Phát triển bền vững các tỉnh vùng Tây Bắc: Chú trọng nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Phương Đông Thứ sáu, ngày 03/04/2015 17:05 PM (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng, để góp phần phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Bắc thì nhà nước cần ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi, trong đó có vốn tín dụng từ Ngân hàng CSXH...
Bình luận 0

Điển hình thoát nghèo

Người dân xóm Tam Hòa, xã Tân Sơn, huyện Mai Châu (Hoà Bình) vẫn nhắc tên chị Hà Thị Hậu như một điển hình về sử dụng vốn vay ưu đãi để thoát nghèo. Chị Hậu thổ lộ: “Vay vốn về tôi xây thêm chuồng trại và mua đàn lợn giống. Mới đầu thì nuôi năm bảy con, các lứa sau có thêm vốn liếng thì nhân thêm đàn. Hai năm gần đây, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa lợn thịt, cộng với tiền lãi từ thu mua nông sản cũng có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”.

img
Nhiều hộ đồng bào Mông, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thoát nghèo nhờ vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư nuôi bò sinh sản. Ảnh: Nguyễn Công
Tín dụng chính sách qua Ngân hàng CSXH đến với các địa phương vùng Tây Bắc còn tiếp thêm động lực đối với đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong việc đề ra các giải pháp giảm nghèo. Ông Lương Văn Thuận- Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) chia sẻ: “Nếu không có hơn 40 tỷ đồng của Ngân hàng CSXH thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi cho bà con trong xã vay thì dù quyết tâm chính trị có cao mấy thì địa phương chúng tôi cũng khó giảm nghèo được như trong những năm vừa qua”. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã Gia Phú giảm còn 10,9% từ mức 18,7% trong năm 2013.

 

Bà Hoàng Thị Hạnh- Phó ban chỉ đạo Tây Bắc đánh giá: “Tín dụng chính sách Chính phủ triển khai qua Ngân hàng CSXH là một trong những động lực chính góp phần giảm nghèo ở vùng Tây Bắc…”.

Đầu tư tối thiếu 4.700 tỷ đồng cho Tây Bắc

Từ ngày 3-4.4 tại huyện Mộc Châu (Sơn La) sẽ diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc. Hội nghị do Ban chỉ đạo Tây Bắc và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức. Bà Hoàng Thị Hạnh cho biết, năm 2014, tăng trưởng GDP toàn vùng đạt 8,14%.

Ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc đến ngày 31.12.2014 đạt 149.383 tỷ đồng, tăng 16,10% so cuối năm 2013, cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước và chiếm tỷ trọng khoảng 3,76% tổng nguồn vốn huy động toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn chiếm 40,74% tổng dư nợ tín dụng toàn vùng.

Ông Đào Minh Tú cho rằng, tăng cường nguồn vốn tín dụng, trong đó có nguồn vốn tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng CSXH vẫn là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm nghèo bền vững tại các tỉnh vùng Tây Bắc. Dự kiến các ngân hàng cam kết sẽ đầu tư ít nhất 4.700 tỷ đồng vào vùng Tây Bắc những năm tới.

  Doanh số cho vay tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng CSXH tại vùng Tây Bắc từ 2003-2014 đạt 56.234 tỷ đồng với 4.319.369 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng. Nguồn vốn đã giúp 358.826 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng 151.983 căn nhà, 688.591 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đưa 26.560 lao động đi xuất khẩu lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem