiện thuốc lá, chị Nguyễn Thị Thủy (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) thấu hiểu được tác hại của thuốc lá tới sức khỏe của chồng và các con. Chị Thủy kể lại: "Trước đây chồng tôi hút thuốc ở mọi nơi. Sức khỏe của anh sa sút, các con lại còn nhỏ nên ngửi mùi thuốc nhiều cũng ốm đau liên miên. Thực hiện bài "mưa dầm thấm lâu" tôi khuyên nhủ tư vấn giúp chồng cai thuốc từng ngày. Kết quả thì anh cũng bỏ được thuốc lá".

Hơn 1 năm cai thuốc, anh Túm - chồng chị Thủy - khỏe mạnh hơn trước. Mừng hơn, anh còn tình nguyện trở thành tư vấn viên, tư vấn cho các nam nông dân trong tổ dân phố về tác hại của thuốc lá, giúp họ cùng bỏ thuốc.

Bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng cho biết hàng năm tỉnh hội đã có các hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đơn vị vẫn hướng dẫn hội phụ nữ các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương và nhận thức của từng đối tượng hội viên phụ nữ.

Phụ nữ nói hay, bỏ ngay thuốc lá - Ảnh 1.

Nhiều chị em phụ nữ cũng tham gia Hội thi Nông dân tuyên truyền viên phòng chống tác hại thuốc lá giỏi tại tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: I.T

Theo bà Trương Thị Thu Thủy, nhờ có những mô hình như "Gia đình không khói thuốc" mà rất nhiều thành viên được truyền thông về tác hại của thuốc lá. Qua đó thay đổi nhận thức của từng thành viên trong gia đình, hướng tới thay đổi nhận thức của toàn xã hội.

Dịch Covid-19 khiến cho các hoạt động truyền thông bị ngưng trệ. Vận dụng linh hoạt các phương pháp truyền thông, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã chuyển qua tư vấn trên các kênh như: facebook, zalo, trang thông tin điện tử của Hội. Ngoài ra còn lồng ghép nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào sinh hoạt chuyên đề chi, tổ hội; cơ quan...

Báo cáo sơ bộ cho thấy Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá. Trong năm 2020, các cấp Hội Phụ nữ đã mở 15 lớp tập huấn công tác phổ biến pháp luật, trong đó có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở với 1.359 chị tham gia, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mở 6 lớp cho 469 chị.

Nhân rộng mô hình "gia đình không khói thuốc"

Bà Trương Thị Thu Thủy - Trưởng Ban gia đình xã hội, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe sinh sản (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết, phụ nữ mặc dù là đối tượng ít hút thuốc nhưng lại là đối tượng dễ bị tổn thương vì khói thuốc nhất. Chính vì vậy, truyền thông hướng đến phụ nữ là bảo vệ quyền lợi được sống mạnh khỏe của phụ nữ và trẻ em, điều này đã được pháp luật quy định, cụ thể là Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

Bởi vậy, hiện nay các chương trình truyền thông về tác hại thuốc lá của Hội Phụ nữ thường tập trung vào phụ nữ vì vai trò của phụ nữ trong xã hội cũng ngày một quan trọng hơn. Phụ nữ không chỉ là người chịu ảnh hưởng, mà còn là người tạo ra rất nhiều ảnh hưởng tới những thành viên trong gia đình, các cá nhân khác trong cộng đồng. Nhiều người còn là những người tạo cảm hứng làm thay đổi nhận thức của những người xung quanh.

Bà Thủy cũng cho biết, hiện Hội Phụ nữ các cấp đã xây dựng chương trình truyền thông thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt chú trọng tới xây dựng nhiều mô hình "Gia đình không khói thuốc", ở khắp các tổ chi hội, từ đó truyền đi những thông điệp giúp chồng con, người thân từ bỏ hút thuốc lá. 


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem