Phản đối phế lập hoàng đế, đại thần nhà Nguyễn bị... kẻ trộm giết chết

K.N Thứ tư, ngày 24/05/2023 21:30 PM (GMT+7)
Việc phế vua này để lập vua khác là việc làm đại nghịch bất đạo. Chính vì thế mà lời nói của Trần Tiễn Thành trong giai thoại này hoàn toàn đúng và rất khảng khái của một bậc đại trượng phu. Tuy nhiên, cũng vì như vậy mà ông mất mạng.
Bình luận 0

Theo sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" thì tổ tiên của Trần Tiễn Thành là người ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Gia đình ông đã di cư sang nước ta vào buổi đầu của nhà Thanh (nửa sau thế kỷ thứ XVII). Trần Tiễn Thành sinh ra và lớn lên tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1820, vì tự xét thấy mình cũng có chút tài văn chương nên Trần Tiễn Thành đã ra ứng cử và được vua Minh Mạng cho làm quan.

Mười tám năm sau, tức vào năm 1838, Trần Tiễn Thành dự thi Hội và ông đã đỗ tiến sĩ. Từ đó, hoạn lộ của ông ngày một thênh thang. Cuối thời Tự Đức, Trần Tiễn Thành cùng với Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết là ba bậc đại thần, có quyền uy rất lớn trong triều đình lúc bấy giờ. Chính ba người này đã nhận di chiếu của vua Tự Đức và chịu trách nhiệm lập vua mới. Nhưng, công việc này đã dẫn đến cái chết đầy bí ẩn của Trần Tiễn Thành. Cũng sách trên cho biết:

Phản đối phế lập hoàng đế, đại thần nhà Nguyễn bị... kẻ trộm giết chết - Ảnh 1.

Đại thần phụ chính Trần Tiễn Thành. Ảnh: TRT.

- Vào tháng 6 năm ấy, tức năm Quý Mùi - 1883, di chiếu của vua Tự Đức để lại cho Hoàng trưởng tử là Thụy Quốc công nối nghiệp. Vì vua Tự Đức không có con trai, nên Thụy Quốc công, tức là Nguyễn Phúc Ưng Châu, con của Nguyễn Phúc Hồng Y và là con nuôi của vua Tự Đức được tôn lên ngôi, đó là vua Dục Đức. Nhưng mới chỉ được ba ngày thì vua Dục Đức bị giết.

Khi công bố vua Dục Đức lên ngôi, thì Trần Tiễn Thành được làm Phụ chính Đại thần, còn Nguyễn Văn Tường và Lê Thuyết (tức Tôn Thất Thuyết, sau bị đổi theo họ mẹ) thì làm Đồng Phụ chính đại thần. Một ngày trước khi được tấn tôn, Tự Quân (tức Thụy Quốc công) thấy trong di chiếu có câu rằng:

- Sắc cho răn bảo điều hay, liền cho triệu các Phụ chính đại thần đến để nghị bàn.

Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đều nói là xin để nhà vua quyết định lấy. Trần Tiễn Thành cũng để bụng, cho như thế là đúng. Khi tuyên đọc chiếu thư, Nguyễn Văn Tường cáo bệnh không ở trong ban được, cho nên trong ban chỉ có Tôn Thất Thuyết đứng cạnh Trần Tiễn Thành mà thôi. Lúc Trần Tiễn Thành đọc đến đoạn ấy thì khẽ tiếng rồi húng hắng ho. Tôn Thất Thuyết bèn giả bộ ngạc nhiên đến lạ lùng và chờ cho Trần Tiễn Thành đọc xong thì vặn hỏi. Ngay khi đó, Trần Tiễn Thành lựa lời đáp rằng:

- Sao lại nói là không đọc đoạn ấy. Lão phu lúc đó bị ho nên hụt hơi, khiến cho tiếng bị nhỏ.

Tôn Thất Thuyết lại cãi là không phải. Về sau, Tôn Thất Thuyết bàn mưu phế lập. Bấy giờ, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cậy thế là người nắm giữ quân đội trong tay, đình thần đều sợ như là sợ hỏa hoạn nên không ai dám làm gì. Khi đó, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết muốn gì thì mọi người trong triều cũng phải cúi đầu tuân theo. Việc phế đế được tiến hành ngay sau đó và Trần Tiễn Thành được thăng làm Thái bảo Cần chánh điện Đại học sĩ và tuy ông đã cố từ chối nhưng không được. Sau đó, một số quan đại thần, trong đó có Hoàng Côn đã hặc tấu việc Trần Tiễn Thành đọc di chiếu mà tự ý bỏ bớt đi.

Về việc này, nhà vua giao Trần Tiễn Thành cho triều đình bàn nghị. Đình thần cho là Trần Tiễn Thành khi đọc di chiếu có phần bị nhầm lẫn, khép vào tội phải đánh bằng gậy và cách chức, nhưng vua Dục Đức cho là bậc cựu thần của bốn triều vua, nên chỉ giáng hai cấp và vẫn lưu lại để làm việc. Từ đó, Trần Tiễn Thành ngày nào cũng bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết bức bách, nên ông đành phải viện cớ bệnh để xin giải chức về quê nhà để an dưỡng tuổi già. Về sau, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lại bàn mưu phế lập lần nữa (chỉ việc phế bỏ vua Hiệp Hòa vào cuối năm 1883). Họ sai người đến nói rõ ý định để cốt được Trần Tiễn Thành nghe theo. Nhưng Trần Tiễn Thành bác đi và nói rằng:

- Phế lập là việc đại sự, sao mà làm nhiều đến thế. Ta nay đã bãi chức về rồi, không dám can dự việc đại nghịch bất đạo ấy.

Nghe vậy, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết rất nghi sự việc sẽ bại lộ, nên ngay đêm đó, Trần Tiễn Thành đã bị kẻ trộm giết chết. Khi đó, quần thần trong triều đều ngờ là có kẻ sai khiến làm nên chuyện ấy, nhưng không dám nói ra.

Lời bàn:

Dưới thời phong kiến, việc vua này qua đời sẽ có vua khác lên thay theo di chiếu hoặc sự sắp đặt của hoàng tộc. Việc phế vua này để lập vua khác là việc làm đại nghịch bất đạo. Chính vì thế mà lời nói của Trần Tiễn Thành trong giai thoại trên hoàn toàn đúng và rất khảng khái của một bậc đại trượng phu. Tuy nhiên, vào cái thời mà vận nước đang hồi nghiêng ngả, xã tắc đang dần rơi vào tay ngoại bang, triều đình nhà Nguyễn lại hết sức nhu nhược thì lấy đâu ra các vị đại thần thẳng thắn, trung thực để dám đứng ra tố cáo việc làm sai trái của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.

Thế mới hay rằng, trong triều đình nhà Nguyễn ngày xưa tuy các vị đại thần đều là những người có học hành tử tế, nhưng chẳng có ai là kẻ sĩ, mà chỉ là những kẻ hám quyền lực, tham chức sắc và bổng lộc. Chính vì vậy mà có đại thần sẵn sàng giết chết đồng liêu rồi đổ lỗi cho bọn trộm cướp đã làm việc ấy. Xem ra, kẻ giết chết Trần Tiễn Thành nếu không phải là trộm cướp thì nhân cách của họ cũng chẳng hơn gì bọn đầu trộm đuôi cướp thời ấy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem