Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 10/01/2023 15:42 PM (GMT+7)
Ngày 10/1, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn.
Bình luận 0

Đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị. 

Thảo luận nhiều vấn đề nóng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng xã hội

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 01 ngày 16/8/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương về kế hoạch Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh xã hội, văn minh; Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng Báo cáo chuyên đề: "Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn".

Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn - Ảnh 1.

Đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Viết Niệm

Để có đánh giá khách quan về và vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn, Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo này. 

"Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng biến đổi cơ cấu giai tầng ở nông thôn và tác động của nó đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và khối đại đoàn kết ở nông thôn. Trên cơ sở đó, đề xuất được nhiệm vụ và giải pháp phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn" - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.

Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn. Ảnh: Viết Niệm.

Báo cáo đề dẫn hội thảo nêu rõ, qua 35 đổi mới, đặc biệt sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, nền kinh tế và xã hội nước ta có nhiều biến đổi sâu sắc. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc, tôn giáo, vùng biên giới. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề đáng lưu ý là trong cơ cấu xã hội nông thôn nước ta đang có sự biến đổi mạnh mẽ. 

Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn - Ảnh 3.

Nước ta đang còn là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm đa số. Đói nghèo, phân hoá giàu nghèo diễn ra chủ yếu ở nông thôn, đối với nông dân. 

Một bộ phận nông dân mất đất sản xuất cho phát triển công nghiệp và đô thị hoá. Nơi tái định cư không ổn định, nghề nghiệp mới (sau khi mất đất) chưa có, chưa qua đào tạo. 

Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn - Ảnh 4.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Hội thảo. Ảnh: Viết Niệm.

Thiên tai, dịch bệnh làm cho nhiều hộ nông dân rơi vào tình trạng tái nghèo đói cả về kinh tế và thông tin, văn hoá. Con em họ và bản thân họ khó có điều kiện tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, văn hoá. 

Nông dân mất đất và cũng không còn thiết tha với nghề nông, họ trả lại ruộng khoán vì không có lợi ích đảm bảo trong nghề nông, thuần nông. Đây là nguyên nhân dẫn đến xu thế nông dân di cư ra đô thị tìm kiếm mọi việc làm để mưu sinh.

Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn - Ảnh 5.

TS Dương Nam Hà - Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày tham luận về phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng cộng đồng nông thôn bền vững. Ảnh: Viết Niệm.

Bên cạnh đó, công nhân làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân, nhất là trong các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư là nước ngoài đang đứng trước rất nhiều tình huống: lao động với cường độ cao, điều kiện sống rất khó khăn, nhà ở, đời sống văn hoá tinh thần thấp kém, trình độ hạn chế của công nhân và lao động về học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo là một trong những lý do bị sa thải, mất việc làm... dẫn đến hiện tượng di cư ngược về nông thôn. 

Tình trạng phát triển các khu công nghiệp, đô thị hóa không chỉ làm mất đất của nông dân mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội nông thôn khi sự di cư của các công nhân đến làm việc tại các công ty, nhà máy. Đây chính là những thách thức trong xây dựng cộng đồng nông thôn đoàn kết, phát triển, cũng là những thách thức đặt ra đối với các cấp Hội Nông dân trong vấn đề tập hợp, đoàn kết nông dân trong thời gian tới.

Tại hội thảo dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm, các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các Ban đơn vị cơ quan T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về tình hình chuyển dịch cơ cấu giai tầng xã hội nông thôn; vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng cộng đồng nông thôn bền vững, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn - Ảnh 6.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Lã Văn Đoàn phát biểu tham luận về vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân Bắc Giang tham gia xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ảnh: Viết Niệm.

Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất, giải pháp cụ thể để phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng của xã hội. 

Phát huy vai trò trung tâm nòng cốt của Hội Nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, chất lượng, gợi mở nhiều vấn đề lí luận và thực tiễn mới mẻ về xu hướng biến đổi giai tầng xã hội nông thôn, về vai trò làm chủ của nông dân, về vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn.

"Đây là những kiến thức quý báu để Tổ biên tập Chuyên đề "Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn" lựa chọn, tiếp thu trong quá trình biên tập. Đây là Chuyên đề do Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 23 chỉ đạo Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam thực hiện" - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.

Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn - Ảnh 7.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Phòng phát biểu tham luận những vấn đề đặt ra đối với công tác Hội và phong trào nông dân nơi tốc độ đô thị hoá nhanh.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh: Trong 20 năm qua, các cấp Hội đã thể hiện vai trò trung tâm và nòng cốt của mình hướng dẫn, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội với nhiều cách làm hay, sáng tạo. 

Ngoài các phương pháp tập hợp truyền thống theo các chi, tổ hội theo địa bàn dân cư, các cấp Hội đã xây dựng nhiều mô hình tập hợp nông dân mới như các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã. 

Qua đó tuyên truyền, vận động nông dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng các thôn, ấp, bản, làng văn hóa, sáng xanh, sạch, đẹp; bảo đảm an ninh trật tự xã hội ở nông thôn, hạn chế các mâu thuẫn nội bộ nông thôn…

Tuy nhiên, hiện nay, các cộng đồng dân cư khu vực nông thôn đã và đang phải đối mặt với nhiều biến đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội sâu sắc, có tác động sâu rộng đến tinh thần và ý thức cộng đồng ở nông thôn. 

Việc xây dựng cộng đồng nông thôn đoàn kết, văn minh, giữ vững bản sắc văn hóa bản địa đang là một trong những thách thức mới đối với việc bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng khối đoàn kết toàn dân ở nông thôn. 

Đây cũng là một thách thức mới đối với vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Đại Hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương "Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; để phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của mình triển khai chủ trương này, chúng ta phải đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ là Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam làm nòng cốt xây dựng cộng đồng nông thôn đoàn kết, văn minh để đáp ứng được chủ trương mới của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trọng tình hình mới.

Về giải pháp thực hiện hai nhiệm vụ to lớn này, có nhiều điều phải bàn, phải nghiên cứu tiếp, nhưng tại Hội thảo các đại biểu đã cơ bản thống nhất 7 nội dung trọng tâm. 

Cụ thể: Thứ nhất: Các đại biểu khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn và phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Thứ 2: Các ý kiến thảo luận của các đại biểu đã chỉ ra một số xu hướng biến đổi giai tầng nông thôn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: (i) Sự phân tầng xã hội theo thu nhập hay sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt hơn ở nước ta; (ii) Chuyển dịch lao động nông thôn – thành thị và ngược lại vẫn sẽ tiếp tục diễn ra như một xu thế tất yếu; (iii) Chuyển dịch lao động nông thôn giữa các vùng kinh tế; (iv) Chuyển dịch lao động nông thôn sang lĩnh vực phi nông nghiệp làm giảm lao động thuần nông.

Thứ 3: Trước xu thế đó, Đảng và Nhà nước phải đổi mới chính sách, cơ chế mới để phát huy vai trò trung tâm nòng cốt của Hội Nông dân, phát huy khả năng sáng tạo của nông dân, quyền chủ động của người dân nông thôn tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của nông thôn Việt Nam.

Thứ 4: Phải tập trung đào tạo, nâng cao năng lực của nông dân. Tăng cường chuyển giao khoa học, công nghệ về nông thôn, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để người dân nông thôn tiếp cận nhanh chóng với công nghệ hiện đại, từ đó đổi mới tư duy kinh tế, chủ động thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang hợp tác sản xuất và sản xuất theo chuỗi.

Thứ 5: Phải phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô ở nông thôn để người dân tiếp cận được nguồn vốn cho phát triển sản xuất. Khuyến khích nông dân xây dựng và tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, từng bước đổi mới phương thức sản xuất theo hướng xã hội hóa, liên kết hóa...

Thứ 6: Phải thường xuyên quan tâm giáo dục, xây dựng ý thức cộng đồng cho hội viên, nông dân; để mỗi hội viên, nông dân đều tự giác giữ gìn lòng tự hào và lòng tự tôn dân tộc, biết đồng cảm và chia sẻ khi đồng bào mình gặp khó khăn và khi cần thiết, biết đặt lợi ích của dân tộc và của cộng đồng lên trên lợi ích của chính bản thân mình; sẵn sàng tham gia các hoạt động xây dựng cộng đồng văn minh, văn hóa; biết giữ gìn cảnh quang môi trường nông thôn; ý thức sản xuất nông sản có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng và xã hội.

Thứ 7: Phải chăm lo xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp ở nông thôn để đa dạng hóa sự tập hợp, tuyên truyền, vận động nông dân, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đặc biệt là phải có chính sách đào tạo, bổi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ hội nông dân các cấp để thu hút, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội tâm huyết, năng lực, trách nhiệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem